Chị gái 'nữ sinh giao gà' kêu oan cho mẹ

Hà Nội - Không chấp nhận bản án tuyên mẹ 20 năm tù do nợ tiền mua ma túy khiến em gái bị hại chết, chị Cao Thị Loan từ Điện Biên xuống Hà Nội kêu oan cho mẹ.

Ngày 23/5, chị Cao Thị Loan, 30 tuổi và bố là ông Cao Văn Hường, 54 tuổi cùng nhiều người thân đến VKSND Tối cao nộp đơn kêu cứu cho bà Trần Thị Hiền.

Bà Hiền là mẹ của nạn nhân vụ án "nữ sinh giao gà". Tròn một tháng trước, bà bị tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan và giữ nguyên mức án 20 năm tù với cáo buộc Mua bán trái phép chất ma túy.

"Con gái tôi bị những kẻ buôn ma túy sát hại dã man, giờ vợ tôi cũng bị chính những kẻ đã hại con vu oan. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, không còn gì đau khổ hơn", ông Hường nói.

Cha con ông Cao Văn Hường trước trụ sở VKSND Tối cao, sáng 23/5. Ảnh: Danh Lam

Cha con ông Cao Văn Hường trước trụ sở VKSND Tối cao, sáng 23/5. Ảnh: Danh Lam

Ông cho hay gia đình có xưởng chế biến long nhãn, gia đình buôn bán nên không túng thiếu đến mức phải buôn ma túy. Ông và con gái nói tin tưởng vợ không phải là người "tàn nhẫn, vì nợ tiền buôn ma túy mà hại con". Với ông, dù cuộc sống gia đình đảo lộn vẫn quyết kêu oan để bà "không mang tiếng xấu với đời".

Chị Loan nói sau khi nộp đơn tại VKSND Tối cao, hai cha con sẽ đến TAND Tối cao và gửi đơn đến nhiều lãnh đạo cấp cao, "dù còn một tia hy vọng vẫn cố gắng đến cùng".

Trong đơn kêu cứu dài 19 trang, cha con ông Hường cho rằng vợ - mẹ "bị sắp đặt" để kết tội oan với mục đích "cố tình che giấu nguyên nhân thực sự" khiến con gái ông bị sát hại. Đơn nêu 5 căn cứ kêu oan về các sai sót trong quá trình điều tra, truy tố; về "chứng cứ, nhân chứng buộc tội không khách quan, mâu thuẫn"...

Trong vụ án, bà Hiền bị cáo buộc nợ tiền nhóm Vì Văn Toán, Lường Văn Hùng và Bùi Văn Công trong quá trình mua bán ma tuý. Ngày 30 Tết nguyên đán 2019, nhóm này bắt cóc con gái út của bà Hiền để ép bà trả nợ, nhưng sau đó đã hại chết.

Trong phiên phúc thẩm vụ án bà Hiền mua bán ma tuý mở hôm 22/4, các tử tù Toán, Hùng, Công nói "xác định đằng nào cũng chết", dằn vặt với nữ sinh đã mất nên sẽ khai sự thật để không thêm một người bị oan.

Các tử tù khai không quen bà Hiền, không có số điện thoại, không liên lạc, cũng không mua bán ma túy hay có quan hệ vay nợ. Toàn bộ lời khai ở cơ quan điều tra đều "bị ép cung, đọc sẵn cho viết hoặc đánh đập, ép phải nhận".

Về việc không biết bà Hiền nhưng tại cơ quan điều tra vẫn nhận dạng được, nhớ địa điểm giao ma túy, màu sắc quần áo, Hùng nói "được cán bộ điều tra chỉ điểm trước", dặn chỉ vào ai thì làm theo chỉ vào người đó.

Tử tù Bùi Văn Công được dẫn giải tới phiên phúc thẩm ngày 22/4. Ảnh: Danh Lam

Tử tù Bùi Văn Công được dẫn giải tới phiên phúc thẩm ngày 22/4. Ảnh: Danh Lam

Trước các diễn biến này, tại tòa, đại diện VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo kêu oan, trả hồ sơ điều tra lại vụ án, do chứng cứ buộc tội bà Hiền không nhất quán, nhiều vấn đề mâu thuẫn không được tòa sơ thẩm giải quyết thỏa đáng.

"Công và Hùng đều nghiện ma túy lâu năm, tâm lý bị ảnh hưởng mà khai không khác nhau tý nào, nhớ các sự việc cách đó hai năm mà còn nhớ giống khớp nhau đến từng câu từng chữ, từng chi tiết dấu chấm phẩy", kiểm sát viên đánh giá và cho rằng "có cơ sở" để xem xét lại việc hai người này nói "bị ép cung, mớm cung".

Theo VKS, những lời khai của họ để buộc tội bà Hiền không thể coi là khách quan, vì đây là thủ phạm giết con gái bà Hiền. Hơn nữa, nếu tòa sơ thẩm cho rằng họ bắt cóc nữ sinh để đòi tiền nợ không thể giết con tin khi chưa được trả tiền.

Đồng quan điểm với VKS, bào chữa cho bà Hiền, các luật sư bào chữa cho bà Hiền cũng trích lại hàng chục bản khai, lời khai của Công và Hùng cho thấy "giống nhau không chỉ nội dung mà từng dấu phẩy".

"Đây là vụ án truy xét, không có tang chứng vật chứng. Cơ quan điều tra thu giữ sáu điện thoại di động nhưng trong hàng ngàn trang list điện thoại không có số nào, tin nhắn nào giữa họ", luật sư nêu.

Kết lại phiên phúc thẩm, HĐXX khẳng định bà Hiền "không oan".

HĐXX cho rằng lời khai của các tử tù các phiên xử trước khách quan, được cấp sơ thẩm ghi nhận. Việc họ phản cung trong phiên này là "không có căn cứ".

Bị cáo Hiền bị tòa phúc thẩm ngày 22/4 bác kháng cáo kêu oan. Ảnh: Danh Lam

Bị cáo Hiền bị tòa phúc thẩm ngày 22/4 bác kháng cáo kêu oan. Ảnh: Danh Lam

Vụ án trải qua nhiều lần xét xử. Sau phiên sơ thẩm đầu năm 2022, TAND tỉnh Điện Biên tuyên bị cáo Hiền 20 năm tù. Trong phiên phúc thẩm tháng 5/2022, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng có nhiều tình tiết trong vụ án còn mâu thuẫn, một số tình tiết không thể làm rõ ngay tại phiên tòa. Do đó, tòa phúc thẩm hủy một phần nội dung bản án sơ thẩm liên quan bị cáo Hiền để điều tra, xét xử lại.

Đến tháng 9/2023, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định Giám đốc thẩm vụ án và tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội, đồng thời yêu cầu xét xử lại.

Trong phiên phúc thẩm lại, hôm 22/4 vừa qua, bà Hiền lần hai bị bác kháng cáo.

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

3 căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

- Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;

- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Ai có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm?

- Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng VKS quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.

- Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

(Điều 370, 371, 374 Bộ luật Tố tụng hình sự)

Nguồn: [Link nguồn]

Trong vụ bị cáo Trần Thị Hiền, mẹ nữ sinh giao gà, kêu oan, HĐXX cho rằng việc thay đổi lời khai của các bị cáo là không có căn cứ, không có tài liệu chứng cứ mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Lam ([Tên nguồn])
Nữ sinh bị sát hại khi đi giao gà Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN