Không khí lạnh tràn về làm ngay món lẩu ngon dễ dàng tại nhà và lưu ý để ăn lẩu tốt cho sức khỏe rất ít người biết

Sự kiện: Món lẩu ngon

Không khí lạnh tràn về, lẩu là món ăn hấp dẫn quen thuộc được nhiều người ưa thích. Mọi người làm ngay món lẩu ngon dễ dàng tại nhà dưới đây.

Những lưu ý khi ăn lẩu để tốt cho sức khỏe

Lẩu là món ăn hấp dẫn quen thuộc được nhiều người ưa thích nhưng không phải ai cũng biết nếu không chú ý lại có thể gây hại cho sức khỏe. Để ăn lẩu ngon, đúng cách và tốt cho sức khỏe mọi người cần lưu ý những điều dưới đây theo khuyến cáo của BS. Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

+ Không kéo dài thời gian bữa lẩu quá 2 tiếng đồng hồ. Điều này dễ khiến cho bộ máy tiêu hóa (dạ dày, đường ruột) liên tục làm việc dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Khi nước lẩu sôi trên bếp thời gian kéo dài làm vitamin bị phân hủy, chất béo bị bão hòa, không tốt cho sức khỏe.

+ Nhúng thực phẩm chín: Thực phẩm tái đỏ làm vi khuẩn, kí sinh trùng dễ xâm nhập vào đường tiêu hóa. Khi nhúng lưu ý, thực phẩm thái mỏng nhúng trong nồi khoảng 1 phút để thịt chín kỹ; thực phẩm viên hay các loại thực phẩm có vỏ dày như tôm, sò, ốc… nhúng trên 5 phút. Đồng thời đợi nước lẩu sôi mới thả thực phẩm vào, thực phẩm vừa không bị dai mà đảm bảo được độ chín ngọt.

Không khí lạnh tràn về làm ngay món lẩu ngon dễ dàng tại nhà và lưu ý để ăn lẩu tốt cho sức khỏe rất ít người biết - 1

+ Tránh uống nước lẩu nóng: Thường nhiệt độ của nồi lẩu đang sôi trên bếp có thể tới mức hơn 100 độ C. Với nhiệt độ này, ăn ngay các thực phẩm dễ khiến lớp da mỏng trong miệng bị tổn thương. Lớp màng nhầy trong dạ dày cũng dễ bị ảnh hưởng vì thực phẩm quá nóng, có thể gây viêm loét dạ dày.

+ Mọi người lưu ý nước lẩu sau 60 phút nên thay nước. Nước lẩu càng về cuối sẽ càng tiết ra vị mặn sau quá trình nhúng thực phẩm. Hơn nữa chất béo, natri, lượng purin, dầu mỡ ở trong nước lẩu cũng tăng axit uric trong máu, không tốt đối với người bị bệnh gout.

+ Trong khi ăn lẩu không nên uống đồ lạnh. Việc này làm kích thích dạ dày co bóp, giảm tiết dịch tiêu hóa, gây cản trở quá trình tiêu hóa.

BS Hoài Thu cũng cho biết, dù lẩu là món ăn hấp dẫn trong thời tiết lạnh, tuy nhiên mọi người cần ăn điều độ, tránh ăn liên tục sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Lưu ý khoảng cách từ 1 -2 tuần một lần. Cùng với đó, một số người không nên ăn lẩu nhiều như phụ nữ mang thai, người bị đau dạ dày vì các gia vị cay, nóng sẽ tác động khiến dạ dày bị đau trở lại. Người tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu… hạn chế hoặc những những loại lẩu nhiều đạm như lẩu lòng, lẩu hải sản…

Món lẩu ngon dễ làm khi trời trở lạnh

Lẩu cháo lòng

Ảnh Châu Ngọc

Ảnh Châu Ngọc

Nguyên liệu:

- Mua các phần lòng thích ăn: dồi, tràng, dạ dày, lòng non, cuống họng, thịt dải, gan...

- Xin hoặc mua thêm nước luộc lòng kèm tiết

- Rau ăn kèm: hành lá, mùi tàu, giá, tía tô, ngổ tùy theo sở thích

- Quẩy giòn, bún

- 1 nồi cháo trắng. Lúc nấu mọi người thêm một ít gạo nếp vào cho dẻo, có thể thêm một ít đỗ xanh.

- Hành tím, tỏi, ớt, hạt tiêu

Cách làm:

- Với lẩu cháo lòng nên chuẩn bị một nồi đế dày chút, để quá trình ăn và nhúng cháo không bị bén làm cháo có mùi khê. Cho cháo vào kèm nước luộc lòng, ít tiết luộc và nêm gia vị vừa ăn.

- Phần nước luộc, tiết còn lại nấu nóng rồi thêm chút hành lá, mùi tàu, chan kèm bún cũng ngon lắm.

- Quẩy bẻ nhỏ vừa ăn

- Sơ chế rau, giá, rửa sạch và để ráo nước

- Thái lòng bày ra đĩa hoặc mẹt

- Pha nước chấm: Đơn giản mọi người có thể thái mỏng hành tím, tỏi ớt xong rót nước mắm cốt vào là được ạ !

- Cắt thêm 1 ít hành lá, tía tô để rắc lên ăn kèm

Với thời tiết lạnh như những ngày này, sơ chế lẩu cháo lòng vô cùng đơn giản mà "vừa thổi vừa ăn" bên nồi cháo lòng là vô cùng thích hợp.

Lẩu gà sữa đậu nành

Không khí lạnh tràn về làm ngay món lẩu ngon dễ dàng tại nhà và lưu ý để ăn lẩu tốt cho sức khỏe rất ít người biết - 3

Nguyên liệu

- 1 con gà khoảng 1kg; Ngao, cua, tôm mực tùy ý…

- 1 lít sữa đậu nành không đường.

- 1 lít nước dùng dashi/ rau củ/ nước dùng gà.

- 1 bắp ngô nếp; 1 củ cà rốt; mè trắng, táo tàu, kỳ tử

- Rau cải cúc, cải thảo, rau mầm, nấm đông cô, kim châm, nấm đùi gà…

- 1 cây hành boaro.

- 2 khay đậu hũ.

- Gia vị muối, đường…

Cách làm

Bước 1: Sơ chế nước lẩu

Cho vào nồi khoảng 1 lít nước dùng dashi/ gà/ rau củ với sữa đậu lành đã chuẩn bị sẵn vào đun liu riu. Khi đã sôi nước cho gia vị, thêm vào táo đỏ, kỷ tử, cà rốt, ngô nếp… vào đun thêm khoảng 10 phút. Mọi người lưu ý thi thoảng mở nắp khuấy đều để sữa không đóng váng và đun với lửa nhỏ.

Bước 2: Sơ chế đồ nhúng lẩu

- Thịt gà làm sạch, chặt miếng vừa ăn

- Tôm làm sạch, mực làm sạch cắt khoanh tròn. Để tôm, mực không còn mùi tanh, sai khi rửa mọi người nên dùng giấm hoặc nước cốt chanh để bóp tôm, mực rồi rửa sạch lại. Hoặc mọi người có thể ngâm tôm, mực vào hỗn hợp rượu và gừng đập dập khoảng 5 phút rồi rửa lại thật sạch.

- Các lọai nấm làm sạch. Nấm đùi gà thì cắt lát mỏng vừa ăn, nấm đông cô cắt đôi, kim câm cắt gốc… Rau dùng nhúng ăn lẩu sữa đậu nành ngon nhất nên dùng loại cải cúc, cải thảo, rau cải cải ngọt…

- Đậu hũ cắt miếng vuông

Bước 3: Pha nước chấm xì dầu: Tỏi đập dập băm nhỏ, ớt thái lát. Cho xì dầu, đường, mì chính vào bát con, khuấy đều đến khi đường tan hết rồi cho tỏi ớt đã chuẩn bị vào khuấy đều rồi rắc hạt tiêu lên trên là hoàn thành.

Cuối cùng chỉ cần dọn bếp lẩu ra bàn là cả nhà thưởng thức.

Nguồn: [Link nguồn]

Những lưu ý nhất định phải biết khi ăn lẩu

Lẩu là món ăn khá phổ biến ở nước ta. Thế nhưng nếu biết được những điều "đại kỵ" khi ăn lẩu dưới đây sẽ khiến không ít người phải giật mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà My ([Tên nguồn])
Món lẩu ngon Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN