Vụ xả súng ở Paris: "Thà chết đứng, hơn sống quỳ"

Vị Tổng biên tập không vợ con, không xe hơi, không thẻ tín dụng này từng tuyên bố sẽ tiếp tục châm biếm những kẻ Hồi giáo cực đoan và không chịu khuất phục trước những lời đe dọa bạo lực. Ông đã bị bắn chết trong vụ thảm sát đẫm máu ở Paris tối qua. 

Nhiều năm sau khi thu hút sự chú ý của dư luận thế giới bằng cách đăng hình vẽ châm biếm Nhà tiên tri Muhammad, văn phòng của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, Pháp đã bị tấn công vào chiều tối ngày 7/1 khiến ít nhất 12 người thiệt mạng.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gọi thảm kịch này là “một vụ tấn công khủng bố” và cho biết nhiều vụ tấn công khác đã xảy ra trên khắp nước Pháp trong những tuần gần đây.

Vụ xả súng ở Paris: "Thà chết đứng, hơn sống quỳ" - 1
Hai nghi phạm thực hiện vụ xả súng đẫm máu trong tòa soạn tờ Charlie Hebdo

Chỉ vài phút trước khi vụ tấn công xảy ra, trên tài khoản Twitter của Charlie Hebdo còn đăng tải một bức biếm họa thể hiện thủ lĩnh nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đang đưa ra lời chúc mừng năm mới.

Một bức tranh biếm họa khác được đăng tải hồi đầu tuần mang tựa đề “Vẫn không có vụ tấn công nào ở Pháp”, trong đó một chiến binh IS nói: “Hẵng đợi, chúng ta vẫn còn đến cuối tháng Một để đưa ra lời chúc năm mới”.

Tờ Charlie Hebdo đã nhiều lần bị đe dọa vì đăng tải những bức biếm họa mô tả Nhà tiên tri Muhammad cùng nhiều hình ảnh gây tranh cãi khác. Trong thực tế, vụ tấn công khủng bố trên diễn ra trong khi tòa soạn này đang được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát trước những lời đe dọa.

Năm 2006, tạp chí này đăng lại hình ảnh biếm họa Nhà tiên tri Muhammad từng được một tờ báo Đan Mạch đăng vào năm 2005 và làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo, và hành động nhân danh “tự do báo chí” này của Charlie Hebdo cũng đã “gây bão” trong dư luận.

Vụ xả súng ở Paris: "Thà chết đứng, hơn sống quỳ" - 2

Charlie Hebdo thường xuyên đăng tải các hình ảnh châm biếm Nhà tiên tri Muhammad

Một cây bút biếm họa của tạp chí có bút danh là Tignous đã bảo vệ quan điểm của tòa soạn: “Đó chỉ là một bức họa, không phải là hành động khiêu khích”.

Thế nhưng nhiều người Hồi giáo lại không nghĩ vậy. Một đại diện cộng đồng Hồi giáo ở Paris tuyên bố: “Người ta đang muốn tạo rắc rối ở Pháp. Charlie Hebdo muốn làm tiền trên lưng người Hồi giáo”.

Tổng biên tập tạp chí Stephane Charbonnier, người được cảnh sát Pháp bảo vệ trong nhiều năm qua, tuyên bố: “Muhammad không phải là đấng thiêng liêng đối với tôi. Tôi không đổ lỗi cho người Hồi giáo vì không bật cười trước những bức biếm họa của chúng tôi. Tôi sống theo luật của nước Pháp, không phải theo luật Hồi giáo”.

Ông Charbonnier kiên quyết bác bỏ ý kiến cho rằng tạp chí này nên im lặng để tránh bị tấn công bạo lực bởi những kẻ cực đoan. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, ông giải thích: “Tôi không có cảm giác đang giết ai đó bằng ngòi bút. Tôi không đặt mạng sống của mọi người vào vòng nguy hiểm. Khi những kẻ cực đoan muốn tìm cớ cho hành động bạo lực của họ, họ luôn tìm thấy”.

Vụ xả súng ở Paris: "Thà chết đứng, hơn sống quỳ" - 3
Tổng biên tập tạp chí Stephane Charbonnier của tờ Charlie Hebdo

Ông khẳng định Charlie Hebdo sẽ tiếp tục mỉa mai Hồi giáo cho đến khi nó “trở nên bình thường như Công giáo”. Ông nói: “Tôi không có vợ con, không xe hơi, không thẻ tín dụng. Nghe thì có vẻ hoa mỹ, nhưng tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ”.

Các hình ảnh biếm họa đăng trên tạp chí này cho thấy mục tiêu mà Charlie Hebdo nhắm đến là những kẻ cực đoan chứ không phải Hồi giáo nói chung. Hồi tháng 10 năm ngoái, tạp chí thậm chí còn đăng hình ảnh Nhà tiên tri Muhammad bị một chiến binh Nhà nước Hồi giáo chuẩn bị chặt đầu.

Năm 2006, tạp chí này đăng hình ảnh Nhà tiên tri Muhammad khóc nức nở và tỏ ra thất vọng với những kẻ cuồng tín khi nói rằng “Thật khó khi được những thằng ngốc yêu mến”.

Năm 2008, tạp chí này đã bị các hiệp hội Hồi giáo kiện vì “công khai phỉ báng một nhóm người vì tôn giáo của họ”, và cáo buộc này chỉ được một tòa phúc thẩm bác bỏ.

Đến năm 2011, văn phòng của tạp chí đã bị ném bom xăng sau khi đăng tải hình ảnh Nhà tiên tri Muhammad trên trang bìa của mình, rất may là không ai bị thương trong vụ việc này.

Gần một năm sau, tạp chí này lại một lần nữa đăng hình ảnh của Nhà tiên tri Muhammad, làm dấy lên sự phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên chính phủ Pháp đã bảo vệ quyền được đăng tải các hình ảnh biếm họa của báo chí. Khi hình ảnh này được đăng tải, cảnh sát chống bạo động của Pháp đã phải túc trực bên ngoài trụ sở tòa soạn trong ngày 18/9/2012.

Ông Charbonnier là một trong số những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ngày 7/1. Các nguồn tin Pháp cho hay 2 kẻ tấn công đã xách theo súng AK, đi thẳng lên khu biên tập của tòa soạn, đưa ra danh sách mục tiêu, trong đó có ông Charbonnier, rồi lạnh lùng hạ sát họ bằng súng.

Vụ xả súng ở Paris: "Thà chết đứng, hơn sống quỳ" - 4
Hình ảnh thủ lĩnh IS Al Baghdadi cũng xuất hiện trên trang bìa của Charlie Hebdo

Điều này chứng tỏ rằng những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch tấn công vô cùng tỉ mỉ, chúng biết phải làm gì và cần hạ sát những mục tiêu nào.

Nhà hoạt động người Pháp Chantal Perrichon cho rằng hai kẻ tấn công trên đã “giết chết một tờ báo nổi tiếng”. Bà cũng kêu gọi mọi hãng tin, tờ bào, đài truyền hình trên khắp thế giới bày tỏ tình đoàn kết với tập thể nhân viên của Charlie Hebdo để họ vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Pháp (CPJ) đã gọi thảm kịch này là “một vụ tấn công vô liêm sỉ vào tự do ngôn luận ngay ở trái tim của châu Âu”, trong khi nhiều lãnh đạo các nước như Mỹ, Anh... cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với quyền tự do ngôn luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Xả súng kinh hoàng ở Paris Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN