Nam sinh chạy grab đỗ Trường Sĩ quan Chính trị

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Vừa ôn thi, vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống từ các công việc như: bán hàng tại công viên nước, đi phát tờ rơi, phục vụ bàn ở nhà hàng, chạy grab tại thành phố Hồ Chí Minh. Đức đã đỗ Trường Sĩ quan Chính trị sau 2 lần “lỡ hẹn” với “con đường binh nghiệp”.

Trần Đình Đức - cựu học sinh Trường THPT Y Jút và tân sinh viên Trường Sĩ quan Chính trị.

Trần Đình Đức - cựu học sinh Trường THPT Y Jút và tân sinh viên Trường Sĩ quan Chính trị.

Những ngày không thể nào quên

Trần Đình Đức (2001) sinh ra và lớn lên tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Ngay từ những ngày còn bé, Đức đã có tình yêu đặc biệt với những người lính Cụ Hồ. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2021 vừa qua, Đức đạt số điểm 27,83 điểm và đỗ vào trường Sĩ quan Chính trị. Đây là kết quả sau hơn 2 năm kiên trì theo đuổi ước mơ trở thành anh bộ đội của chàng trai Tây Nguyên.

Hai năm trước, tại kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2019, với kết quả 24,5 điểm, Đức đành lỡ hẹn với Học viện Biên phòng, Đức kể: “Bản thân mình bước vào kì thi THPT 2019 với một ý nghĩ rụt rè vì vốn dĩ mình không phải là một học sinh có học lực nổi bật tại Trường THPT Y Jút (Đắk Lắk). Nghĩ mình không thể với tới ngành Biên phòng nên mình đã đăng kí vào ngành Luật của Học viện Biên phòng. Kết quả mình thiếu 1,5 điểm và rớt đại học. Cảm giác của mình lúc đó chỉ gói gọn trong hai từ thất vọng.

Sau khi bình tĩnh và tự động viên bản thân. Mình khăn gói vào Sài Gòn để kiếm việc làm thêm, vừa để phụ giúp bố mẹ trang trải các chi phí sinh hoạt, vừa để giúp mình có kinh phí mua sách vở ôn thi lại”.

Vào TP.HCM sống cùng anh trai tại một nhà trọ nhỏ, Đức xin làm việc rất nhiều nơi để có tiền trang trải cuộc sống, từ công việc bán hàng tại công viên nước, đi phát tờ rơi, phục vụ bàn ở nhà hàng cho đến chạy grab, Đức đều đã trải qua.

“Đó là những tháng ngày mà chắc chắn mình sẽ không bao giờ quên. Mới đầu vào đây, Sài Gòn đầy bỡ ngỡ, xa lạ đối với mình. Sáng đi làm, tối về ôn thi khiến mình gần như kiệt sức và muốn bỏ hết để về quê. Có những ngày mình chạy grab 14,15 tiếng đồng hồ ngoài thời tiết nắng, mưa, bụi bặm và đầy sự nguy hiểm. Thậm chí, mình đã từng bị người ta thôi miên lừa mất tiền bạc, bị té xe ngay giữa Sài Gòn”, Đức tâm sự.

Đức từng muốn bỏ hết tất cả ở Sài Gòn để về quê vì thấy áp lực và kiệt sức.

Đức từng muốn bỏ hết tất cả ở Sài Gòn để về quê vì thấy áp lực và kiệt sức.

Công việc của Đức thường bắt đầu vào 8 giờ và kết thúc vào khoảng 19-20 giờ. Có những hôm vì muốn được thưởng nên cậu bạn cố gắng chạy grab đến 1-2 giờ sáng. Vất vả là vậy, nhưng chưa hôm nào Đức quên đi việc học và ước mơ của mình. Nhưng may mắn vẫn muốn thử thách chàng trai Ea Bhốk thêm một lần nữa khi cậu bạn đã trượt sơ tuyển vào đợt sơ tuyển các trường quân đội năm 2020 vì lý do sức khỏe.

“Mọi thứ với mình gần như sụp đổ hoàn toàn. Trượt sơ tuyển là điều mà mình chưa bao giờ nghĩ đến, nhưng cuối cùng nó lại xảy ra với mình. Tuy có thất vọng nhưng mình vẫn tham gia kỳ thi THPT 2020 với số điểm 27,5 điểm, dư 0,5 điểm so với điểm chuẩn của Trường Sĩ quan Chính trị năm đó. Càng nghĩ, mình càng thấy tiếc nuối vì bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của mình trong hơn một năm qua dường như tan thành mây khói”, Đức nói.

Quả ngọt sau 2 năm bền bỉ theo đuổi ước mơ

Không muốn trì hoãn ước mơ, Đức tiếp tục ở lại Sài Gòn, đăng ký vào trường Đại học Luật TP.HCM và đã trúng tuyển. Khoảng thời gian còn là sinh viên của trường Đại học Luật TP.HCM, Đức luôn nghĩ về ngày cậu bạn được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh. Cuối cùng, ngọn lửa hy vọng của Đức cũng có ngày được thắp sáng bởi sự kiên trì và nỗ lực.

“Đến kì khám sức khỏe năm 2021, may mắn đã mỉm cười, mình đạt sức khỏe. Ngay sau đó, mình bảo lưu kết quả học tập của trường Đại học Luật TP.HCM, trở về Đắk Lắk để có nhiều thời gian ôn thi lại. Kết quả mình đã trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị. Ngày thấy tên mình xuất hiện trên thông báo trúng tuyển của trường, mình đã rất vui sướng, hạnh phúc vì sau hơn hai năm cố gắng đã được đền đáp xứng đáng.

Người hạnh phúc nhất có lẽ là bố mẹ và anh trai của mình. Trong hơn hai năm qua, anh trai luôn là người bên cạnh, ủng hộ và động viên khi mình nản chí. Mỗi khi nghĩ về bố mẹ và anh trai, mình lại có thêm niềm tin để bước tiếp. Ngày nhận kết quả, bố mẹ mình đang làm rẫy, khi nghe mình báo tin đỗ Trường Sĩ quan Chính trị đã bỏ hết công việc để về nhà ăn mừng, nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt bố mẹ, mọi áp lực đè nặng lên vai mình trong trong 2 năm qua đã được giải tỏa”, Đức bộc bạch.

Trần Đình Đức và nhóm bạn ở trường THPT Y Jút, Đắk Lắk (ngoài cùng bên trái).

Trần Đình Đức và nhóm bạn ở trường THPT Y Jút, Đắk Lắk (ngoài cùng bên trái).

Lựa chọn thi khối C00 với tổ hợp 3 môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Đức có sự say mê và hứng thú đối với môn Lịch sử, đặc biệt về Lịch sử Việt Nam. Qua những bài học về những trận chiến của dân tộc ta trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, Đức càng thấm thía giá trị hòa bình và thêm trân trọng, biết ơn những hi sinh, cống hiến của cha ông ta ngày trước.

Trong kỳ thi THPT 2021, Đức đạt 9,25 điểm môn Lịch sử mà không tham gia lớp luyện thi nào. Chia sẻ bí quyết học tốt môn Sử, Đức bật mí: “Học tốt môn Lịch sử không hề khó nhằn như các bạn thường nghĩ. Bên cạnh có một trí nhớ tốt và sự tập trung cao độ, mình thường học lịch sử theo từng giai đoạn và chia ra các ý chính. Ngoài nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, mình còn tìm đọc các cuốn sách mang tính lịch sử, có những tình tiết gay cấn để vừa giúp mình giải trí, vừa bổ sung kiến thức lịch sử một cách dễ nhớ và dễ hiểu.”

Nhắc đến cậu học trò Trần Đình Đức, cô giáo Lưu Thanh Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A13 của Đức chia sẻ: “Đức có khả năng quan sát tốt và tập trung cao, luôn cố gắng trong học tập và rèn luyện. Đặc biệt, em rất vui vẻ, sống có trách nhiệm, rất kiên nhẫn, kiên trì, sống có lý tưởng, biết đặt mục tiêu cho mình và cố gắng để hoàn thành tốt mục tiêu. Chính vì tất cả những điều đó nên cô tin Đức sẽ còn làm tốt hơn nữa trên con đường mà em ấy đã chọn”.

Giờ đây, chàng trai Tây Nguyên đã sẵn sàng cho một hành trình mới ở phía trước, phấn đấu để trở thành một sĩ quan ưu tú và tiếp bước truyền thống cha anh bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Từng phải nghỉ học đi làm để có tiền học tiếp, nam sinh nghèo viết tiếp ước mơ đến trường

Nhận thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn, Đoàn Đức Mạnh (sinh năm 2001, sống tại xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Vy ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN