Sống khổ sau “cơn lốc vàng”

Sự kiện: Kinh Doanh

Hàng chục ha đất sản xuất của người dân được một công ty mua với giá rẻ mạt để đào bới tìm vàng. Sau hơn một năm bị băm nát, mảnh đất màu mỡ trở thành bãi chiến trường đất đá chất đống, cỏ dại mọc um tùm. Không thể canh tác, tiền bán đất tiêu hết… nhiều gia đình rơi vào tình cảnh sống khổ trên mỏ vàng.

Tan hoang ​sau “bão vàng”

Mới đây thôi, dòng sông Pô Cô, đoạn chảy qua huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) nổi tiếng hiền hòa, đầy ắp tôm cá. Không chỉ vậy, hằng năm, dòng Pô Cô còn mang theo phù sa màu mỡ bồi đắp cho những cánh đồng, mang lại cho bà con khu vực thượng nguồn cuộc sống ấm no. Ấy vậy mà nay mọi thứ đã đổi thay.

Vùng đất trù phú một thời nay chỉ còn là hoài niệm trong ký ức của người dân bản địa. Bởi, sau khi bị “cơn lốc vàng” càn quét, sông Pô Cô bị “chặt khúc”, từng tấc đất bị xới tung để tìm vàng. Giờ đây, khu vực này là bãi chiến trường tan hoang, trơ trọi sỏi đá, cỏ dại mọc um tùm, người dân khốn khổ tìm kế sinh nhai.

Thôn Long Dôn (xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi) của một năm về trước là đại công trường khai thác vàng hoạt động nhộn nhịp, máy móc chạy ngày đêm, xe cộ ra vào tấp nập. Giờ đây, khu vực này trong tình trạng hoang vu, đất đá nằm ngổn ngang, chồng chất, cỏ dại mọc quá đầu người u ám như thuở hồng hoang.

Các vị cao niên thôn Long Dôn hồi tưởng, trước kia, đây là vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng cho dòng sông Pô Cô. Dòng sông này nổi tiếng với nguồn thủy sản phong phú, cung cấp thực phẩm, nguồn nước cho cư dân trong vùng. Bên cạnh đó, hằng năm, dòng Pô Cô mang theo trữ lượng lớn phù sa bồi đắp cho các cánh đồng lúa xanh tốt. Do vậy, nhà nào cũng thóc lúa đầy kho, cuộc sống ấm no, chan hòa.

Sống khổ sau “cơn lốc vàng” - 1

Những cánh đồng màu mỡ một thời của người dân tan hoang sỏi đá sau "cơn bão vàng".

Vào năm 2013, khu vực này được công ty Cổ phần Thép Đông Á thuê lại để phục vụ cho việc khai thác vàng. Khi thuê đất, công ty hứa khai thác xong sẽ hoàn thổ cho dân như ban đầu. Thế nhưng, 2 năm sau, khi trả lại đất, công ty có hoàn thổ nhưng mặt đất chi chít sỏi, đá không thể trồng cấy được cây gì. Người dân đành bỏ hoang cho cỏ dại. 

Thời gian qua, nhiều trận mưa trút xuống làm đất đai bị cuốn trôi, hình thành nhiều hố sâu gây nguy hiểm cho người dân, nhất là trẻ em mỗi khi có việc phải đi vào những khu vực này. Xuôi theo dòng chảy sông Pô Cô, đoạn qua xã Đắk Pét (huyện Đắk Glei), theo quan sát của chúng tôi, tình cảnh cũng chẳng khá hơn trên địa bàn xã Đắk Ang là bao. Dòng sông bị chặt đứt thành nhiều khúc, hai bên bờ bị khoét sâu. Ruộng, rẫy tại đây bị bỏ hoang, cỏ dại đua nhau, xâm lấn mọc cao quá đầu người. 

Sống khổ ​trên “vùng đất chết”

Trao đổi với chúng tôi, bà Y Tun (45 tuổi, ngụ thôn Peng Sang Peng, xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei) buồn bã cho biết: “Năm 2011, người của công ty TNHH Kim Sơn Thủy đến nhà tôi thuê khu ruộng với giá 50.000 đồng/m²/năm. Lúc nghe người của công ty nói sau khi khai thác xong sẽ hoàn thổ lại ruộng cho gia đình cày cấy như trước nên vợ chồng tôi mới đồng ý. Tuy nhiên, sau khi trả lại đất công ty có hoàn thổ nhưng chưa làm đến nơi đến chốn. Ruộng rẫy của gia đình mình giờ chỉ toàn cát sỏi, không khác gì một bãi chiến trường, không thể trồng lúa lại được nữa”.

Theo bà Y Tun, trước kia, mỗi năm cày cấy gia đình thu về hơn 2 tấn lúa, quanh năm không phải nghĩ đến cái ăn. Bây giờ, trồng kiểu gì hạt giống cũng không nảy mầm được nên gia đình bà đành phải bỏ hoang. Dù gia đình bà từng cố gắng khắc phục bằng cách xúc đất đồi đổ lên nền ruộng thế nhưng, do nền đất mỏng, không có khả năng giữ được nước nên chỉ trồng được cỏ voi cho bò ăn. Phần diện tích còn lại chưa được phủ đất, gia đình bà đành chấp nhận bỏ hoang suốt năm nay. Không còn ruộng, công việc bấp bênh, bây giờ gia đình bà Y Tun phải chạy ăn từng bữa. 

Sống khổ sau “cơn lốc vàng” - 2

Những khúc sông bị băm vằm nham nhở để phục vụ cho việc khai thác vàng.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông A Mốk, Trưởng thôn Peng Sang Peng (xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei) kể: “Mọi chuyện bắt nguồn từ việc UBND tỉnh Kon Tum cấp phép cho công ty TNHH Kim Sơn Thủy đầu tưvào địa phương đào bới khai thác vàng. Sau khi được cấp phép, họ ồ ạt đưa nhân công và máy móc vào “chặt khúc” các lòng sông, suối. Thậm chí, để thực hiện công tác tìm vàng, họ mua thêm hàng chục ha rẫy sản xuất của người dân”. 

“Trong thôn có khoảng 20ha đất trồng mì và lúa của dân được công ty mua với giá 20.000 đồng/m². Dù việc khai thác vàng của các doanh nghiệp đã chấm dứt nhiều năm nhưng hệ lụy để lại vô cùng lớn. Vì sau gần 1 năm xới đất làm vàng, công ty trả lại đất cho dân nhưng không tiến hành hoàn thổ như đã hứa. Toàn bộ số diện tích trên bị người dân bỏ hoang do đất toàn sỏi đá không thể trồng cấy được. Hiện tại, những người trót dại bán đất cho công ty nay rất hối hận bởi tiền đã tiêu hết và mảnh đất mưu sinh giờ cũng tan hoang”, ông A Mốk cho biết thêm.  

Trong khi đó, ông Kring Sa Tiểng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Pét cho biết thêm: “Trên địa bàn chỉ có công ty TNHH Kim Sơn Thủy được cấp phép khai thác vàng nhưng việc khai thác đã chấm dứt 5 năm nay. Điều đáng nói, công ty này chỉ hoàn thổ khoảng 80% diện tích, phần còn lại đến giờ vẫn chưa thấy hoàn thổ. Trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn, họ cũng không thực hiện đầy đủ cam kết của mình với địa phương về các nội dung như hỗ trợ tiền, sử dụng lao động địa phương”. 

Ông Tiểng cũng thông tin thêm: “Khi công ty TNHH Kim Sơn Thủy được cấp phép khai thác vàng, tình hình an ninh tại địa phương trở nên rất phức tạp. Không chỉ có dân địa phương mà cả người từ nơi khác cũng ồ ạt kéo về đây khai thác vàng trái phép. Đi kèm với đó là các tệ nạn mại dâm, ma túy gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân địa phương. Xã Đắk Pét rất tốn kém tiền bạc, thời gian đi truy quét vàng tặc. Từ năm 2013 đến nay, khi dự án dừng, dân làm vàng trái phép cũng ngưng. Bây giờ xã không muốn công ty nào được cấp phép khai thác vì nếu như thế, tình trạng trên sẽ tái diễn. Rồi những hộ có đất ở rìa suối có thể lại bán cho công ty để làm vàng, ảnh hưởng đời sống sau này”. 

Hệ lụy từ nạn khai thác vàng

Ông Trịnh Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) thừa nhận: “Trong quá khứ, có dự án khai thác vàng của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến môi trường, gây mất an ninh trật tự. Vì thế lãnh đạo huyện từng đề xuất UBND tỉnh Kon Tum xem xét đề nghị dừng các dự án khai thác vàng trên địa bàn, kể cả chưa hết thời hạn cũng cho nghỉ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Nam (Người đưa tin)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN