Lạ miệng chè dừa nước Cồn Chim

Ngày trưa nắng gắt, chui vô bụi dừa nước, ngồi nghe tán lá rì rào, thong thả ăn chén chè dừa nước thì thi vị không gì bằng.

Gọi là dừa nước vì cây mọc dưới nước, để phân biệt với dừa cạn

Gọi là dừa nước vì cây mọc dưới nước, để phân biệt với dừa cạn

Hàng dừa im lìm thọc dò xuống mép nước, nó nếm thử coi nước đang mặn hay đang phèn. Bởi cái số nó sinh ra đã gắn với con kênh của những vùng nước lợ, chờ không biết bao giờ mới được nếm nước ngọt trọn vẹn.

Cây dừa ta hay gặp ở Bến Tre sống trên cạn có thân gỗ, cao ngồng và trái to mọc thành quầy; bổ trái dừa ra có nước ở trong là cây dừa cạn.

Cây dừa mọc dưới mép nước, thân lùn, lá to và dài; trái nhỏ màu nâu sẫm mọc thành một buồng như trái banh là dừa nước.

Lạ miệng chè dừa nước Cồn Chim - 2

Lạ miệng chè dừa nước Cồn Chim - 3

Người ta lợp nhà, gói bánh, chằm nón,… bằng lá dừa nước; quét sân bằng chổi từ cọng dừa nước; phần còn lại thì làm củi. Ngoài ra, mỗi lần dừa nước trổ buồng là người ta có thêm một món quà khác từ cây dừa nước: trái dừa.

Dừa nước ra trái quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước nổi - tầm tháng 6 đến tháng 10 Âm lịch. Do giai đoạn này nước ngọt và phù sa đổ về nuôi cây nhiều nên cây sinh trưởng tốt.

Dừa nước trái mọc thành buồng, chụm vô sát cuống

Dừa nước trái mọc thành buồng, chụm vô sát cuống

Trái dừa nước mọc thành buồng, trái mọc chụm sát vô cuống, khi tách riêng ra thì mỗi trái có hình bầu dục. Ở mỗi trái, đầu nào nằm trong thì màu sáng, đầu nào nằm ngoài thì màu tối. Bổ ra bên trong có lớp cơm dừa nho nhỏ, người dân quen gọi là cùi dừa hay cơm dừa.

Phần cơm dừa

Phần cơm dừa

Muốn có cùi dừa vừa ăn thì người đi hái phải biết quan sát. Nếu da trái dừa bóng, màu sáng thì buồng dừa đó còn non, cùi dừa chưa có. Nếu da trái dừa màu sẫm, ngã sang đen và chút sần sùi thì buồng dừa đó già, cùi dày và cứng. Một buồng dừa nước ngon là phải nằm giữa hai giai đoạn này.

Cơm dừa có vị béo béo, dai giòn sần sật

Cơm dừa có vị béo béo, dai giòn sần sật

Hái buồng dừa về người ta bổ đôi trái dừa rồi lấy muỗng nạo phần cơm dừa ra, cứ vậy mà ăn. Cơm dừa có mùi thơm thơm của rơm, của cỏ; vị béo béo, ngọt thanh; dai giòn sần sật, cắn ngập răng. Cầu kỳ hơn thì người ta ăn với nước cốt dừa, nước đường, đậu phộng, gọi là chè dừa nước.

Món chè dừa nước

Món chè dừa nước

Họ lấy nước cốt dừa (cây dừa cạn) thắng lại cho kẹo; nấu nước sôi, thả lá dứa, gừng, đường phèn để làm nước đường; rang hạt đậu phộng, tách vỏ. Khi ăn thì lấy một chén cơm dừa nước, rưới nước cốt dừa và nước đường lên, rắc thêm vài hạt đậu phộng là thành món chè dừa nước. Ăn như vậy sẽ tăng thêm độ béo và vị ngọt của cơm dừa.

Theo Đông y thì dừa tính hàn nên khi nấu người ta cho thêm vài lát gừng là tính hoả để cân bằng, người ăn không bị lạnh bụng.

Nguồn: [Link nguồn]

Bỏ túi những quán chè ngon nổi tiếng ở Hà Nội nhất định phải thử khi hè về

Chè là một món ăn quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Dưới đây là địa chỉ những quán chè ngon và siêu mát lạnh phải thử vào mùa hè tại Hà Nội. Đừng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bài và ảnh: VŨ KHANG ([Tên nguồn])
Đặc sản 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN