Sài Gòn những cái đầu tiên và nhất: Câu lạc bộ thể thao quý tộc đầu tiên

Sự kiện: Thời sự

Suốt mấy chục năm từ đầu thế kỷ 20 trở đi, “Xẹc” (viết tắt của Cercle Sportif Saigonnais hay CSS ) được mệnh danh là một điểm thể thao quý tộc của giới thượng lưu Sài Gòn.

Người dân bình thường đi ngang qua chỉ nhìn loáng thoáng những dàn xe hơi sang trọng, bóng lộn với vẻ ngưỡng mộ còn thừa biết mình không thể đặt chân vào đó.

Sau 1975, “Xẹc” được tiếp quản và trở thành Nhà văn hóa Lao động, rồi Cung văn hóa Lao động. Dự kiến không xa nữa nơi đây sẽ phá bỏ tất cả để trở thành một không gian hiện đại với các hạng mục như khu quảng trường văn hóa lớn; khu văn phòng; khu vực nhà hát, hội nghị, rạp chiếu phim; khu thể thao, hồ bơi; khán phòng đa năng; sân khấu ngoài trời; khu vườn mở dưới tầng hầm…Ngoài ra, bãi xe tầng hầm của dự án có thể tận dụng làm bãi gửi xe cho khu vực trung tâm TP khi tổ chức các hoạt động văn hóa lớn.

Những dấu tích cuối cùng của hơn 100 năm hình thành và phát triển của “Xẹc” cũng sẽ ra đi để thành một hình hài mới trong thế kỷ 21.

Sân chơi của sĩ quan Pháp, thương gia và người Việt giàu

Địa điểm “Xẹc” được chọn hết sức ngẫu nhiên. Sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, chính quyền thực dân Pháp quyết định xây dinh Thống đốc Nam Kỳ vào năm 1865 để đặt nền móng cho chủ nghĩa thực dân. Lô đất được chọn xây dinh Thống đốc là một phần của vườn ông Thượng, vốn là vườn hoa cũ của Tổng trấn Lê Văn Duyệt trước đây, là một khu đất rất đẹp, nằm ở địa thế cao ráo, gần với đỉnh đồi cao nhất Sài Gòn được chọn để xây nhà thờ Đức Bà.

Nhưng vì mãi chưa có dự án xây dựng dinh Thống đốc nên năm 1866, một nhóm sĩ quan Pháp đã lấy một phần đất rộng ở phía tây của lô đất để làm một sân chơi thể thao. Đây là chỗ để các sĩ quan và binh lính Pháp chơi các môn điền kinh, bắn súng và đua ngựa với nhau. Do nhu cầu chơi thể thao của sĩ quan Pháp lên cao, các hoạt động ở câu lạc bộ (CLB) này hết sức náo nhiệt nên đến năm 1868, khi dinh Thống đốc bắt đầu được xây dựng, chính quyền thực dân không thu hồi lại khu đất này mà giao cho luôn CLB. Họ thiết kế mở thêm con đường Miss Clavell (nay là đường Huyền Trân Công Chúa) để tách biệt hoàn toàn CLB với dinh Thống đốc.

Không còn giới hạn chỉ mỗi sĩ quan Pháp, một số viên chức, thương gia và người Việt giàu có cũng được tham gia, CLB ngày càng lớn mạnh, chính thức lấy tên là Cercle Sportif Saigonnais (CLB Thể thao Sài Gòn) và phát triển thêm nhiều loại hình thể thao phổ biến khác như bóng đá và đến năm 1897 đã tổ chức những cuộc đua xe máy đầu tiên vòng quanh khuôn viên CLB. Nếu bạn đọc thắc mắc từ cuối thế kỷ 19 mà ở Việt Nam đã có đua xe máy và đó là loại xe gì, bao nhiêu phân khối thì xin giải đáp, xe máy là cụm từ hồi đấy để chỉ… xe đạp.

Không đơn giản là một nơi thi đấu, CLB còn là nơi huấn luyện thể thao cho những người muốn khởi đầu. Chất lượng giảng dạy khá cao do các huấn luyện viên thể thao, có cả giáo viên của Trường Chasseloup - Laubat. Cercle Sportif thu nhận thành viên với cơ sở vật chất đủ điều kiện để được trợ cấp hằng năm từ Hội đồng thuộc địa.

Sài Gòn những cái đầu tiên và nhất: Câu lạc bộ thể thao quý tộc đầu tiên - 1

Dạ tiệc bên hồ bơi.

Dành cho giới thượng lưu

Nhiều thành viên là những người có máu mặt trong chính quyền thuộc địa nên “Xẹc” dễ dàng nhận được sự ủng hộ để phát triển mạnh hơn. Đến đầu thế kỷ 20, CLB được đầu tư một sân bóng đá (trước đó đã có nhưng chưa đạt chuẩn) và sân quần vợt. Sân bóng đá này thừa sức đáp ứng yêu cầu tiếp những đội bóng ngoại quốc đến thi đấu. Một số tài liệu cũ đã ghi nhận nơi đây đã có trận đấu giữa đội bóng của chiến hạm Anh mang tên King Alfred ghé thăm Sài Gòn và đã đấu giao hữu với một đội “liên quân” gồm những cầu thủ người Pháp và Việt tại đây.

Sau nhiều lần được nâng cấp, mà lần có quy mô lớn nhất vào năm 1925, “Xẹc” đã bắt đầu được đưa vào hoạt động với cơ sở vật chất khá hiện đại thời điểm đó. Theo một thông cáo báo chí bởi Agence économique de l’Indochine, tiện nghi cao cấp của Cercle là 10 sân tennis, một sân bóng đá với khán giả đứng và các tòa nhà tiện nghi với phòng cho nhảy rào, bi-a, trò chơi và đọc sách, một phòng khiêu vũ và phòng thay đồ rộng lớn. Theo nội dung kết luận của thông cáo thì “Sài Gòn bây giờ có một CLB xứng đáng của thuộc địa, mà có thể dễ dàng so sánh với Thượng Hải, Hong Kong hay Singapore”.

Tức là ngay từ năm 1925 , “Xẹc” đã xây dựng một phòng đọc sách khá quy mô và hiện đại để phục vụ cho những hội viên muốn tìm hiểu nhiều hơn về xã hội thượng lưu. Phòng đọc có hơn 5.000 cuốn sách và tạp chí và luôn cập nhật các tờ báo và tạp chí mới nhất gửi sang từ Pháp. Thậm chí “Xẹc” ra hẳn một bán nguyệt san có tên Revue du Cercle chỉ để giới thiệu các hoạt động đang diễn ra tại CLB cho độc giả trên toàn TP.

Hồ bơi được xây dựng từ năm 1902 nhưng chỉ thực sự được xem là hiện tượng vào những năm 1930, khi được cải tạo lại rộng hơn với các không gian kiến trúc cột bao quanh để ngoài đơn thuần phục vụ thể thao còn trở thành một nơi diễn ra các sinh hoạt dạ tiệc xa hoa bên hồ bơi, một nếp sống mới của giới thượng lưu lúc đó. Những chương trình khiêu vũ mùa xuân tại đây cũng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và vé của chương trình được săn lùng không khác các liveshow của nghệ sĩ nổi tiếng bây giờ.

Theo sự tiến triển của xã hội và mức độ teo nhỏ dần của bộ đồ tắm, phụ nữ đã đến hồ bơi ở đây nhiều hơn và biến hồ bơi không chỉ là đường đua xanh mà còn là sàn diễn thời trang và mở ra cơ hội giao lưu với người khác phái.

Một số thành viên nổi tiếng

Định hướng từ đầu của CLB là “điểm tụ tập cho các tầng lớp tiêu biểu trong xã hội Sài Gòn”, để tự động thanh lọc những tầng lớp dưới, CLB có hội phí mỗi tháng rất cao, gấp ba lần lương một công chức bình thường.

Ngoài là nơi chơi thể thao, CLB còn là điểm ăn trưa, uống cà phê tụ tập bàn chuyện chính trị, làm ăn. Dù không mang tính chính trị đặc biệt như khách sạn Caravelle, nơi phát sinh những nhóm chính trị lớn, “Xẹc” vẫn là nơi để những gương mặt chính trị giao lưu thể thao và trao đổi trong lúc nghỉ. Thập niên 1960, Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge là một thành viên thường hay đến đây bơi lội. Tướng Nguyễn Cao Kỳ và một số sĩ quan cấp dưới cũng hay đánh tennis nhưng người đặc biệt nhất lại là tướng Dương Văn Minh. Trong Hồi ký không tên, dân biểu đối lập Lý Quý Chung kể lại: “Xẹc Tây có những quy định hết sức chặt chẽ đối với hội viên của mình, không dành cho bất cứ ai một ưu tiên hay ưu đãi nào, dù đó là bộ trưởng, tướng lĩnh hay một nhà tài phiệt nổi tiếng. Thế nhưng hội đồng quản trị CLB Xẹc đã phá vỡ thông lệ của mình khi dành riêng cho ông Minh sân số 4, nơi có mặt sân tốt nhất, mỗi tuần ba buổi sáng. Và cũng chỉ có sân số 4, khi ông Minh chơi, mới được đặt các ghế ngồi xuống sân”.

Trong các nhóm chơi ở đấy, như ông Lý Quý Chung đánh rất khá, cũng chỉ ở trong nhóm hạng Nhất. Còn trong nhóm Ngoại hạng là những cây vợt thuộc dạng “thứ dữ”, ví dụ như Ôn Văn Năng, là cha của tay vợt vô địch Ôn Tấn Lực nổi tiếng những năm 1990 hay Huỳnh Phú Quý, cha của tay vợt vô địch nữ Huỳnh Mai Huỳnh sau này…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Trường Giang (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN