Trái khế chua trong ẩm thực vùng Cửu Long Giang

Chanh và khế là hai loại cây rất quen thuộc với người dân miền Tây sông nước. Cả hai giống cây chanh và khế không phải là loại đặc hữu của miệt Cửu Long giang, nhưng người dân quê rất thích trồng nó, nhất là khế.

Theo nhiều tài liệu thực vật học thì khế là một loài cây thuộc họ Oxalidaceae, có nguồn gốc từ Sri Lanka. Cây khế có lá kép dài đến vài tấc tây. Bông khế màu tím, xuất hiện hoặc tại nách lá, hoặc tại đầu cành. Cây khế có nhiều cành, cao lớn quá đầu người. 

Trái khế chua trong ẩm thực vùng Cửu Long Giang - 1

Dựa vào nồng độ chua của nó mà người bình dân miền quê chia thành hai loại: khế chua và khế ngọt. Khế chua thường có múi nhỏ, còn khế ngọt thường có múi to và mọng hơn. Trái khế có 5 múi, khi còn non có màu xanh, khi chín ngả sang màu vàng tươi.

Trái khế chua trong ẩm thực vùng Cửu Long Giang - 2

Khế hái ngoài vườn, ăn chấm với muối để nhâm nhi buổi trưa hè

Người miền quê, bè bạn gặp nhau thế nào cũng có vài xị rượu đế nghĩa tình. Khi túng ngặt hay chờ kiếm chuột, kiếm rắn về nhâm nhi, thôi thì sẵn ngoài vườn trái chuối chát, trái khế chua bẻ về chấm muối cũng ngon lành… để đưa cay.

Khế còn được dùng nấu canh chua cá dứa. Cá dứa còn gọi là cá tra bần trong tự nhiên, chúng sống ở tầng nước khá sâu, trên sông Mekong. Cá dứa cũng như các loại cá khác trong họ Cá tra thích nghi ở vùng nước mặn và lợ. Thịt cá dứa rất ngon, đặc biệt là khi dùng nấu canh chua. 

Cũng không biết tự lúc nào, dân gian thường dùng khế nấu chua loại cá này. Rau bổi thường dùng là bắp cải, rau muống, đậu bắp, nấm rơm,… Nồi canh chua khế cho vị thanh tao, chấm với muối đâm nhuyễn cùng vài trái ớt hiểm thì bữa cơm thêm đậm đà hương vị miền quê lại no lòng người lao động.

Trái khế chua trong ẩm thực vùng Cửu Long Giang - 3

Canh chua khế

Trái khế chua trong ẩm thực vùng Cửu Long Giang - 4

Cá rô kho khế

Khế cũng được dùng dầm với cá kho hay đem kho cá. Cá rô, cá trê làm sạch, hái vài trái khế ngoài vườn về xắt lát rồi xếp vô nồi. Cá để trong tô, ướp nước mắm ngon, đường cát, bột nêm, hành tím xắt nhuyễn, chờ cá thấm thì trúc vô nồi đã chuẩn bị sẵn, để kho. Chế thêm ít nước, để nhỏ lửa chờ cá chín, thấm đều mới ngon.

Đĩa cá kho khế thường chấm với rau cần nước, năng tươi hay đọt lang luộc. Bữa cơm bình dân chỉ có thế nhưng vẫn đủ chất bổ dưỡng cho người hưởng thức.

Trong dân gian, người ta còn trồng khế tạo dáng thành những cây cảnh hoặc gốc bonsai đẹp mắt. 

Trái khế cũng được dùng để cầm máu mỗi khi bị đứt tay chân. Nước sắc từ cành lá cho trẻ con tắm trị được lở ngứa. Hột khế giã nát sắc uống có tính lợi sữa, điều kinh, giải độc mà các bà thường hay dạy con gái ở độ tuổi cài trâm vắt lược.

Về chốn miền quê dân dã, lòng người xa xứ bỗng chợt bâng khuâng khi nghe lời ru con từ mái nhà ai đó vang ngân:

"Chợ chiều nhiều khế, ế chanh

Nhiều con gái tốt nên anh chàng ràng!"

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Út Tẻo (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN