Vụ Tiên Lãng: Phó CT huyện ra lệnh phá nhà
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng vừa có kết luận điều tra vụ án hủy hoại tài sản tại khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).
Bên cạnh đề nghị viện kiểm sát cùng cấp truy tố bốn bị can về tội hủy hoại tài sản, cơ quan điều tra (CQĐT) cũng xác định có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với ông Lê Văn Hiền, nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng.
Bốn bị can bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Văn Khanh - nguyên phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Phạm Xuân Hoa - nguyên trưởng Phòng TN&MT huyện, Phạm Đăng Hoan - nguyên bí thư Đảng ủy và Lê Thanh Liêm - nguyên chủ tịch UBND xã Vinh Quang.
Liên quan đến nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, CQĐT xác định: ngày 30/12/2011, ông Hiền đã ký quyết định số 4322 huy động hơn 100 cán bộ tham gia cưỡng chế. Ngày 5/1/2012, ông Hiền có mặt tại hiện trường vụ cưỡng chế nhưng không kiểm tra, phát hiện kịp thời và ngăn chặn việc phá dỡ nhà trông đầm của ban chỉ đạo cưỡng chế. CQĐT đang tiếp tục điều tra làm rõ và có kết luận xử lý trong thời gian tới.
Đối với ông Bùi Thế Nghĩa, bí thư Huyện ủy Tiên Lãng, và các thành viên trong ban chỉ đạo, CQĐT xác định: có thiếu sót trong việc kiểm tra thông báo của ban chỉ đạo cưỡng chế, không phát hiện kế hoạch tháo dỡ nhà trông đầm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng là người thi hành công vụ, không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội nên không khởi tố điều tra, đề nghị xử lý hành chính một số thành viên trong ban chỉ đạo.
Hội đồng thẩm định giá đo đạc diện tích ngôi nhà hai tầng bị phá hủy trên khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn để phục vụ điều tra
Ai chỉ đạo phá nhà?
Trong các lời khai của mình tại CQĐT, ông Nguyễn Văn Khanh đều khẳng định không chỉ đạo phá ngôi nhà hai tầng nằm ngoài diện tích cưỡng chế. Theo đó, ngày 28/11/2011 UBND huyện tổ chức cuộc họp do ông Lê Văn Hiền chủ trì về việc công bố quyết định thành lập ban chỉ đạo cưỡng chế, giao ông Khanh làm trưởng ban, tuy nhiên ông Khanh không có mặt trong cuộc họp.
Thông báo số 225 là do UBND huyện Tiên Lãng phác thảo nội dung. Thực hiện các quyết định của UBND huyện, ông Khanh đã sáu lần tham gia sửa chữa, bổ sung dự thảo trước khi ký ban hành. Nội dung của thông báo là phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ làm nhiệm vụ cưỡng chế, trong đó không chỉ đạo phân công phá ngôi nhà hai tầng nằm ngoài diện tích cưỡng chế.
Ngày 5/1/2012, trong khi thực hiện cưỡng chế xảy ra việc ông Vươn dùng vũ khí chống lại đoàn công tác nên ông Khanh ra lệnh tạm dừng cưỡng chế, tập kết lực lượng tại nhà của Tổng đội Thanh niên xung phong chờ quyết định. Tại đây, khoảng 14h cùng ngày, ông Bùi Thế Nghĩa và ông Lê Văn Hiền đã hội ý với nhau rồi nói với ông Khanh: “Nhân đà này ta phá luôn cái nhà hai tầng đấy đi và thu nốt cả 21ha (không có quyết định cưỡng chế - PV) bàn giao cho xã luôn”. Ông Hiền nói “phá bay đi” và ông Nghĩa ba lần xua tay nói “keng đi, keng đi, keng đi”.
Cũng theo lời khai của ông Khanh trong kết luận điều tra, sau khi ông Hiền và ông Nghĩa chỉ đạo phá ngôi nhà hai tầng, ông Khanh đã phản đối ý định này: “Tôi đã nói trực tiếp với ông Hiền ngôi nhà ông Quý không được phép phá dỡ vì không nằm trong khu vực cưỡng chế, nếu ông ra lệnh phá dỡ thì phải ra quyết định bằng văn bản”. Tuy nhiên ông Hiền nói: “Ông quá máy móc, làm sao phải bằng văn bản” - trích lời khai của ông Khanh trong kết luận điều tra.
Sau đó ông Khanh hội ý với một số thành viên ban chỉ đạo và không thực hiện ý kiến của ông Hiền về việc phá ngôi nhà hai tầng nằm ngoài diện tích cưỡng chế. Ông Khanh cũng khẳng định: 18h cùng ngày, trong cuộc họp tại trụ sở UBND xã, ông Hiền đã phê bình ông Khanh không thực hiện lệnh của bí thư, chủ tịch UBND huyện về việc phá bay ngôi nhà hai tầng và giao cho xã Vinh Quang thực hiện phá ngôi nhà này trong sáng 6/1.
Bà Nguyễn Thị Thương (trái, vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) dọn dẹp ngôi nhà bị phá hủy và tiếp tục cuộc sống trong ngôi nhà tạm tại khu đầm
Phá nhà trong diện tích không bị cưỡng chế
Trong kết luận điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hải Phòng nhận định những lời khai của ông Khanh đối lập với lời khai của các bị can khác và nhân chứng liên quan đến vụ án. Theo đó, CQĐT xác định ông Khanh trực tiếp ra lệnh phá dỡ đầm và năm lần gọi điện thoại cho Vũ Văn Kết (40 tuổi, Tiên Hưng, Tiên Lãng) thuê máy xúc phá dỡ nhà.
Ông Nghĩa, ông Hiền và 19 người trực tiếp tham gia tháo dỡ nhà đều khẳng định ông Hiền, ông Nghĩa không chỉ đạo phá nhà. CQĐT kết luận ông Nguyễn Văn Khanh trực tiếp chỉ đạo đo đạc cắm mốc giới khu vực cưỡng chế, biết rõ ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Đoàn Văn Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế nhưng vẫn ra lệnh phá dỡ. Do vậy, CQĐT xác định ông Khanh có hành vi tổ chức và thực hiện việc hủy hoại tài sản.
Theo CQĐT, ngày 51 đoàn cưỡng chế do ông Khanh và ông Phạm Xuân Hoa dẫn đầu lực lượng cưỡng chế chỉ đạo tổ tháo dỡ thực hiện các công việc phá nhà trông đầm và đốt lều ở giữa đầm trên khu vực 19,3ha đất bị thu hồi. Khoảng 15h30, khi tổ kê biên đang kiểm kê tài sản tại ngôi nhà hai tầng của ông Đoàn Văn Quý (nằm ngoài diện tích cưỡng chế) thì ông Khanh đã ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế tháo dỡ ngôi nhà này. Tổ tháo dỡ đã dùng búa sắt, xà beng... đập tường công trình liền kề nhà ông Quý. Tiếp đó, ông Khanh bảo ông Phạm Đăng Hoan gọi thuê máy xúc để phá dỡ nhà hai tầng.
Ông Hoan đã gọi điện cho Vũ Văn Kết để thuê máy xúc. Sau đó ông Kết đến khu đầm gặp lực lượng cưỡng chế. Tại đây ông Khanh nhờ ông Kết gọi máy xúc để ban chỉ đạo cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Chiều tối cùng ngày, ông Khanh giao cho ông Hoan và ông Lê Thanh Liêm sáng 6/1 đưa máy xúc đến phá nốt ngôi nhà hai tầng không nằm trong diện tích cưỡng chế.