Dẻo bùi củ trút xào tép

Lúc còn nhỏ, cứ vào tháng giêng, tôi lẽo đẽo theo mẹ đi đào củ trút trong vườn. Khi ấy mẹ tôi bảo, có thể người xưa thấy vỏ củ của cây này giống vỏ con trút nên đặt tên là củ trút.

Củ trút còn có tên: mì tinh, huỳnh tinh; cây thân mềm, cao khoảng 0,5 – 0,7m, lá xanh (giống lá dong), hoa màu trắng. Củ trút thân tròn dài, màu trắng có bột nhưng nhiều xơ, thân củ được bọc một lớp vỏ tựa vỏ bắp nhưng rất ngắn mọc ra từ những ngấn. Củ dùng chế biến thức ăn: xay thành bột làm miến, làm bánh, xào với tôm, thịt hay luộc chín để ăn khá bùi và dẽo.

Kinh nghiệm của mẹ tôi rằng, tháng giêng là thời điểm đào củ trút vì lúc này củ tích trữ nhiều tinh bột nhất trong năm. Rửa củ sạch đất, lột lớp vỏ phủ bên ngoài rồi cho vào nồi với một ít nước ngập xăm xắp và nhúm muối luộc khoảng 30 phút là chín. Củ trút luộc có vị bùi bùi, giòn, thơm.

Dẻo bùi củ trút xào tép - 1

Củ trút xào tép rất thơm, dẻo, bùi

Tôi còn nhớ, lúc nhà hết thức ăn, mẹ ra ngoài khe xúc mớ tép tươi về xào với củ trút. Củ trút xắt mỏng. Khử dầu ăn với tỏi cho thơm sau đó cho tép đã ướp gia vị vào xào sơ rồi bỏ trút xắt vào xào tiếp vài lần và đậy vung lại, đun nhỏ lửa. Khoảng 15 phút sau chín, nêm nếm lại cho vừa ăn; rắc một ít ngò ta.

Nhìn dĩa tép xào củ trút mà thòm thèm. Món ăn dân dã này rất thơm, dẻo, bùi và nó đã để lại trong tôi nhiều hương vị của những ngày thơ ấu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Linh (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN