Bất ngờ sự thật về việc tòa nhà Saigon One Tower “hồi sinh”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau cả thập kỷ ngủ quên, Saigon One Tower, nay là IFC One Saigon có dấu hiệu “hồi sinh” với diện mạo hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, thông tin từ đại diện Thanh tra Sở Xây dựng cho biết chỉ cho chủ đầu tư lắp kính mới nhằm chỉnh trang đô thị.

Những ngày gần đây, công trường tòa nhà Saigon One Tower 42 tầng tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, tất bật thi công ốp kính các tầng cao và trang trí mặt ngoài cao ốc. 

Động thái này cho thấy toà nhà từng được coi là "làm xấu bộ mặt thành phố" hơn chục năm qua, dường như đang hồi sinh. Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, ông Trương Công Nam, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, cho biết công trình này đã ngưng thi công từ 2011, tức hơn 11 năm, dẫn đến khả năng các khung kính chịu lực đã lắp đặt xung quanh gây mất an toàn cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Tòa nhà Saigon One Tower bất ngờ có thợ thi công trở lại

Tòa nhà Saigon One Tower bất ngờ có thợ thi công trở lại

Theo ông Nam, chủ đầu tư mới đây đã nộp hồ sơ đề xuất Sở Xây dựng cho phép tháo dỡ và thay khung kính bên ngoài. Thường trực UBND TP HCM đã có thông báo chấp thuận chủ trương và cho phép chủ đầu tư lắp khung kính mới nhằm chỉnh trang đô thị, đón lễ Quốc Khánh 2/9, cũng như đảm bảo an toàn cho người dân.

"Chủ đầu tư cam kết với UBND thành phố, Sở Xây dựng và quận 1 là thi công xong khung kính mặt ngoài và sẽ kết thúc vào 1/9. Các hạng mục khác, chủ đầu tư không được làm vì hiện dự án này đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ", ông Nam cho biết và khẳng định UBND quận 1 sẽ theo dõi để đảm bảo chủ đầu tư chấp hành chỉ đạo của UBND TP HCM.

Nhiều hạng mục bên ngoài tòa nhà được lắp mới

Nhiều hạng mục bên ngoài tòa nhà được lắp mới

Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cũng khẳng định dự án này không phải tái khởi động để thực hiện hoàn chỉnh và đưa công trình vào sử dụng. "Cái đó cần kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ và giấy phép cho xây dựng", ông Thanh nói và cho biết quận cũng rất mong công trình sớm khởi động lại để đưa vào sử dụng, thu hút nhà đầu tư vào thành phố.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án khởi công năm 2007 do Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, tại số 34 Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM), với tên ban đầu là Saigon M&C Tower. Dự án gây sốt với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng ở thời điểm đó.

Tòa nhà Saigon One Tower 42 tầng tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1 tọa lạc tại vị trí đắc địa

Tòa nhà Saigon One Tower 42 tầng tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1 tọa lạc tại vị trí đắc địa

Được dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 TP HCM với trên 195 m gồm 42 tầng cao và 5 tầng hầm, được quy hoạch là tòa nhà thương mại cao tầng gồm có cả văn phòng, căn hộ chung cư, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại. Song thực tế tiến độ của dự án chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Năm 2009, dự án được đổi tên thành Saigon One Tower.Năm 2011, khi đã xây dựng được 80%, dự án đột ngột ngưng trệ. Theo các thông tin được công bố, dự án này chưa được phép chuyển đổi công năng, các căn hộ chưa được phép bán. Thậm chí, dự án được thế chấp cho các khoản vay hơn 7.000 tỷ đồng.

Năm 2017, dự án bị VAMC thu giữ, và sau đó 7 tháng, tòa cao ốc này được VAMC thông báo bán đấu giá để xử lý khoản nợ xấu, tuy nhiên việc đấu giá bị lùi lại và không công bố thêm thông tin.

Tới năm 2020, thị trường xuất hiện thông tin một doanh nghiệp là CTCP Di sản Quốc tế Hồ Tràm đăng ký với UBND TPHCM xin đầu tư dự án, tuy nhiên thực tế dự án vẫn tiếp tục đóng băng.

Hiện, chủ mới của One Saigon Tower là Công ty Viva Land. Công ty này thành lập tháng 5/2019, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, ngành nghề chủ lực là kinh doanh bất động sản. Tuy mới lộ diện, tổng diện tích quỹ đất mà đại gia này đang nắm giữ ước tính khoảng 800 ha với hơn 17.000 căn hộ.

Sau khi đổi chủ, cao ốc Saigon One Tower cũng có tên gọi mới là IFC One Saigon.

Nguồn: [Link nguồn]

Agribank bán đấu giá lô đất 3.000m2 của doanh nghiệp “họ FLC” với giá 220 tỷ đồng

Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sài Gòn vừa đăng thông tin về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản bảo đảm của khách hàng là bất động sản của một công ty con thuộc Tập...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN