Chuyên gia bày bí kíp để có những chiếc bánh chưng ngon, đẹp mắt

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Để làm ra bánh chưng phải trải qua nhiều công đoạn thật công phu, tỷ mỉ và tinh tế.

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu để thờ cúng trong mâm cỗ ngày Tết. Theo Ths. Trịnh Hồng Sơn – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để làm ra bánh chưng phải trải qua nhiều công đoạn thật công phu, tỷ mỉ và tinh tế. Bánh chưng tượng trưng cho đất, nên phải có đầy đủ cỏ cây hoa lá, muông thú muôn loài…, vì thế nhân bánh chưng có đủ cả đỗ xanh, hành, thịt lợn.

Ths. Trịnh Hồng Sơn – Viện Dinh dưỡng Quốc gia hướng dẫn từng công đoạn từ khi khâu chọn nguyên liệu cho đến khi bánh chưng lên mâm cỗ.

Chọn nguyên liệu

Gạo để gói bánh chưng phải là gạo nếp mùa, gạo vụ mùa có hạt to, tròn, do thu hoạch dịp gần tết nên sẽ thơm dẻo hơn các vụ khác.

Đỗ xanh phải là loại đỗ tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì sẽ thơm ngon hơn.

Chuyên gia bày bí kíp để có những chiếc bánh chưng ngon, đẹp mắt - 1

Đỗ xanh để gói bánh phải là loại đỗ tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì sẽ thơm ngon hơn.

Nhân thịt lợn thì chọn loại thịt 3 chỉ hoặc thịt vai sấn thì mới ngon; không nên chọn loại thịt quá nạc, tốt nhất là thịt lợn đen, nuôi theo phương pháp truyền thống, thì thịt sẽ thơm, ngon hơn.

Lá dong phải chọn lá dong bánh tẻ, lá to, đều, khổ rộng vừa phải.

Lạt buộc cũng phải chọn loại lạt giang bánh tẻ, chẻ mỏng, rất mềm và dẻo dai.

Luộc bánh

Khâu luộc bánh cũng phải rất cầu kỳ. Khi luộc thì lửa phải không quá to, đều lửa, bảo đảm nồi luộc bánh lúc nào cũng sôi đều tất cả các góc, bánh lúc nào cũng phải ngập trong nước sôi, vì thế bên cạnh nồi luộc bánh chưng luôn có một nồi nước sôi để tiếp thêm vào nồi luộc bánh để mực nước không bị cạn xuống dưới lớp bánh trên cùng.

Vớt bánh

Khi vớt bánh ra phải rửa luôn vào chậu nước lạnh rồi ép bánh để bánh chắc, ráo nước, nhưng phải ép từ từ để ruột bánh không bị phòi ra ngoài vỏ lá, giữ định hình cho chiếc bánh chưng vuông vắn. Màu lá dong vẫn giữ được màu xanh của lá.

Chuyên gia bày bí kíp để có những chiếc bánh chưng ngon, đẹp mắt - 2

Bóc bánh chưng để ăn cũng là một việc mà không phải ai cũng làm được khéo léo ngay từ đầu.

Thường thì người ta chọn những chiếc bánh đẹp nhất để dâng lên bàn thờ tổ tiên và bày luôn trong những ngày Tết, đây cũng là cách thể hiện lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, lòng biết ơn với trời đất, thần linh đã phù hộ để có những vụ mùa bội thu.

Bóc bánh

Bóc bánh chưng để ăn cũng là một việc mà không phải ai cũng làm được khéo léo ngay từ đầu.

Trước hết phải gỡ lạt buộc, sau đó tước nhỏ lấy khoảng 4 sợi, nhẹ nhàng bóc mặt trên của bánh để lộ ra 1/2 chiếc bánh, rồi đặt 4 sợi lạt nói trên theo hình dấu cộng và chéo 4 góc bánh sao cho thật đều (nên nhớ lần lượt lạt nào đặt trước, lạt nào đặt sau).

Tiếp đến là úp một chiếc đĩa to lên mặt này rồi lật lại, gỡ nốt phần lá bánh, sao cho không được vỡ hoặc dính phần thịt bánh theo lá, lúc này mặt bánh xanh màu lá, bóng mịn hiện ra, sau đó nhẹ nhàng kéo các sợi lạt ở phía dưới để cắt bánh (sợi nào đặt trước thì kéo trước, sợi nào đặt sau thì kéo sau).

Như vậy, chiếc bánh chưng đã được cắt đều làm 8 phần bằng nhau cả nhân và phần thịt bánh, nhìn vô cùng hấp dẫn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN