Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

Fitch, một trong ba công ty xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Theo đó, mức xếp hạng phát hành trái phiếu Chính phủ (IDR) bằng đồng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam được nâng lên một bậc từ mức “B+” thành “BB-”, triển vọng cũng được nâng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.

Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam - 1

Fitch sẽ nâng tín nhiệm nếu Việt Nam tăng minh bạch về nợ xấu ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước

Trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng từ mức “B+” lên mức “BB-” và chỉ số IDR bằng ngoại tệ ngắn hạn duy trì ở mức “B”.

Công ty này cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định. Tăng trưởng GDP tiếp tục duy trì ở mức khả quan trung bình khoảng 5,6% trong 3 năm so với mức trung bình 3,7% của hạng ‘BB’. Lạm phát tính đến tháng 10/2014 là 3,2%, giảm so với mức trung bình 6,6% năm 2013. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia khác.

Theo Fitch, từ ổn định kinh tế vĩ mô, cán cân thanh toán của Việt Nam từ mức thâm hụt 3,7% năm 2010 lên mức thặng dư được dự báo đạt khoảng 4,1% năm 2014. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) duy trì ổn định với mức trung bình 4,5% so với GDP giai đoạn 2011-2013 đã giúp tăng lượng tích lũy dự trữ ngoại hối. Nợ nước ngoài ròng chiếm 14% GDP, thấp hơn một chút so với mức trung bình khoảng 16% của các quốc gia xếp loại ‘BB’ khác.

Fitch nhận định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì ổn định và điều này sẽ là yếu tố tích cực đối với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Doanh nghiệp nhà nước và khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia.

Tuy vậy, công ty này đánh giá Việt Nam còn nhiều rủi ro về nợ. Thâm hụt tài khóa thường xuyên và bội chi sẽ khiến nợ Chính phủ tăng lên 44% GDP năm nay. Các chính sách tài khóa gần đây, như giảm thuế doanh nghiệp, có thể khiến vấn đề nợ thêm trầm trọng. Dù vậy, Việt Nam không chịu nhiều áp lực từ việc thanh toán nợ nước ngoài, do 94% khoản vay từ các quốc gia khác có bản chất là ưu đãi.

Fitch cho rằng vốn hóa các ngân hàng còn mỏng với tỷ lệ nợ xấu là 15% (trong khi Ngân hàng Nhà nước đánh giá là 9%). Theo Fitch, các ngân hàng còn thiếu hụt khoảng 10-32 tỷ USD.

Công ty này tuyên bố có thể nâng tín nhiệm cho Việt Nam nếu Chính phủ vẫn kiềm chế được thâm hụt tài khóa, từ đó cải thiện triển vọng nợ công; tăng minh bạch về nợ xấu ngân hàng và nợ doanh nghiệp nhà nước; đồng thời đẩy nhanh cải tổ hệ thống ngân hàng. Nếu Việt Nam thay đổi nhóm chính sách bình ổn vĩ mô hiện tại, xếp hạng có thể bị hạ bậc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN