Nam sinh Khơ Mú mê thể thao, nỗ lực vượt khó và ước mơ trở thành thầy giáo

Sự kiện: Giới trẻ 2024

“Hôm xem kết quả, em không tin vào mắt mình nữa. Thấy mình có tên trong danh sách trúng tuyến và xếp thứ 6 toàn trường, em rất vui mừng và hạnh phúc. Em đã chia sẻ ngay niềm vui này với mẹ”, Xeo Văn Uỳnh (SN 2003, học sinh lớp 12E, Trường THPT Cát Ngạn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) tâm sự.

Xeo Văn Uỳnh - học sinh Khơ mú đầu tiên ở vùng tái định cư Thanh Sơn đỗ đại học

Xeo Văn Uỳnh - học sinh Khơ mú đầu tiên ở vùng tái định cư Thanh Sơn đỗ đại học

Với 28,30 điểm, Xeo Văn Uỳnh đã trúng tuyển vào ngành Giáo dục thể chất, Trường Đại học Thể dục, thể thao Bắc Ninh. “Em mới nhận được giấy báo nhập học hôm qua. Mừng lắm ạ. Em sẽ nhập học, nhưng với tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp như thế này chắc sẽ nhập học online ạ”, Uỳnh nói.

Sau bao cố gắng, nỗ lực, nam sinh người dân tộc thiểu số này đã thực hiện được ước mơ đỗ vào trường thể dục thể thao, trở thành chàng trai Khơ Mú đầu tiên ở vùng tái định cư Thanh Sơn đỗ đại học. Niềm vui của em cũng chính là niềm tự hào của bà con dân bản.

Uỳnh cho biết, em đam mê thể thao từ nhỏ. Những năm học cấp 2, em rất thích bóng đá. “Em rất hâm mộ cầu thủ Nguyễn Công Phượng. Anh có lối chơi đầy kỹ thuật và cuốn hút. Mỗi lần anh ra sân thi đấu đều để lại những bàn thắng đẹp, những dấu ấn nhất định. Em luôn xem anh là thần tượng để cố gắng phấn đấu”, Uỳnh nói và cho biết sau nhiều cuộc thi tuyển bóng đá thất bại, em đã nghĩ mình không có duyên với bộ môn thể thao “vua” này nên khi lên cấp 3, em đã chuyển sang tập luyện và say mê bóng chuyền.

Xeo Văn Uỳnh (bên phải) đam mê thể thao từ nhỏ

Xeo Văn Uỳnh (bên phải) đam mê thể thao từ nhỏ

Rời huyện miền núi Tương Dương về vùng tái định cư ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương từ năm 2006, với 5 sào ruộng trồng hoa màu, hàng ngày bố mẹ Uỳnh phải làm nhiều công việc khác để mưu sinh, ai gọi gì làm nấy. Điều kiện gia đình khó khăn, sau mỗi buổi học, em đi chăn trâu, làm việc nhà phụ giúp bố mẹ. Biết con đam mê thể thao, gia đình luôn ủng hộ, tạo điều kiện.

“Để đỡ đần bố mẹ, ngoài giờ học trên trường, em đi chăn trâu, cắt cỏ, làm việc nhà. Hầu như những công việc nhà từ quét nhà, nấu ăn đến giặt giũ em đều có thể tự làm được. Bố mẹ cũng rất nhiệt tình ủng hộ em theo đuổi đam mê thể thao”, Uỳnh chia sẻ.

Uỳnh từng vào TPHCM tập luyện và tham gia thi đấu

Uỳnh từng vào TPHCM tập luyện và tham gia thi đấu

Nhà cách trường gần 20 km, từ khi lên lớp 10 Uỳnh đã phải sống xa bố mẹ, thuê phòng trọ để học tập. Quá trình học, em tham gia nhiệt tình các hoạt động phong trào, các giải thi đấu thể thao của trường, của địa phương, góp sức cùng tập thể giành giải cao trong các Hội khỏe Phù Đổng. Nam sinh từng vào TPHCM học đánh bóng chuyền và tham gia thi đấu cho một số đơn vị. Mỗi dịp hè, em cũng là gương mặt điển hình tham gia nhiệt huyết, xung kích trong các phong trào tình nguyện do Chi đoàn và Đoàn xã phát động.

Uỳnh dành một góc nhỏ để 'trưng bày' thành tích

Uỳnh dành một góc nhỏ để 'trưng bày' thành tích

“Sau khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia, em đã ra Bắc Ninh thi các môn năng khiếu như chạy xa 100m, bật tại chỗ và cân, đo thể hình. Em mê thể thao, nên mong muốn sau này trở thành một thầy giáo dạy thể dục, truyền ngọn lửa đam mê cho các em học sinh. Mặc dù con đường phía trước sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng em sẽ cố gắng theo đuổi đam mê của mình”, Uỳnh tâm sự.

Nam sinh người Khơ mú ước mơ trở thành thầy giáo dạy thể

Nam sinh người Khơ mú ước mơ trở thành thầy giáo dạy thể

Chia sẻ niềm vui với học trò, cô Phan Thị Tuyết - giáo viên chủ nhiệm lớp 12E, Trường THPT Cát Ngạn cho biết: “Uỳnh là học sinh người dân tộc thiểu số ngoan, có năng khiếu về thể thao, luôn chăm chỉ tập luyện và tham gia nhiệt tình các hoạt động phong trào của trường, lớp. Nghe tin em đỗ đại học, tôi và nhiều giáo viên trong trường vô cùng phấn khởi. Nỗ lực vượt khó, theo đuổi đam mê của em đã được đền đáp. Em Uỳnh là học sinh người Khơ mú đầu tiên ở vùng tái định cư đỗ đại học, là niềm vui, tự hào chung của mảnh đất Thanh Sơn”.

Nguồn: [Link nguồn]

Nam sinh Y khoa chế tạo dụng cụ đặt ống thở có camera hỗ trợ bệnh nhân COVID-19

“Giữa tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bộ đặt nội khí quản có camera là một dụng cụ tối cần thiết giúp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hiền ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN