Chua thanh vị giấm
Ngoài công dụng là gia vị cho món ăn thì giấm còn được xem là một dược liệu để chữa bệnh và làm đẹp rất hữu hiệu.
Giấm chuối
Nguyên liệu:
- Chuối sứ: 3 trái
- Rượu trắng: 50ml
- Nước dừa tươi: 300ml
- 1 hũ thủy tinh, 1 tấm vải màn thưa
Các bước làm giấm chuối
Thực hiện:
- Chuối lột sạch vỏ
- Đặt chuối lên thớt hoặc đĩa, dùng cán dao ép cho chuối hơi dẹp.
- Hũ thủy tinh rửa sạch, để ráo nước, cho chuối vào hũ.
- Đổ nước dừa tươi, rượu vào, đậy kín nắp hũ bằng vải màn. Đặt hũ nơi thoáng mát, không có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Ủ cho tới khi bình giấm bắt đầu xuất hiện một lớp màng mỏng trên bề mặt hũ, màu trắng đục. Đó là con giấm.
- Khi muốn lấy giấm để dùng, lấy con giấm ra cho vào đĩa, lược nước giấm trong hũ qua rây hoặc vải thưa để bỏ cặn và xác chuối.
- Có thể lấy giấm dùng ngay hoặc cho giấm vào nồi đun sôi, để nguội, chiết vào chai, đậy kín nắp, dùng dần.
- Chiết giấm: Giấm càng để lâu thì càng chua. Con giấm sẽ lớn, dày và chuyển qua màu đục hơn. Nếu muốn chiết thêm giấm để dành, lấy 1 chén đường cát trắng hòa với 1 lít nước lọc cho tan. Chiết con giấm vào hũ, chế nước đường vào ngập hũ, đậy kín nắp, để nơi thoáng mát. Tiếp tục nuôi giấm cho tới khi nước giấm chua, con giấm lớn là được. Nếu muốn chiết giấm thêm nữa thì lặp lại công đoạn cũ.
Sườn chua ngọt
Nguyên liệu:
- Sườn heo: 350g
- Ớt chuông 3 màu: 100g
- Hành tây: 50g
- 3 tép tỏi, dưa leo, xà lách các loại ăn kèm.
- Gia vị: Muối, đường, tiêu xay, ớt, bột ngọt, hạt nêm, nước mắm, giấm trắng, dầu ăn.
Món sườn chua ngọt
Thực hiện:
- Sườn rửa sạch, để ráo nước, chặt khúc ngắn vừa ăn. Ớt chuông 3 màu bỏ lõi, rửa sạch, thái quân cờ. Hành tây lột vỏ lụa, rửa sạch, thái miếng vuông. Tỏi lột vỏ lụa, băm nhỏ.
- Ướp sườn với tỏi băm, hạt nêm, để thấm 20 phút. Làm nóng dầu ăn, cho sườn vào chiên trên lửa vừa cho sườn rám mặt, vàng, lấy sườn ra cho vào đĩa, gạn bớt dầu ăn ra chén.
- Dùng lại chảo, cho sườn vào trở lại, thêm khoảng ½ chén nước sôi vào, nêm muối, ớt bột, tương cà, đường, bột ngọt, nước mắm, giấm, tiêu vừa ăn, nấu cho sườn chín mềm. Khi sườn gần được, cho ớt chuông ba màu, hành tây vào xóc đều, nêm lại cho sườn vừa vị mặn, ngọt, chua, cay là được, tắt bếp.
- Xà lách cắt gốc, rửa sạch. Dưa leo cắt lát mỏng. Dọn sườn chua ngọt ra đĩa, dùng kèm với dưa leo, xà lách và cơm trắng.
- Mách nhỏ: Nếu muốn món sườn chua ngọt có độ sệt có thể cho vào một ít bột năng. Sườn khi ăn phải mềm, đầy đủ vị mặn, ngọt, chua, cay.
Nộm rau muống, thịt bò
Nguyên liệu:
- Rau muống: 1 bó
- Thịt bò: 200g
- Hành tây nhỏ: 1 củ
- 1 trái ớt sừng, 1 củ tỏi, 1 nhánh gừng nhỏ, 30g mè trắng, 50g rau thơm (kinh giới, quế), 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa súp đường, 1 thìa súp giấm trắng, 1 thìa súp nước lọc, 1 thìa súp nước mắm ngon, ½ thìa cà phê ớt xay, ½ thìa cà phê tỏi xay, 1 thìa súp dầu ăn.
Nộm rau muống, thịt bò
Thực hiện:
- Rau muống nhặt bỏ lá, gốc già, lấy phần đọt non rửa sạch. Chẻ rau muống thành sợi nhỏ, ngâm vào nước lạnh cho rau muống xoăn lại.
- Thịt bò rửa sạch, thái lát mỏng. Hành tây lột vỏ lụa, thái sợi, ngâm nước đá cho bớt mùi hăng. Ớt sừng bỏ hạt, thái sợi. Tỏi lột vỏ lụa, thái lát, ½ phi vàng, ½ băm nhỏ. Gừng gọt vỏ, băm nhỏ. Mè trắng rang vàng. Rau thơm nhặt lấy lá, thái sợi.
- Ướp thịt bò với gừng, tỏi băm, hạt nêm, để thấm. Làm nóng chảo với một ít dầu ăn, cho thịt bò đã ướp gia vị vào xào trên lửa lớn cho thịt bò săn lại.
- Nước trộn gỏi: Quậy đều đường, nước mắm, nước lọc, giấm, ớt, tỏi xay với nhau, nếm vừa vị chua ngọt.
- Để rau muống thật ráo nước, cho vào thố hoặc đĩa sâu lòng cùng với rau thơm, hành tây, ớt sừng, cho nước trộn gỏi vào, xếp thịt bò lên mặt, rắc tỏi phi, mè rang vào. Khi ăn trộn đều.
- Mách nhỏ: Khi ăn mới bắt đầu trộn gỏi vì nếu trộn sớm sẽ làm cho rau muống ra nước, gỏi sẽ mất đi độ giòn, ngon. Tùy khẩu vị có thể xào chín hoặc làm thịt bò theo dạng tái.