Thương lái Trung Quốc ăn chực nằm chờ ở lò sấy, cau chưa kịp nguội đã “hốt sạch”

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

Trước những lò sấy cau, những xe cont xếp hàng dài, cứ lò nào ra mẻ cau sấy vừa kịp nguội đã được sàng lọc, đóng cont, chuyển đi Trung Quốc.

Giá mua cao chót vót nhưng vẫn không đủ hàng giao

Đến các lò sấy cau ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) thời gian này sẽ thấy không khí nhộn nhịp, “nóng bỏng” hơn bao giờ hết. Những lò sấy cau hoạt động hết công suất, rực lửa ngày đêm. Ngoài những người thợ hái cau chở cau đến cân, người nhặt cau, người sấy cau còn có những thương lái người Việt và khách hàng người Trung Quốc túc trực tại chỗ để kịp mua cau khô.

Xe cont chờ sẵn ở lò sấy, có bao nhiêu cau cũng "hốt" hết.

Xe cont chờ sẵn ở lò sấy, có bao nhiêu cau cũng "hốt" hết.

Từ Móng Cái (Quảng Ninh) về Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) để thu mua cau của các lò sấy, chị Nguyễn Thị Tấm, cho biết, chưa năm nào giá cau lại cao như hiện tại.

Năm nay, chị ký được những đơn hàng lớn với giá cao kỷ lục. Vừa mừng, vừa lo, bởi vì, mặc dù đã trả những mức giá kỷ lục tại các lò sấy cau nhưng sản lượng cau chị mua được vẫn còn thiều nhiều.

Gắn bó với nghề cũng hơn 20 năm, cả gia đình làm về cau tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, chị Tấm cho biết, chưa năm nào, giá cau lại cao, nhu cầu của phía Trung Quốc lại lớn như năm nay. Hiện tại, chị đang đặt hàng thu mua hết lượng hàng tại các lò nhưng vẫn không đủ để giao hàng hàng cho các công ty Trung Quốc.

Thương lái Trung Quốc đến các lò sấy cau, trực tiếp mua cau sấy.

Thương lái Trung Quốc đến các lò sấy cau, trực tiếp mua cau sấy.

Lượng cau nội địa không đủ, chị Đỗ Thị Nhung, chủ lò sấy cau tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên vừa phải đặt hàng cau Thái Lan, Indonesia, Malaysia... về sấy lại vừa đi các lò sấy cau khác để gom hàng cho thương lái.

Giá cau tươi nhập từ nước ngoài dao động từ 50-60 nghìn đồng/kg. Sau khi sấy, cau khô nước ngoài sẽ có giá 200 nghìn đồng/kg, cau tươi Việt Nam có giá 400 nghìn đồng/kg.

 “Hiện tại, tôi đã nhận đơn với hơn 100 tấn cau khô từ thương lái nên lò luôn trong tình trạng phải gom thêm ở các lò khác trên địa bàn. Giá cau cao, hàng cứ ra mẻ nào ra lò còn nóng hổi đã được đóng cont chuyển đi Trung Quốc bất kể đêm ngày”, chị Nhung nói.

Các lò sấy cau phải tuyển thêm nhiều nhân công lao động phục vụ với kịp hàng giao cho khách.

Các lò sấy cau phải tuyển thêm nhiều nhân công lao động phục vụ với kịp hàng giao cho khách.

Sinh năm 1984 nhưng có đến 20 năm gắn bó với nghề sấy cau, anh Nguyễn Văn Trung ở xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên cho biết, các đơn hàng dồn dập về lại cần giao gấp nên ngoài 2 thợ chính, anh phải thuê thêm khoảng 40 người lao động phục vụ cho việc sấy cau.

Theo đó, 1 cont cau tươi một mẻ sấy trong 7 ngày ngày được 7 tấn cau khô bán với giá hơn 140 triệu đồng/tấn nhưng hàng sấy đến đâu là bán hết đến đó.

Rộn ràng những xe cont chở cau

Theo thống kê, trên địa bàn xã Cao Nhân có tới gần 40 hộ mở lò sấy cau, mỗi năm nhập hơn 15 nghìn tấn cau từ nước ngoài, xuất sang Trung Quốc ước tính hơn 3 nghìn tấn cau khô chưa tính lượng cau nhập làm trong nước.

Cau sấy chưa kịp nguội đã được đóng mang đi xuất khẩu.

Cau sấy chưa kịp nguội đã được đóng mang đi xuất khẩu.

 Theo đó, các lò sấy cau trên địa bàn xã sẽ bắt đầu sấy tại địa phương từ tháng 7 đến cuối tháng 12 từ nguồn cau từ nước ngoài và các tỉnh thành phía Bắc. Còn từ tháng 3, người dân sẽ đến các vùng cau tại miền Trung để sấy lượng cau tươi vào mùa trong đó nhằm tận dụng giá cau thấp và giảm chi phí vận chuyển.

Năm nay, giá cau tươi cao kỷ lục. Những ngày này, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe cont chở cau tươi từ các nước Đông Nam Á về xã Cao Nhân (Thuỷ Nguyên), rồi lại hàng chục chuyến xe cont chở cau khô từ các lò sấy cau đi Trung Quốc rộn ràng thông ngày đêm.

Cau khô có giá cao chưa từng có từ trước đến nay.

Cau khô có giá cao chưa từng có từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Cao Nhân cho biết, trên địa bàn xã hiện có 40 xưởng chế biến cau khô xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hơn 1.000 lao động làm nghề cau với thu nhập bình quân khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài sản lượng cau hàng năm thu được trên địa bàn xã khoảng 415 tấn, giá trị ước đạt khoảng gần 30 tỷ đồng thì các lò sấy cau còn nhập khẩu cau tươi từ các nước lân cận với sản lượng trên 15.000 tấn. Các sản phẩm chính của làng nghề gồm cau sấy, xuất khẩu sang Trung Quốc với ước tính sản lượng hàng năm trên 3.083 tấn cau khô, giá trị ước đạt trên 770 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Với giá thu mua quả tươi lên tới 70-90 nghìn đồng/kg, nhiều chủ vườn thu về hàng trăm triệu đồng nhờ trồng cau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thương ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN