Người Hà Nội "săn lùng" bèo tây làm đặc sản

Sự kiện: Món ngon Việt Nam

Bèo tây (lục bình) vốn là loài rau mọc dại ở các vùng ao hồ, sông nước được người dân quê dùng làm thức ăn cho gia súc… nay lại được các bà nội trợ “săn lùng” làm món ăn đặc sản với giá không hề rẻ.

Món ăn thời thượng

Đối với người dân miền Bắc, xưa nay bèo tây chỉ là loài cây mọc dại, được dùng làm thức ăn cho động vật như lợn, gà, vịt hay để lọc sạch nước.  Nhưng ngày nay các bà nội trợ lại săn tìm chúng như một loại rau sạch.

Những cây bèo tây được các bà nội trợ chế biến thành rất nhiều món: cọng non để ăn sống, nhúng lẩu, xào tỏi như rau muống; ngó để làm nộm, gỏi, dưa chua, xào thịt; hoa cũng có thể dùng để luộc, nấu canh… Tại nhiều nhà hàng, những món ăn từ bèo tây cũng đắt tiền không kém nhiều loại rau khác.

Người Hà Nội "săn lùng" bèo tây làm đặc sản - 1

Không biết từ khi nào, lục bình từ loại rau cho gia súc ăn lại trở thành đặc sản Hà thành.

Chị Minh Hà (Ba Đình – Hà Nội), cứ cuối tuần về quê chị lại mang lên một bịch rau bèo tây non để cất tủ lạnh ăn dần. Theo lời chị Hà, bèo tây có vị ngọt thơm, cảm giác mát mát, dai giòn sần sật mà lại không sợ độc hại. Bởi loại rau này được sống trong những ao hồ sạch sẽ. Chưa kể, việc sơ chế chúng rất đơn giản.

Mỗi lần lấy bèo tây về ăn, chị chỉ cần cắt khúc ngắn tầm 10cm rồi ngâm qua nước muối pha loãng. Sau đó bóp cho ráo nước là có thể đem nấu canh chua hay làm nộm hay xào với thịt lợn, thịt bò, tôm.

Người Hà Nội "săn lùng" bèo tây làm đặc sản - 2

Bèo tây sau khi sơ chế xong có thể xào với thịt bò, thịt lợn, tôm, tép.

“Khi được một người bạn giới thiệu ăn bèo tây rất ngon, mình còn phì cười vì loại rau này từ trước đến giờ chỉ cho lợn, gà ăn, đâu có ai ăn. Loại rau này cũng dễ bị ngứa nữa. Khi mình làm thử món bèo tây nấu với cá chua cho cả nhà ăn thì ai cũng cười chê mình. Nhưng sau khi thưởng thức thì cả nhà lại thấy ngon đến bất ngờ. Từ đó, bèo tây trở thành món ăn khoái khẩu của gia đình mình” chị Hà cho hay.

Cũng có chung sở thích ăn món bèo tây thơm ngon, chị Linh Chi (Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết, tuần nào nhà chị cũng ăn bèo tây. Hôm thì làm món canh cá nấu bèo tây, hôm khác lại làm món bèo tây xào tép. "Cả nhà như bị nghiện món này", chị chia sẻ.

Quanh khu nhà chị Linh Chi cũng có những ao, hồ có loại rau này nhưng chị không dám ăn vì sợ nước ở vùng đó bị ô nhiễm. Mỗi lần về quê chị lại lặn lội tìm những ao hồ sạch để lấy bèo về cất tủ lạnh, ăn dè từng cọng.

Không chỉ gia đình chị Hà, bèo tây giờ đã trở thành món rau đặc sản của rất nhiều bà nội trợ. Thậm chí bèo tây còn được đưa vào trong thực đơn của một số nhà hàng với giá lên đến cả trăm ngàn một đĩa.

Nguy cơ nhiễm chì từ bèo tây

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực Phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng khẳng định, bèo tây giống như những loại rau khác, có thể làm thực phẩm cho người, cho gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên ông cũng khuyến cáo với các bà nội trợ rằng, tránh hái bèo ở những vùng nguồn nước bị ô nhiễm để làm thực phẩm, tránh nguy cơ nhiễm chì. Bởi lẽ, bèo tây lại là loại cây có tác dụng làm sạch nước. Trong khi ở những vùng nước bị ô nhiễm thường có chứa kim loại nặng. Bèo sẽ hút kim loại nặng cộng với những chất khác ở trong nước và tích tụ vào thân. Người ăn loại bèo ở những nơi nguồn nước ô nhiễm sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh do kim loại nặng có chứa trong bèo được chuyển hóa vào người.

Theo Ths.BS Đặng Huyền Nga (Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội) cho biết: “Theo y học cổ truyền, bèo tây có tên gọi là lục bình, có vị nhạt, tính mát, có tác dụng chữa sưng tấy, viêm đau như sưng bắp chuối bẹn, tiêm bị áp xe, chín mé, sưng nách, viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết,... Đây cũng là loại là loại chứa nhiều acid amin, giàu vitamin và các loại khoáng vi lượng khác. Tuy nhiên bèo tây lại có vị ngứa nên từ trước đến giờ ít ai ăn. Do vậy, các bà nội trợ cần sơ chế cẩn thận trước khi chế biến thành món ăn để tránh bị ngứa”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Oanh (Khám phá)
Món ngon Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN