Bóng đá Việt và giấc mơ xuất khẩu cầu thủ

Gần 20 năm kể từ trường hợp đầu tiên ra nước ngoài thi đấu của Lê Huỳnh Ðức, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể vươn khỏi “vùng trũng” Ðông Nam Á. Giấc mơ xuất ngoại còn xa xỉ, cho dù khâu đào tạo trẻ, nền tảng của sự phát triển bóng đá quốc gia, đã có những bước chuyển mình.

Có lẽ hiện nay ít người còn nhớ, Lê Huỳnh Đức là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Năm 2001 khi đang khoác áo CLB Ngân hàng Đông Á, Huỳnh Đức đã nhận được đề nghị từ phía đội bóng của Trung Quốc Lifan.

Bóng đá Việt và giấc mơ xuất khẩu cầu thủ - 1

Công Phượng đi thăm doanh nghiệp có người Việt Nam làm việc ở Nhật.

Chuyến đi của Lê Huỳnh Đức có thể xem vừa là thi đấu chuyên nghiệp, vừa kết hợp làm nhiệm vụ. Tin khi đó nói để có sự phục vụ của Lê Huỳnh Đức, phía Trung Quốc phải đổi 3 cầu thủ, kèm thêm 60 xe đặc chủng cho CA Tp Hồ Chí Minh. Thời gian Lê Huỳnh Đức thi đấu cho Lifan cũng gói gọn trong 4 tháng. Dù vậy, anh cũng kịp ghi 4 bàn thắng cho đội bóng mới trước khi trở lại Việt Nam.

Sau Lê Huỳnh Đức, một vài trường hợp cầu thủ khác của Việt Nam cũng đã có cơ hội ra nước ngoài thi đấu, nhưng với các tính chất khác nhau và điểm chung là trong thời gian khá ngắn. Cuối năm 2003, do dính đến nghi án bán độ tại cúp C1 Đông Nam Á, cầu thủ Lương Trung Tuấn đã bị Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ra án phạt cấm thi đấu 3 năm. Lương Trung Tuấn đồng thời bị mất vị trí tại CLB HAGL, phải chuyển sang Bình Định. Để duy trì phong độ, năm 2005 Lương Trung Tuấn ký hợp đồng với Cảng Thái Lan, nhận mức lương 400 USD/tháng.

Một trường hợp khác hơi giống Lương Trung Tuấn là tiền đạo Nguyễn Việt Thắng, cũng chịu án phạt “treo giò” 3 năm từ VFF vì bê bối ở cấp độ CLB. Năm 2005, dưới sự “đạo diễn” của HLV H.Calisto, Việt Thắng đã được Porto B của Bồ Đào Nha tiếp nhận để “học việc”. Qua năm 2006 sau khi chấp hành xong án phạt của VFF, Nguyễn Việt Thắng trở lại Việt Nam và đầu quân cho đội bóng của ông Calisto, Đồng Tâm Long An (nay là Long An).

Rất lâu sau hai trường hợp trên, mãi tới năm 2009 bóng đá Việt Nam lại mới có một cầu thủ được ra nước ngoài thi đấu, và đây có lẽ cũng là trường hợp nổi tiếng nhất: cựu tiền đạo Lê Công Vinh. Thông qua sắp xếp của HLV Calisto, Công Vinh được sang Bồ Đào Nha chơi bóng, và lần này là CLB Leixoes, một đội bóng tầm trung ở giải VĐQG Bồ Đào Nha. Anh chơi một số trận giao hữu và 2 trận chính thức cho Leixoes ở giải VĐQG, không ghi được bàn thắng nào. Tháng 7/2013, chân sút gốc Nghệ có lần xuất ngoại thứ 2 với bản hợp đồng có thời hạn 5 tháng cho Consodale Sapporo, nhận mức lương được thông báo là 7.000 USD/tháng.

Không kể tới trường hợp nhiều cầu thủ Việt Nam sang Lào thi đấu, thì đây là những thương vụ nổi bật, được nhiều người để ý nhất.

Thậm chí ngay cả với Công Vinh, dù chơi 9 trận, ghi được 2 bàn cho Consodole Sapporo, bản hợp đồng của tiền đạo gốc Nghệ với đội bóng Nhật Bản vẫn bị đánh giá là mang nặng yếu tố thương mại do nằm trong chiến lược phát triển hình ảnh và thị trường của phía Nhật Bản.

Mục tiêu thương mại cũng được cho là động cơ chính khiến các CLB Nhật Bản nhắm tới cầu thủ Việt Nam, mà đình đám nhất là bản hợp đồng của 2 ngôi sao HAGL, Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Tuấn Anh với 2 đội bóng Nhật Bản, Mito Hollyhock cùng FC Yokohama hồi năm 2016. So với các “đàn anh”, hợp đồng của Công Phượng và Tuấn Anh với các đội bóng dài hơn hẳn. Tuy nhiên, cả hai sớm chia tay giải hạng Nhì của Nhật Bản sau một mùa giải thường xuyên phải ngồi dự bị. Giữa nền bóng đá Nhật Bản với Việt Nam là một khoảng cách diệu vợi, rất khó san bằng trong một sớm, một chiều.

Bóng đá Việt và giấc mơ xuất khẩu cầu thủ - ảnh 1Tiền đạo Công Vinh là cầu thủ Việt hiếm hoi ghi được bàn thắng trong thời gian chinh chiến ở nước ngoài.

“Ði một ngày đàng, học một sàng khôn”

Nếu cần thêm một ví dụ khác để thấy, cầu thủ Việt Nam khó lòng có thể ra nước ngoài chơi bóng nếu chỉ thuần tuý nhờ chuyên môn thì có thể kể tới một ngôi sao khác của HAGL, tiền vệ Lương Xuân Trường. Ít ai có thể phủ nhận được tài năng của Xuân Trường so với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên khi đầu quân cho Incheon United ở K-League, tiền vệ quê Tuyên Quang cũng thường trực ngồi ghế dự bị.

Bóng đá Việt và giấc mơ xuất khẩu cầu thủ - 2

Tiền đạo Công Vinh là cầu thủ Việt hiếm hoi ghi được bàn thắng trong thời gian chinh chiến ở nước ngoài.

Qua năm đầu tiên trong bản hợp đồng 2 năm, Incheon United tiến hành thanh lý và Lương Xuân Trường chuyển tới một đội bóng nhỏ hơn ở K-League, Gangwon United. Mặc dù vậy, số lần ra sân của anh vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tổng cộng ở cả hai đội bóng, Lương Xuân Trường chỉ được thi đấu vỏn vẹn 7 trận. Đây là lý do HAGL quyết định cho Xuân Trường về nước, dự V-League 2018. Trên thực tế, bầu Đức từng đưa 4 cầu thủ thuộc lứa 1 Học viện HAGL-JMG sang Anh thử việc, gồm: Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng và Đông Triều. Nhưng rốt cuộc, cả 4 đều không thể trụ lại. Đào tạo cầu thủ và đem bán từng là mơ ước của bầu Đức khi hợp tác với Arsenal xây dựng Học viện HAGL.

Sau gần 20 năm tính từ trường hợp đầu tiên của Lê Huỳnh Đức, bóng đá Việt Nam rõ ràng chưa thể tạo nên những cầu thủ đủ khả năng chơi bóng ở nước ngoài. Bài học từ các trường hợp gần đây của HAGL cho thấy, bóng đá Việt Nam cần đánh giá mình một cách chính xác hơn, trong mối tương quan với các quốc gia trong khu vực và châu lục. Nói điều này không phải để chúng ta tự ti. Trung Quốc với dân số hơn 1,3 tỷ người, tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển bóng đá là một ví dụ. Hay gần hơn như Thái Lan, nền bóng đá số 1 Đông Nam Á hiện nay nhưng số cầu thủ có thể ra nước ngoài chơi bóng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và một thực tế khác, cho dù vì lý do gì, thì các trường hợp được ra nước ngoài thi đấu, tiếp xúc với những nền bóng đá phát triển hơn vẫn là những hành trình đầy bổ ích đối với các cầu thủ Việt Nam.

Tương tự, Lê Công Vinh phải thừa nhận, quá trình tập luyện và thi đấu từ Leixoes sang Consadole Sapporo đã giúp anh có thêm nhiều kiến thức về bóng đá, từ chuyên môn tới phát triển đội bóng. Hoàn toàn có thể hy vọng, với những kiến thức học từ nước ngoài, những Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường…trong tương lai sẽ giúp bóng đá Việt Nam phát triển mạnh hơn.

Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng sau vài tháng ăn tập ở Porto B, khi trở về nước đã chia sẻ, anh học được rất nhiều ở đội bóng Bồ Ðào Nha. Ðó không chỉ là các bài học về chuyên môn như kinh nghiệm di chuyển không bóng, tư duy chiến thuật mà còn cả kiến thức bóng đá chuyên nghiệp. 

Cầu thủ U23 Việt Nam nhận tin cực vui trước Tết Mậu Tuất

15 tỷ đồng tiền thưởng đã được VFF giải ngân cho U23 Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.P ([Tên nguồn])
Đội tuyển Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN