Người thành phố hóng đặc sản sâm đất từ núi cao về

Những củ sâm đất lấm lem, giá rẻ như khoai lang, mua tại vườn chỉ 15.000 đ/kg, nhưng ai đã ăn rồi thì mùa sau lại 'săn' sâm tiếp bởi thứ đặc sản vừa ngon, vừa chữa được nhiều bệnh này.

Vì sao dân phố thích sâm đất?

Mùa sâm đất bắt đầu từ tháng 10, và kéo dài khoảng 1 tháng và những người dân thành phố từng được thưởng thức sâm đất bắt đầu săn món đặc sản từ núi cao về làm món ăn, nước uống cho gia đình.

Sâm đất (còn gọi là địa tàng thiên, thượng đẳng sâm, sâm yacon, khoai sâm đất…) được coi là đặc sản của Lào Cai, thường thu hoạch từ tháng 10, và kéo dài khoảng 1 tháng là hết. Các mối buôn vào mùa luôn hết hàng, nhập về tới đâu các đầu mối sỉ và khách lẻ lấy sạch tới đó. Giá sâm đầu mùa vào tháng 10 còn cao, nhưng đúng vụ thu hoạch sẽ rộ, giá bán lẻ từ 60.000 đ/kg có thể chỉ còn 35.000 - 40.000 đ/kg.

Bề ngoài củ sâm đất giống củ khoai lang, lấm lem đất cát, to nhỏ lẫn lộn. Nhưng khi bổ ra ruột có màu trong vàng nhạt, mọng nước, ngọt mát và thơm nhẹ như mùi nhân sâm, cắm một miếng thấy ngon giòn hơn củ đậu. Đặc biệt, khi nấu canh xương thì mùi thơm càng rõ, ngọt nước, ăn dẻo dẻo.

Canh sâm đất nấu xương rất ngon ngọt. Ảnh minh họa.

Canh sâm đất nấu xương rất ngon ngọt. Ảnh minh họa.

Đông y ghi nhận sâm đất vị ngọt thanh, mát, có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, long đờm, giảm đau, sưng trong viêm khớp… Bà con hay đem củ sâm đất ngâm với rượu để uống. Nếu ăn tươi sống thì sâm đất còn giúp cơ thể giải nhiệt, mát gan, hỗ trợ chữa bệnh cao huyết áp, còn trị được các bệnh ngoài da (ghẻ lở), giúp liền sẹo nhanh...

Trên thế giới củ sâm đất được ghi nhận là thực vật ăn được phổ biến, có một số tính chất dược lý khác như chống viêm, chống oxy hóa, chống dị ứng và chống ung thư, có đặc tính ngăn chặn bệnh tiểu đường, giảm cân (nhờ tác dụng làm giảm sự thèm ăn đồ ngọt, luôn có cảm giác no bụng, tránh tăng lượng đường trong máu), giải rượu, nhuận tràng, thanh mát cơ thể, chống oxy hoá… Đặc biệt củ sâm đất có chứa đường fructooligosaccharide, giúp làm giảm cholesterol xấu trong cơ thể.

Hương vị củ sâm đất ăn ngon và bổ dưỡng, cộng với những dược tính đặc biệt, ai đã ăn một lần thì thích ăn nữa, nên chưa đến mùa đã có nhiều khách đặt hàng từ các mối và ngày càng có nhiều người biết đến nó để săn mua.

Tại "thủ phủ" sâm đất giá thu hoạch bán rất rẻ, dao động trong khoảng 15.000 đ/kg. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giá bán lẻ từ 50.000 đ/kg trở lên, nhiều người đặt mua cả yến để tích lại ăn dần, bởi sâm đất này để nơi thoáng mát giữ được 1-2 tháng.

Sâm đất ăn sống rất mát. Ảnh minh họa.

Sâm đất ăn sống rất mát. Ảnh minh họa.

Cách mua sâm đất

Sâm đất có nguồn gốc từ Tây Tạng, Trung Quốc du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 1990. PGS.TS Trần Văn Ơn (Đại Học Dược Hà Nội) đã nghiên cứu và giúp bà con Hà Nhì trồng và phát triển tại 4 xã thuộc huyện Bát Xát (ALu, Ngải Thầu, Y Tý, Trịnh Tường) và từ đó vùng này được coi là "thủ phủ" của sâm đất.

Sâm đất chỉ sinh trưởng ở những nơi có khí hậu lạnh ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch vào độ cuối thu, đầu đông. Trước nhu cầu tiêu thụ sâm đất ngày càng tăng nên ở Hà Giang nhiều hộ cũng đã trồng và phát triển cây sâm đất. 

Nhiều người miền Trung, miền Nam đã mang giống này về địa phương trồng, nhưng sâm đất chỉ hợp với vùng Y Tý (Lào Cai) nơi có độ cao 1,800m so với mặt nước biển, vì vậy việc nhân rộng sâm đất đã không thành công.

Củ sâm đất lấm lem, nhưng rất bổ dưỡng. Ảnh minh họa.

Củ sâm đất lấm lem, nhưng rất bổ dưỡng. Ảnh minh họa.

Sâm đất ăn cách nào?

Chị Nguyễn Thị Hội, chuyên bán sỉ, bán lẻ sâm đất ở phố Tây Sơn (Hà Nội) cho biết, củ sâm đất để chỗ thoáng mát có thể giữ được vài tháng, và càng héo thì củ sâm đắt ăn càng ngon ngọt.

Nhiều người dùng sâm đất như món hoa quả bổ dưỡng ăn hàng ngày. Người ta có thể gọt vỏ rồi ăn tươi để cảm nhận vị ngọt thanh mát, mọng nước, ngon giòn hơn củ đậu.

Hoặc luộc suông, hay đun sôi lấy nước uống thanh lọc cơ thể, ép lấy nước uống còn bã đắp mặt nạ.

Hoặc làm nộm, món cuốn.

Dân gian thường lấy củ sâm đất ngâm rượu uống, ngày nay các bà nội trợ hay làm siro.

Nếu nấu chín thì có thể làm được nhiều món, như thái lát sâm đất xào với các loại thịt bò, lợn. 

Hoặc cắt con chì nấu canh xương, các món canh giải nhiệt, mát gan, nhúng lẩu, các món hầm… Nhưng do sâm đất tính hàn nên các thầy thuốc đông y khuyên khi nấu ăn phải cho thêm gừng tươi để không bị đau bụng.

Giá rẻ, nhiều dược tính tốt, thời gian rộ chỉ 1 tháng nên ngay từ bây giờ các mối đều đã có khách đặt hàng. Dân thành phố săn lùng củ sâm đất như một vị thuốc bồi bổ sức khỏe, phòng chữa bệnh thường gặp.

Đồng bào dân tộc hay ăn sâm đất sống, hoặc luộc suông để no bụng. Nhưng giờ đây sâm đất là đặc sản trong những mâm cỗ, bữa tiệc, hay làm món ăn tươi ngon cho gia đình như sâm đất hầm chân giò, hầm xương... Người Lào Cai còn chế biến sâm đất làm mứt để bán dịp Tết, thứ mứt này dẻo, thơm lừng, bóng đẹp và vàng ươm, nhìn đã thèm. Một số nơi còn thu mua sâm đất để sản xuất miến bán lẻ vì rất dễ bán, ăn ngon, lại khá rẻ. 

Theo Đông y, sâm đất tính hàn, vị đắng và cay nhẹ. Có công dụng lợi tiểu, nhuận tràng, giảm đau trong viêm khớp, làm mát gan, giải nhiệt... Rất tốt cho tiêu hóa, cho người tiểu đường, giảm béo, tăng huyết áp...

Sâm đất đã mang lại thu nhập cho đồng bào dân tộc, là đặc sản tuyệt vời thơm ngon, bổ dưỡng trong từng món ăn và chữa bệnh. Vì vậy dân thành phố đua nhau "săn" sâm đất khi vào mùa.

Loại củ đen xì là món ăn vặt quen thuộc của người Việt rất được ưa chuộng ở TQ

Mặc dù có hình dạng xấu xí nhưng loại củ này rất được người Trung Quốc ưa chuộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hà ([Tên nguồn])
Đặc sản 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN