Tới Ấn Độ dùng bữa với người chết

Chết là một phần của cuộc sống và tại một nhà hàng ở miền tây Ấn Độ, đó là một phần của bữa trưa.

Nhà hàng New Lucky náo nhiệt tại Ahmadabad nổi tiếng với trà sữa, bánh cuộn bơ và những ngôi mộ nằm xen kẽ các bàn ăn.

Đó là nơi những người đàn ông đứng tuổi ngồi đọc báo và tranh luận về chính trị vào buổi sáng trong khi những cặp tình nhân trẻ cùng nhau ăn tối và tay trong tay dưới ánh nến lung linh. Những ngọn nến được đặt ngay trên nóc những ngôi mộ chỉ để tăng thêm không khí.

Krishan Kutti Nair đã điều hành nhà hàng được xây dựng trên một nghĩa địa Hồi giáo vài trăm tuổi này gần 4 thập kỷ qua nhưng ông không biết ai là người nằm dưới những nấm mồ. Khách hàng có vẻ thích những ngôi mộ có hình dạng tương tự những chiếc quan tài nhỏ bằng xi măng và chừng đó đã đủ cho Nair.

"Nghĩa địa mang lại may mắn," Nair nói sau một bữa trưa bận rộn. "Công việc kinh doanh của chúng tôi trở nên tốt hơn nhờ nghĩa địa này."

Những ngôi mộ, nằm rải rác trong nhà hàng, được sơn màu xanh cao gần bằng đôi ủng và hàng ngày người quản lý đều trang hoàng lại cho chúng bằng một bông hoa khô.

Tới Ấn Độ dùng bữa với người chết - 1

Những người phục vụ thông thuộc sơ đồ sàn nhà giống như một người lái xe buýt quen đường, thậm chí họ còn thực hiện điệu nhảy simmi đặc sắc khi bước giữa những ngôi mộ với một tách trà nóng trên tay một cách điêu luyện.

"Chúng tôi thường xuyên làm vậy," anh bồi bàn Kayyum Sheikh nói.

Theo Varis Alvi, một giảng viên đại học đã nghỉ hưu tại Ahmadabad, những ngôi mộ có lẽ thuộc về các gia đình hoặc đồng minh của thánh Sufi thế kỷ 16, người được chôn cất gần đó.

Nhà hàng được mở từ những năm 1950, khi đó K.H. Mohammed mở một quán trà nhỏ bên ngoài nghĩa địa, Nair nói. Ông đã từng giúp quản lý nơi này và trở thành người cộng sự của Mohammed. Công việc làm ăn suôn sẻ và quán của họ đã được mở rộng hơn cho tới khi những bức vách bao quanh các ngôi mộ. Mohammed qua đời vào năm 1996.

Tại Ấn Độ, nghĩa địa thường được sử dụng vào nhiều mục đích, giáo sư Alvi cho hay. Những người mới tới thành phố thường dựng lều bên trong nghĩa địa và các lái buôn cũng dựng quán ngay sát các ngôi mộ.

Mặc dù vậy, một số người cho rằng, xây dựng một nhà hàng tại đây là thiếu tôn trọng.

"Họ muốn duy trì sự trang nghiêm của nghĩa địa," một giáo sư lịch sử giấu tên nói. Khi được hỏi tại sao lại không tiết lộ danh tính, người đàn ông này chỉ mỉm cười và nói : "Bởi vì tôi thường uống trà ở đó."

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sầm Hoa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN