Bí quyết món mì quảng Phan Thiết của ba

Sự kiện: Món ngon Việt Nam

Theo ba, điều tạo nên hương vị khác biệt đó chính là nồi nước dùng và tỏi, ớt.

“Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi má lót lá mà nằm”. Câu ca trên có vẻ như không đúng với trường hợp của tôi, một đứa trẻ mồ côi mẹ từ thuở mới lọt lòng. Bởi, tôi không những chỉ được ăn cơm với cá, mà còn được ăn món mì quảng rặt hương vị biển, do ba tôi làm.

Ba tôi, vốn là thợ nấu cho một nhà hàng danh tiếng ở quê nhà Phan Thiết. Khi má mất, vì để tiện chăm sóc tôi, nên ba mở một quán ăn nhỏ trước nhà. Ban đầu ba bán đủ thứ, khi thì cơm tấm, lúc lại bún bò, đôi khi là nồi mì quảng. Nhưng có lẽ vì thực khách đến quán mê nhất là món mì quảng, nên dần dà, ba chỉ tập trung vào món này. Không ngờ, quán mì của ba tôi ngày càng đông khách.

Bí quyết món mì quảng Phan Thiết của ba - 1

Món mì quảng rặt hương vị biển của ba

Sau này, có lần tôi hỏi: “Mì quảng Phan Thiết khác gì với mì Quảng của xứ Quảng không ba”. “Khác chứ con” - ba nhẹ nhàng đến bên nồi mì quảng, cẩn thận múc ra một tô đặt lên bàn cho tôi ngắm nghía, rồi tiếp: “Vậy con có nhận ra sự khác biệt đó không?”. Tôi gật: “Vị rất khác, dù vẫn những cọng mì vàng vàng ấy, cũng con tôm đỏ hồng, miếng sườn non sắc cạnh… nhưng tô mì quảng của ba đậm đà hơn những tô mì quảng mà con đã từng ăn ở xứ Quảng”.

Bí quyết món mì quảng Phan Thiết của ba - 2

Để nồi nước dùng mì quảng không cay thì ớt phải được luộc và xả ít nhất 5, 6 lần

Theo ba, điều tạo nên hương vị khác biệt đó chính là nồi nước dùng và tỏi, ớt. Đó cũng chính là bí quyết để làm nên cái vị mì quảng Phan Thiết. Tỏi và ớt sừng ngoài việc dùng để ướp thịt, còn để nấu nước dùng. Nhưng để nồi nước dùng mì quảng không cay thì ớt phải được luộc và xả ít nhất năm - sáu lần… Mà việc xào ớt, tỏi của ba cũng khá công phu: phải canh lửa, canh thời gian để ớt lên màu đẹp. Ngoài ớt sừng và tỏi, nồi nước dùng của ba sở dĩ đậm đà còn là do ba hầm từ nước xào tôm (tôm tươi mua về, làm sạch, xào bằng lửa lớn rồi trút vào nồi). Thịt sườn, giò heo, thịt vịt… cũng góp phần làm nên vị ngọt đậm đà cho tô mì Quảng quê tôi.

Ngày nhỏ, mỗi lần vào bếp là tôi lại hắt xì, nói ba nấu món chi mà cay xè cả mắt… Hễ ba bảo nấu mì quảng, là tôi lại vùng vằng than cay. Thế nhưng, khi ăn thì lại chẳng thấy cay chút nào. Và cũng không ngờ, đến khi tôi vào đại học, thì cái quán nhỏ của ba tôi ngày nào đã trở thành một thương hiệu khiến khách du lịch phải kiếm tìm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Thảo (Phunuonline)
Món ngon Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN