Xưởng độ xe khóc dở khi nhận yêu cầu tháo bỏ phụ kiện

Sự kiện: Tin ngắn

Các chủ gara sửa chữa, nâng cấp ô tô lo ngại hoạt động kinh doanh phụ tùng, linh kiện có thể đóng băng khi siết chặt đăng kiểm.

Khách ồ ạt đưa xe về “zin”, nhu cầu nâng cấp giảm mạnh

Những ngày gần đây, lượng khách hàng có nhu cầu tháo các phụ kiện nâng cấp, đưa xe về nguyên bản tăng đột biến tại một trung tâm chăm sóc ô tô ở Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Hà, giám đốc một trung tâm nội thất ô tô tại Hà Nội cho biết, kể từ khi những xe độ bị từ chối đăng kiểm, mỗi ngày gara tiếp từ 8-10 lượt khách cho xe về “zin”, trong khi trước đó gần như không có người làm dịch vụ này.

“Hầu hết khách hàng có nhu cầu tháo hoặc về nguyên bản với các bộ phận lắp bên ngoài xe như đèn, cản trước/sau, mặt ca-lăng, giá nóc, bệ bước… để có thể đi đăng kiểm. Cũng không ít người hỏi thuê linh kiện nguyên bản để về “zin”, song hiện tại gara chưa cung cấp dịch vụ này.

Với những xe không thay đổi quá nhiều kết cấu bên ngoài mà chỉ lắp đèn, cản, bệ bước “độ”, thời gian tháo, lắp khoảng từ 1-2 tiếng/xe”, ông Hà cho hay.

Nhiều chủ gara khác cũng chia sẻ lượng khách tới đưa xe về “zin” tăng mạnh sau khi việc đăng kiểm ô tô siết chặt so với thời gian trước. Trên các hội, nhóm mạng xã hội về ô tô, không hiếm những bài đăng tìm thuê đèn, la-zăng nguyên bản của xe để đi đăng kiểm. Một số gara cũng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ này.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Huy Hoàng, chủ một gara nâng cấp ô tô trên đường Dương Văn Bé (Hai Bà Trưng, Hà Nội), không phải bất cứ chiếc xe độ nào cũng dễ dàng về lại nguyên bản. Đơn cử như những xe nâng đời, nâng bodykit cần can thiệp, độ chế nhiều chi tiết ở thân vỏ. Hay một trường hợp khác là người dùng mua lại xe đã được chủ cũ độ, không còn linh kiện nguyên bản.

Nhu cầu nâng cấp, độ ô tô giảm mạnh sau khi nhiều xe bị từ chối đăng kiểm. Ảnh minh hoạ

Nhu cầu nâng cấp, độ ô tô giảm mạnh sau khi nhiều xe bị từ chối đăng kiểm. Ảnh minh hoạ

Trái ngược với nhu cầu về “zin”, lượng người nâng cấp, lắp thêm phụ kiện cho ô tô lại giảm đáng kể. Theo ông Nguyễn Văn Hà, mảng kinh doanh này của gara gần như đóng băng vì khách hàng đang nghe ngóng, chờ đợi thêm thông tin về tình hình đăng kiểm trong thời gian tới.

“Mảng kinh doanh phụ tùng, linh kiện và dịch vụ độ xe gặp rất nhiều khó khăn. Lý do bởi với việc siết chặt đăng kiểm như hiện nay, các khách hàng có nhu cầu sẽ dừng lại, kể cả những người chưa tới hạn đưa ô tô đi đăng kiểm trong quãng thời gian này. Chẳng ai muốn bỏ tiền ra để mua sự lo lắng, bức xúc, “ôm rơm rặm bụng” cả”, ông Hà nhận xét.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Huy Hoàng cho rằng việc siết đăng kiểm sẽ khiến những người kinh doanh dịch vụ sửa chữa và độ ô tô gặp khó trong thời gian tới, đặc biệt là các xưởng chuyên độ đèn, thân vỏ hay nâng đời xe. Hiện tại, xe nâng cấp về nội thất như màn hình, hệ thống âm thanh không gặp vướng mắc khi đăng kiểm, song chưa biết trong thời gian tới sẽ ra sao.

“Có những trường hợp đăng kiểm làm chặt quá. Ví dụ như thay đèn halogen bằng đèn LED để cải thiện khả năng chiếu sáng, theo tôi là nhu cầu chính đáng và giúp di chuyển an toàn hơn. Tất nhiên về mặt lắp đặt, cường độ sáng hay độ chụm, các gara phải đảm bảo đúng kỹ thuật”, anh Hoàng nói.

Cần có chính sách kiểm soát linh kiện, phụ tùng thay thế cho ô tô

Theo một cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, giữa linh kiện lắp sẵn theo xe và linh kiện thay thế có thể có một số sự khác biệt, tuy nhiên về lý thuyết, tất cả linh kiện, phụ tùng ô tô đều là hàng hoá và cần có sự quản lý, kiểm soát về mặt chất lượng. Trừ một số mặt hàng đặc thù, theo nguyên tắc chung, đa số sản phẩm sẽ được đánh giá sự phù hợp theo hai nội dung chính. Một là kiểm tra sản phẩm mẫu đăng ký. Hai là với các phần tiếp theo sẽ thông qua việc đánh giá hệ thống sản xuất và quản lý.

Trong khi đó, mảng linh kiện, phụ tùng thay thế cho ô tô ở Việt Nam hiện gần như đang bỏ ngỏ, chưa có cơ chế quản lý cụ thể. Lượng hàng hoá trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường vẫn còn rất nhiều.

“Ví dụ như với lốp theo xe, hiện tại chúng ta đã có chính sách quản lý, tuy nhiên lốp thay thế thì lại chưa. Về nguyên tắc, các loại phụ tùng thay thế như vậy cũng cần được quản lý tương tự như phụ tùng chính hãng lắp trên xe.

Để linh kiện, phụ tùng thay thế có thể lưu thông trên thị trường, các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định, có giấy chứng nhận chất lượng, nguồn gốc rõ ràng”, vị này cho hay.

Linh kiện, phụ tùng thay thế cho ô tô cần được quản lý chặt về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Ảnh minh hoạ

Linh kiện, phụ tùng thay thế cho ô tô cần được quản lý chặt về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Ảnh minh hoạ

Về vấn đề quản lý việc bảo dưỡng, sửa chữa và phụ tùng ô tô, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, cho biết, nhiều nước phát triển tiếp cận theo hướng có thể cho phép thay thế phụ tùng có thông số kỹ thuật tương đương trong khuyến cáo của nhà sản xuất chứ không nhất thiết phải là phụ tùng của chính hãng đó. Tuy nhiên có những vấn đề mà họ quản lý rất chặt chẽ.

Thứ nhất là quản lý chặt chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Bởi vì khi hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ và kiểm định chất lượng rõ ràng thì có nghĩa là được sản xuất, nhập khẩu theo những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể.

Thứ hai là quản lý chặt chất lượng công tác bảo dưỡng sửa chữa. Đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện, ngoài những điều kiện về con người, trang thiết bị thì còn có các quy trình bắt buộc. Chẳng hạn khi một thợ cơ khí hoặc chủ một gara tiến hành thực hiện các công việc bảo dưỡng sửa chữa, họ phải lưu trữ thông tin khách hàng và các dịch vụ đã làm, cũng như xuất hóa đơn. Cơ quan quản lý có thể kiểm tra hậu kiểm những thông tin này. Nếu có sai phạm, hình phạt cũng rất nặng.

“Cũng cần lưu ý việc thông số kỹ thuật tương đương rất quan trọng và tùy vào từng loại mà cơ quan đăng kiểm sẽ kiểm tra xử lý. Ví dụ với xe dùng vành nguyên bản 17 inch, cứ thay vành 17 inch tương đương là được. Nhưng nếu đèn nguyên bản có công suất 50 W và nhà sản xuất khuyến cáo tương đương thì loại thay cũng phải có công suất như vậy. Cường độ chiếu sáng 5000 K thì bóng thay cũng chỉ tương đương như vậy, thay một cái bóng có độ chiếu sáng gấp đôi là không được vì có thể gây chói mắt cho người lái xe khác”, ông Minh nói.

Những chủ gara sửa chữa, nâng cấp xe như ông Nguyễn Văn Hà hay anh Nguyễn Huy Hoàng cũng cho rằng việc có chính sách quản lý, kiểm soát chất lượng với các nguồn sản xuất, nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô là cần thiết. Điều này không chỉ có lợi cho người dùng mà với cả những xưởng sửa chữa - nơi trực tiếp phân phối, lắp đặt các sản phẩm này.

“Các gara lớn đều luôn cố gắng lựa chọn nguồn hàng chuẩn, đảm bảo chất lượng, song cũng chỉ dựa trên công bố từ phía nhà cung cấp. Về mặt giấy tờ chứng nhận sản phẩm đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể thì gần như không có.

Với việc siết chặt quản lý phụ tùng ô tô ngay từ nguồn, bản thân các nhà sản xuất, nhập khẩu loại mặt hàng này cũng phải chú trọng hơn về chất lượng, đồng thời san sẻ trách nhiệm với gara, xưởng sửa chữa trong trường hợp xe gặp sự cố, hỏng hóc sau khi thay thế linh kiện”, ông Hà nhận xét.

Nguồn: [Link nguồn]

Khởi tố tổng cộng 43 bị can liên quan đến các Trung tâm Đăng kiểm

Tính đến 17 giờ chiều nay 28-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố tổng cộng 43 bị can liên quan đến vi phạm tại các Trung tâm Đăng kiểm ở phía nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tứ Đức ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN