Gà đèo Le ăn là mê!

Muốn ăn gà đèo Le ngon “chánh tông”, phải tìm về tận chân đèo Le xứ Quảng.

Cách đây hơn 20 năm, gà đèo Le đã được bán trên đỉnh đèo Le của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam (huyện Quế Sơn về sau được tách thành 2 huyện Nông Sơn và Quế Sơn). Khi ấy, người ở Nông Sơn muốn đến trung tâm hành chính của huyện hay đi sang các địa phương khác phải qua đèo Le. Đèo chỉ dài chừng 7 km nhưng quanh co, khúc khuỷu, phong cảnh rất hữu tình. Giữa đỉnh đèo lại có một dòng suối chảy róc rách ngày đêm có tên là Nước Mát. Mỗi lần đi qua đây, ai cũng muốn dừng chân lại để nghỉ ngơi, vọc ngụm nước suối lên uống và rửa mặt. Thế là những quán bán gà được mở tại đây phục vụ khách qua đường. Gà tre đèo Le hay gà đèo Le - cái tên món ăn này - ra đời từ đó. Dần dà, khí hậu biển đổi, rừng nguyên sinh trên đèo được phủ xanh bằng những đồi keo, các quán gà tre phải di dời xuống chân đèo Le (thuộc xã Quế Long, huyện Quế Sơn). Ban đầu chỉ vài ba quán, nay đã có đến hàng chục quán.

Gà tre đèo Le giờ đã trở thành đặc sản, có mặt ở nhiều nơi. Nhưng muốn ăn gà ngon đúng điệu thì phải tìm về tận chân đèo Le xứ Quảng.

Nhiều người thắc mắc giống gà tre có phải được nuôi trong ống tre nên mới có tên gọi như thế? Cụ Võ Thành Phước (ngụ xã Quế Long) lý giải: “Đúng là có chuyện ngày trước những người dân sống ở quanh khu vực đèo Le đều nuôi gà lấy thịt bằng cách bỏ vào ống tre. Khi tôi lớn lên, cái tên “gà tre” đã có rồi”. Theo cụ Phước, gà tre phải 6 tháng tuổi mới làm thịt được; việc bỏ gà vào ống tre để nuôi sẽ cho ra con gà chắc thịt, dẻo dai và thơm ngon. Đặc biệt là khi lấy ra khỏi ống tre, con gà rất nhỏ, trọng lượng chỉ nhỉnh hơn nửa ký.

Gà đèo Le ăn là mê! - 1

Món gà luộc đèo Le 

Giai thoại về gà nuôi trong ống tre được truyền tụng mãi cho đến bây giờ. Thực tế, giống gà tre đèo Le đặc sản nay cũng thơm ngon chẳng kém gà trong giai thoại. Khác chăng là gà được nuôi trong điều kiện bình thường và phải là gà quê chứ không phải là gà tam hoàng hay gà công nghiệp.

Gà quê cũng có dăm bảy loại. Theo bà Bùi Thị Châu, chủ một quán gà nổi tiếng ở chân đèo Le, con gà phải được nuôi bằng những nông sản ở chính đất Quế Sơn này, không pha lẫn chút thức ăn công nghiệp nào. Từ nhỏ đến lớn, gà chỉ được cho ăn lúa, bắp hay cám gạo. “Chỉ có nuôi bằng những thứ đó và thả rông trong vườn nhà, gà mới chắc thịt và thơm ngon” - bà Châu nói.

Bà Châu đã mở quán bán gà đèo Le gần 20 năm nay. Cái quán nhỏ giữa đèo những năm trước nay đã được thay bằng một quán lớn khang trang nằm dưới chân đèo. Mỗi ngày, bà bán được cả trăm con gà. “Khách thường chuộng ăn gà nướng bởi món này thơm ngon hơn nhờ có gia vị riêng đi kèm vị ngon của gà”. Gia vị ấy gồm sả, ớt bột, hành tím được xào sơ bằng dầu phộng rồi đem quết lên thân gà. Khi nướng, mùi thơm của gà hòa quyện với mùi sả, ớt, dầu phộng tạo nên hương vị quyến rũ khó cưỡng.

Gà đèo Le thường được chế biến thành món nướng, hấp hành, luộc và rô ti. Đi kèm những món trên thường có một tô cháo nóng hổi được nấu từ nước luộc gà và bộ lòng. Gà “thành phẩm” thường được để nguyên con bày ra dĩa có kèm sẵn rau răm và một ít lá chanh xắt nhỏ.

Điều đặc biệt nữa khi chế biến món gà đặc sản này đó là nước dùng để luộc gà hay nấu cháo. Ông Trương Văn Tâm, người bán gà đèo Le hàng chục năm tại xã Quế Long, cho biết món gà luộc thơm ngon cũng một phần nhờ nước. Nước dùng luộc gà tuyệt đối không dùng nước máy mà phải đi lấy từ suối Nước Mát. Nếu không dùng nước suối thì có thể lấy nước giếng đào ở chân đèo bởi nước ngầm ở đây cũng trong và sạch không kém. Nếu nấu nước suối thì gà ngon 10 mà nước giếng thì ngon 9. Nước suối và nước giếng ở đây được xem như thứ gia vị không thể thiếu để làm nên món gà đèo Le. Mùa mưa, nước suối không dùng được thì dùng nước giếng. Củi đun nước luộc gà hay than nướng gà cũng phải được lấy từ trên rừng đèo Le.

Dân thành phố thường gọi vui gà đèo Le là “gà đi bộ” bởi loại gà này được thả rông hoàn toàn cho đến khi lên thớt. Ông Nguyễn Văn Lâm (ngụ quận 2, TP HCM) cho biết ông thường xuyên đi công tác tại TP Đà Nẵng. Mỗi lần xong việc, ông thường bắt taxi vào đèo Le để ăn gà và mua thêm vài ba con “đóng thùng” đưa về TP HCM cho vợ con cùng ăn.

Từ Quốc lộ 1A, đi dọc theo đường ĐT 611 khoảng 20 km về hướng huyện Quế Sơn là đến “sào huyệt” của gà đèo Le. Những quán ăn dân dã, thấp lè tè, chỉ có dăm bàn nhựa và ghế con nhưng thu hút toàn thực khách sang trọng, ô tô đủ loại đậu kín ven đường. “Khách ở TP HCM, Hà Nội ăn xong tấm tắc và xin số điện thoại để đặt mua khi thèm. Thường thì khách đặt khoảng 30 con trở lên thì chúng tôi mới nhận. Gà gửi đi xa thường làm món nướng để gia vị giữ hương của gà rồi bọc vào lá chuối xanh chứ không dùng bao ni-lông, rồi cho vào thùng xốp, đóng thùng kỹ, gửi qua đường hàng không. Vài giờ sau, thực khách mở bọc lá chuối ra, mùi thơm vẫn ngào ngạt” - bà Bùi Thị Châu nói. Giá gà đèo Le cũng rất rẻ, chế biến xong chỉ 145.000 đồng/con kèm tô cháo thơm phưng phức.

Chỉ đơn giản thế mà món gà quê dân dã ấy lại trở thành đặc sản không phải dễ tìm. Đã một lần ăn gà đèo Le thì cứ thèm thuồng mãi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Vân (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN