Từng phải nghỉ học đi làm để có tiền học tiếp, nam sinh nghèo viết tiếp ước mơ đến trường

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Nhận thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn, Đoàn Đức Mạnh (sinh năm 2001, sống tại xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) chủ động nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp 2 để đi làm tiết kiệm tiền, ấp ủ dự định vài năm sau học tiếp. Lúc đó, cậu mới 14 tuổi.

Đức Mạnh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải lần thứ X (2020 - 2025).

Đức Mạnh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải lần thứ X (2020 - 2025).

Học hết lớp 9 tạm nghỉ, đi làm công nhân chăn nuôi, chạy bàn… để có tiền học tiếp

Trước đây, Mạnh cùng mẹ sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp. Đến năm 2009 được hỗ trợ tu sửa và xây dựng lại khang trang hơn.

Mẹ của Mạnh đi cấy lúa và làm thuê tự do, thu nhập bấp bênh. Mạnh thương mẹ, nên chàng trai đã quyết định tạm gác lại giấc mơ học hành để giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Sau khi nghỉ học (6/2016), Mạnh đi làm công nhân chăn nuôi lợn, cá, nhím. Đến cuối năm 2017, chuyển sang làm công nhân nhà máy sữa tại địa phương rồi nhân viên chạy bàn tại quán cafe. Trong khoảng thời gian này, Mạnh chỉ ước sao có thể đỡ đần, không để mẹ đi làm sớm về khuya, bữa ăn của hai mẹ con sẽ có thêm thịt, cá.

Cóp nhặt từng chút một từ khoản tiền lương trung bình mỗi tháng, Mạnh cũng có đủ tiền mua một chiếc xe máy và “vốn” để đi học tiếp. Cậu học trò nghèo bắt đầu viết tiếp giấc mơ được đi học vào tháng 8/2018 tại Cao đẳng Giao thông vận tải TW 1 theo hình thức vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Mạnh chưa từng nghĩ nếu hoàn cảnh gia đình không khó khăn thì cơ hội sẽ đến nhiều hơn. Ngược lại, nam sinh coi đây chính là nguyên nhân khách quan có lợi để “thúc đẩy” cậu vươn lên. “Nếu hoàn cảnh của em không khó khăn mà thoải mái hơn thì chắc chắn sẽ không có em của ngày hôm nay”, Mạnh chia sẻ.

Tạo dấu ấn tại các cuộc thi tay nghề cấp trường, thành phố, quốc gia

Đức Mạnh (ngoài cùng bên phải) tại kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ XI năm 2020.

Đức Mạnh (ngoài cùng bên phải) tại kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ XI năm 2020.

Thời gian đầu quay trở lại học tập, Mạnh gặp trở ngại lớn về sự chênh lệch tuổi tác với các bạn trong lớp, trường. Sau nửa năm, nam sinh đã có thể hòa hợp, đủ tự tin để tiếp thu, trao đổi kiến thức với bạn bè, thầy cô.

Tận dụng “ưu đãi” học sinh theo học chương trình đào tạo 9+ sẽ được đào tạo trung cấp miễn phí 1 nghề, Mạnh quyết định chọn nghề điện. (Học viên sẽ học 4 môn văn hóa kết hợp với học nghề hệ trung cấp và được miễn phí hoàn toàn học phí đào tạo hệ trung cấp, có cơ hội học liên thông lên hệ cao đẳng - PV).

Sáng học văn hoá, chiều học nghề, tối vẫn duy trì công việc làm thêm nên Mạnh mất thời gian đầu để thích nghi với lịch học và làm kín mít. Năm 2019, Mạnh vinh dự là 1 trong 4 học sinh được chọn để đi thi tay nghề cấp thành phố, 1 trong 2 học sinh dự thi tay nghề cấp quốc gia.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, Mạnh đã cố gắng tự ôn luyện tại nhà, học hỏi anh chị đi trước. Kết quả thi tốt nghiệp tuy không xuất sắc nhưng nam sinh vẫn cảm thấy mãn nguyện bởi trong bối cảnh dịch COVID-19 đã gặp khó khăn khá nhiều trong việc ôn tập, học thêm ngoài.

Mục tiêu sắp tới của Mạnh là sẽ học tập thật tốt để liên thông lên Đại học Giao thông vận tải. Sau khi ra trường, nam sinh hy vọng có thể vận dụng tay nghề đã được đào tạo để xây dựng những công trình chất lượng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nam sinh Khơ Mú mê thể thao, nỗ lực vượt khó và ước mơ trở thành thầy giáo

“Hôm xem kết quả, em không tin vào mắt mình nữa. Thấy mình có tên trong danh sách trúng tuyến và xếp thứ 6 toàn trường,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN