Bóng đá Việt Nam: Sai lối vào, bí lối ra
Hội thảo trước mùa bóng mới của bóng đá Việt Nam đã kết thúc với quá nhiều vấn đề được treo. Đáng chú ý nhất là ý kiến của Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng với lời trần tình phải tái cấu trúc bóng đá Việt Nam…
Chưa bao giờ những nhà làm bóng đá Việt Nam cứ liên tục phải “hoãn binh” bằng cách lùi thời hạn đăng ký vắt từ tháng này qua tháng khác do không đảm bảo được số đội dự giải.
Chưa bao giờ trước một giải đấu mà từ những nhà tổ chức đến các đội bóng và cầu thủ lại rối đến thế. Khi mà bài toán một ông chủ hai đội bóng được đề cập rất nhiều, nhưng lúc “hành pháp” thì lại bất lực.
Tôi đồng tình với phát biểu của Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi nói rằng cần phải tái cấu trúc bóng đá Việt Nam.
Ông Dũng không phải là người tham gia viết nên lộ trình bóng đá chuyên nghiệp, nhưng ông là người tham gia rất tích cực vào việc kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam qua việc kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các ngân hàng tham gia vào bằng nhiều hình thức.
Ông Dũng không trách ai cả nhưng tôi tin trong việc nói về những sai lầm của bóng đá Việt Nam, ông cũng thấy mình trong đấy. Ít ra là ông thấy được việc kiếm tiền, thưởng nhiều để có thành tích cao đã không được thực hiện như hồi treo 7-10 tỷ đồng cho chức vô địch SEA Games.
Và những gì gắn với tiền, với bóng đá chuyên nghiệp bây giờ lại càng lộ ra những mặt trái của việc đồng tiền đi trước, chuyên nghiệp theo sau.
Hội thảo trước mùa bóng mới đã kết thúc với quá nhiều vấn đề được treo.
Nói chuyện đồng tiền đi trước, có lẽ cần phải nhắc đến phát biểu của đại diện CLB Đồng Tháp – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đồng Tháp, Phạm Duy Tiến.
Thời bao cấp, Đồng Tháp là đội mở ra khái niệm đồng tiền đi trước sẽ kéo theo nhiều việc lớn mà bằng chứng là đội bóng này vừa vô địch hạng Nhất 1987 đã vô địch giải đội mạnh toàn quốc năm 1989 ngay lần đầu tiên tham dự giải đấu cao nhất của Việt Nam.
Thời mà các cầu thủ Thể Công ăn cơm lính đá bóng và nhiều cầu thủ ao ước một chiếc xe máy đời mới không ra thì Đồng Tháp vô địch đội mạnh sau trận chung kết thắng Thể Công trên sân Hàng Đẫy liền được duyệt mỗi người một chiếc xe cúp nhập từ nước ngoài về.
Đi đầu từ rất lâu như thế mà ông Tiến đã phải đại diện cho đội Đồng Tháp trần tình sự phí phạm của bóng đá Việt Nam khi cứ mỗi mùa chuyên nghiệp là đốt không dưới 1.000 tỉ đồng và cứ thế kéo dài qua 12 mùa.
Đổi lại là bây giờ những người trong cuộc khi giật mình nhìn lại trước một mùa giải còn đăng đăng, đê đê, chưa biết xử lý ra sao thì lại nghe thấy cần phải tái cấu trúc trong đó có cả phần chính là cấu trúc từ thượng tầng.
Năm 2000, khi nhóm nghiên cứu viết đề án chuyên nghiệp do ông Phạm Ngọc Viễn chắp bút, phần lý thuyết đã khác rất xa so với phần thực hành của bóng đá Việt Nam hiện nay. Đó là sự lớn mạnh của các CLB và phần tạo nguồn của bóng đá nuôi bóng đá chứ không chệch ra đường băng giả tạo là tiền ở nơi khác về tay các ông chủ rồi các ông chủ lấy đó nuôi bóng đá.
Ông Viễn có một năm gián đoạn ở VFF do bị “đánh” tơi tả sau vụ bồi thường hợp đồng cho HLV Letard và sau một nhiệm kỳ khi ông quay lại thì đã thấy chẳng nhiệm kỳ nào kế thừa nhiệm kỳ nào.
Và lộ trình làm bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam là có tiền sẽ kéo theo nhiều thứ, bất chấp nguồn tiền đấy từ đâu ra.
Không phải là những nhà làm bóng đá Việt Nam không nhìn thấy những bất cập, nhưng rõ ràng là chính những nhà làm bóng đá cũng bị sự hớp hồn của đồng tiền đổ vào cho bóng đá Việt Nam tăng khủng khiếp qua những cuộc phá giá và đấu giá của các ông bầu, các doanh nghiệp và của những tay cơ hội dựa vào bóng đá để đánh quả, để làm giàu.
Nó kéo đến hệ lụy là chính các cầu thủ buộc lao vào “canh bạc” đấy qua những giá trị ảo được bơm lên kéo theo nhiều ngành nghề xoay quanh trái bóng được khoác lên lớp vỏ chuyên nghiệp.
Nhiều cầu thủ đổi đời từ đấy, nhiều HLV, những nhà quản lý cũng giàu lên bất thường từ đấy, nhưng nền bóng đá sống trong giá trị ảo của đồng tiền thì không.
Ông Lê Hùng Dũng vốn là nhà kinh tế và ông hiểu rất rõ giá trị thật của một đội bóng sống trên đống tiền của doanh nghiệp lẫn cách làm ra tiền của những ông bầu, những doanh nghiệp đấy.
Ông Dũng khi trả lời phỏng vấn báo chí từng nói lên những thứ ăn theo bóng đá và dựa hơi bóng đá như việc săn đất vàng, săn dự án qua cầu nối bóng đá.
Bây giờ, đứng trước cơn suy thoái thì bóng đá Việt Nam phải trả giá sớm nhất.
Nhà điều hành cao nhất là VFF đã có lúc mất phương hướng khi không đếm được còn bao nhiêu đội dự giải.
VPF, “đứa con” sinh sau đẻ muộn từng chống lại “bố”, chống lại bản quyền truyền hình và làm một cuộc cách mạng nay lại phải đi vá lại những gì mình “phá” và cả những gì mình xây.
Giờ thì thế lực lớn nhất của bóng đá Việt Nam chỉ còn trông chờ vào đội tuyển, vào một sự thành công ở AFF Cup 2012 này thì sẽ có thể “xóa nợ” tất cả.
Sai từ lối vào, sai từ cách tiếp cận của những ông chủ với một nền bóng đá và cách làm bóng đá khiến bây giờ mùa giải mới của bóng đá Việt Nam ngồi lại với nhau hoài mà vẫn chưa có lối ra.
“Tái cấu trúc”, câu này ông cựu Tổng thư ký VFF Trần Bảy đã nói cách nay 16 năm và có gì khác giữa hai thời cách nhau 4 nhiệm kỳ đâu?