Kiếm hàng chục triệu dễ như chơi mỗi tháng chỉ nhờ đi vợt châu chấu về bán

Sự kiện: Kinh Doanh

Nghe qua thì cứ tưởng bắt châu chấu là nghề thu nhập thấp nhưng sự thực lại hoàn toàn ngược lại. Với nhu cầu thức ăn cho chim ngày càng tăng cao, những người làm nghề này đang hốt bạc với thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng.

Nghề hái ra tiền

Nói ít ai tin, tuy nhiên đây là sự thật. Anh Yên ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội là một trong những người "hốt bạc" điển hình nhờ nghề bắt châu chấu tươi và bỏ mối cho các cửa hàng bán mồi chim trên phố Tăng Bạt Hổ.

Mỗi ngày, anh Yên dành ra 3 tiếng (3h đến 6h sáng) để đi vợt châu chấu ở các bãi cỏ đã được anh “khảo sát” kỹ lưỡng từ chiều hôm trước.

Một cân châu chấu “đổ” cho các đại lý có giá 400.000 đồng, các túi nhỏ từ 20 - 30 con giá 10.000 đồng. Mỗi ngày anh Yên bán được 5kg châu chấu tươi và thu được 2 triệu đồng.

“Mỗi vụ “săn” chỉ kéo dài trong khoảng nửa năm, nhưng nếu tận dụng được thời gian “rảnh rỗi” thì đó có thể là nguồn thu nhập chính. Ai làm chăm chỉ, thì trời cũng chẳng phụ công”, anh Yên cho biết.

Kiếm hàng chục triệu dễ như chơi mỗi tháng chỉ nhờ đi vợt châu chấu về bán - 1

Châu chấu có giá khá đắt: 400.000đ/kg bán sỉ và 10.000đ cho 30 con bán lẻ

Để đáp ứng nhu cầu mua châu chấu ngày một lớn, nhiều gia đình nơi đây đã tận dụng nhân công lúc nông nhàn để đi bắt châu chấu. Tuy nhiên “Không phải ai vác vợt đi là cũng có thể bắt được châu chấu. Nếu có mẹo, chỉ cần quan sát cọng cỏ đầu bờ xuất hiện vết răng cắn nham nhở, không nguyên vẹn là biết ngay châu chấu có cả đàn.

Phải đợi tới khi trời tối, sương xuống nhiều, làm cánh châu chấu ngấm nặng nước, khó lòng mà bay được... lúc đấy tha hồ mà bắt”, ông Lộc, một gia đình có nhiều đời chuyên bắt châu chấu tại Cổ Loa, Đông Anh chia sẻ.

Thời gian đầu khi theo nghề này, ông chỉ nghĩ đây là “nghề tay trái” trong lúc nông nhàn. Nhưng tới nay nó đã trở thành nguồn thu nhập chính, nuôi sống cả gia đình ông.

Không chỉ ở Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác phong trào bắt châu chấu cũng nở rộ nhờ thu nhập "khủng".

Anh Nguyễn Cao Cường ở Hoàng Mai (Nghệ An) có thâm niên làm nghề bắt châu chấu đã 4 năm nay, cho biết: “Nghề bắt châu chấu ở Hoàng Mai có khoảng 6 năm nay. Cứ đến mùa là cả làng chúng tôi cùng đi bắt châu chấu. Châu chấu có giá thất thường, đầu mùa có thể lên đến 80.000 đồng/kg, còn trung bình giá thường từ 20.000 – 50.000 đồng/kg. Mỗi đêm, vợ chồng tôi thường bắt được khoảng 50 kg, trừ chi phí cũng bỏ túi được hơn 1 triệu đồng”.

Họ gom hàng để các tư thương mang bán các nhà hàng, quán nhậu cao cấp, các chủ kinh doanh chim cảnh hay bán lẻ cho những người nuôi chim ở ngoài Hà Nội.

Kiếm hàng chục triệu dễ như chơi mỗi tháng chỉ nhờ đi vợt châu chấu về bán - 2

Niềm vui với những người đi săn châu chấu vào dịp cao điểm. Ảnh: Duy Ngợi.

Nghề săn châu chấu của người dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng có từ 4-5 năm nay. Ban đầu, người săn bắt chỉ chạy xe máy dọc các cánh đồng và dùng vợt chao châu chấu. Nhưng cách làm đó khá tốn công, hiệu quả lại không cao. Khi giá thành châu chấu lên chóng mặt, người dân nơi đây đã nghĩ ra bộ đồ nghề là là một cuộn lưới dài 50-60m, những thanh tre nhỏ và cuộn dây dài cả trăm mét cột những đoạn bao bì đựng lúa cắt nhỏ.

Hằng ngày, họ làm từ sáng tinh mơ đến chiều xế bóng mới về. Có hôm gặp cánh đồng nhiều châu chấu, một đội 4-5 người có thể thu được vài tạ trong một buổi sáng. Đánh bắt được bao nhiêu, họ lại mang về bán lại cho những người chuyên thu mua để mang ra Hà Nội tiêu thụ. Trừ chi phí đi lại, ăn uống, vợ chồng anh Tảo mỗi người cũng kiếm được tiền triệu.

"Nghề ni tuy mệt nhưng nhanh về, nhanh có tiền. Vợ chồng tui đi được nên ngày mô ít cũng có bạc triệu", nhanh tay trút châu chấu vào bao, anh Hồ Văn Tảo, ở xóm 3, xã Quỳnh Thanh cho hay.

Thấy nghề này "hái ra tiền", không chỉ người dân ở xã Quỳnh Thanh mà cả người dân các xã khác cũng đua nhau sắm đồ nghề. Hiện giờ, trong xã có tới hàng trăm người theo nghề.

Kiếm tiền dễ nhưng vất vả

1h sáng, khi màn đêm đang bao phủ trên các cánh đồng thì những “thợ săn” bắt đầu chuẩn bị dụng cụ để hành nghề. Dụng cụ "săn" chấu khá đơn giản: những chiếc vợt tay có đường kính miệng rộng khoảng 60 cm, cán dài khoảng 1 m; hai chiếc vợt gắn hai bên hông xe máy hoặc những cuộn lưới dài 50 - 60 m...

Khoảng 2h sáng, khi những giọt sương nặng hạt làm châu chấu không bay được xa là lúc những "thợ ăn" đồng loạt ra quân bắt chấu. Lúc này, có thể người chồng lái xe máy còn người vợ thì ngồi sau cầm chắc hai tay hai vợt; chiếc xe máy chạy đến gây động, làm châu chấu dưới mạ bay lên rồi chui thẳng vào vợt. Chỉ khoảng 15 phút là có vài ký và cứ mươi phút các "thợ săn" dừng lại đổ chấu một lần.

Kiếm hàng chục triệu dễ như chơi mỗi tháng chỉ nhờ đi vợt châu chấu về bán - 3

Để vợt được chấu suốt mấy giờ đồng hồ không hề đơn giản vì phải có sức khỏe và phải quen tay.

Mặc dù có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày, nhưng nghề săn châu chấu cũng có thể gặp nhiều nguy hiểm. “Săn châu chấu thường vào những lúc rạng sáng nên trời tối mịt, rơm rạ lại phủ trên đồng nên mỗi khi chạy xe rất dễ xảy ra tai nạn nếu gặp đá hay ổ voi” – Chị Nguyễn Thị Hồng ở Hoàng Mai (Nghệ An) chia sẻ.

Do nhiều người săn bắt nên giá cả châu chấu ngày càng giảm sút. "Ngày trước, ít người săn bắt nên châu chấu được giá, nhưng giờ nhiều người làm nghề ni quá, chỉ còn 17.000-20.000 đồng một kg thôi. Chăm chỉ, chịu khó thì vẫn dễ kiếm tiền hơn khối nghề đó", anh Lê Văn Phương, 32 tuổi, ở xã Quỳnh Thanh (Nghệ An) nói.

Còn nông dân ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội lại có những nỗi niềm riêng. Trước đó, để diệt nạn châu chấu, người dân nơi đây hay ở bất cứ đồng quê nào khác đều phải sử dụng hóa chất phun khắp cánh đồng... Giờ thì khác, người “săn” châu chấu Cổ Loa chỉ ước gì cánh đồng nào cũng nhiều chấu như xưa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lily (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN