Vụ ông lão đạp xích lô đột tử để lại gia sản không người nhận: Xử lý sao?

Sự kiện: Tin nóng

Không thể vội vàng xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản chưa có người thừa kế của ông lão đạp xích lô đã mất.

Ông Nguyễn Mai (sinh năm 1936) là người đạp xích lô, sống một mình ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) đột tử vào năm 2013. Sau khi phát hiện ông Mai đột tử, địa phương đứng ra lo thủ tục ma chay cho ông và chôn cất dưới một ngôi mộ tạm. Đến năm 2019, một dịch vụ mai táng đã ứng trước kinh phí hơn 8 triệu để xây cất lại ngôi mộ cho ông Mai.

Bảy năm trôi qua, địa phương vẫn chưa biết giải quyết sao với khối tài sản là ngôi nhà, sổ tiết kiệm, nhiều nhẫn vàng và tiền mặt của ông để lại do không có người thừa kế, không có người chiếm hữu.

Bản kê tài sản mà ông Mai để lại

Bản kê tài sản mà ông Mai để lại

Tháng 3-2020, UBND TP Phan Thiết mới có văn bản gửi UBND phường Đức Long, yêu cầu căn cứ quy định tại Điều 11, Nghị định số 29 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện việc xác lập sở hữu toàn dân đối với di sản không người thừa kế để xác lập sở hữu tài sản của ông Mai.

Ngôi nhà ông Mai vẫn đang được niêm phong

Ngôi nhà ông Mai vẫn đang được niêm phong

Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Bình Thuận cần phải thực hiện thận trọng và đúng thủ tục luật định.

Tại Điều 622 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trường hợp không có người thừa kế theo di chúc theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

Theo điều luật này thì việc xác lập sở hữu nhà nước trong trường hợp không có người thừa kế tài sản chỉ là quy định chung, nên không thể xử lý vội vàng. Việc xác lập sở hữu nhà nước trong trường hợp này phải thận trọng, khách quan, phải thực hiện đúng trình luật định vì có liên quan đến quyền sở hữu, quyền hưởng di sản thừa kế của công dân.

Ngày 5-3-2018, Chính phủ đã banh hành Nghị định số 29, quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Công văn của UBND phường Đức Long xin ý kiến giải quyết tài sản để lại của ông Mai

Công văn của UBND phường Đức Long xin ý kiến giải quyết tài sản để lại của ông Mai

Theo đó, tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có người thừa kế nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có người chiếm hữu theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi là di sản không người thừa kế) sẽ được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Về thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản bất động sản không có người thừa kế.

Trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với di sản không có người thừa kế được quy định tại điều 11 Nghị định này.

Ông Mai khi còn sống không quen biết ai ở Bình Thuận

Ông Mai khi còn sống không quen biết ai ở Bình Thuận

Tuy nhiên, tôi cho rằng trường hợp này chưa đủ điều kiện để xác lập sở hữu nhà nước. Bởi lẽ, cho đến nay mặc dù không có người chiếm hữu tài sản của ông Mai, chưa có người thừa kế theo pháp luật yêu cầu khai nhận di sản, nhưng vẫn chưa hết thời hiệu chia di sản thừa kế. Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu chia di sản thừa kế đến 30 năm.

Đặt giả thuyết nếu bây giờ xác lập sở hữu toàn dân tài sản do ông Mai để lại vì chưa tìm được người thừa kế, nhưng 10 năm sau, cháu ruột ông Mai từ nước ngoài về chứng minh được mình là người được hưởng thừa kế theo luật định thì việc giải quyết sẽ phức tạp. Do vậy, trường hợp này nhà nước nên tạm quản lý tài sản chưa có người thừa kế.  

Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân chỉ được tiến hành khi đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế. Mặc khác, thẩm quyền ban hành quyết định sở hữu toàn dân đối với tài sản không có người thừa kế không thuộc Chủ tịch UBND TP Phan Thiết mà thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh đó, cũng nên biết Luật Công chứng năm 2014  không có quy định Tổ chức hành nghề Công chứng có nghĩa vụ lập hồ sơ để trình cơ quan chức năng xác lập sở hữu nhà nước đối với tài sản không có người thừa kế. 

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, Đoàn Luật Sư TP HCM):

Đến năm 2023 mới có thể định đoạt

Chiếu theo quy định của pháp luật, thì thời điểm này chưa thể thực hiện việc xác lập tài sản của ông Nguyễn Mai để lại. Vì căn cứ Điều 622 Bộ Luật dân sự về tài sản không có người nhận thừa kế thì trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện điều 622 này phải đảm bảo đúng quy định về thời hiệu thừa kế được quy định tại khoản 2 Điều 623 của Bộ Luật dân sự. Cụ thể, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Có nghĩa là tính từ thời điểm UBND Phường Đức Long, TP Phan Thiết niêm yết thông báo công khai để tìm người thừa kế của ông Nguyễn Mai phải đến năm 2023, nếu không có ai yêu cầu xác nhận quyền thừa kế, thì mới thực hiện theo Điều 622 nêu trên.

Ngoài ra, khi đã hết thời hiệu 10 năm thì căn cứ theo quy định của Nghị 29/2018/NĐ-CP, thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về đối với diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận cho ông Nguyễn Mai do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận hoặc người có thẩm quyền được HĐND cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với bất động sản không có người thừa kế.

Cũng theo Điều 7 của NĐ 29/2018, đối với số tiền, đồng hồ và vàng của ông Nguyễn Mai để lại, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản di sản không người thừa kế không thuộc phạm vi quy định tại điểm a Khoản 6 Điều này.

Sau khi xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản của ông Nguyễn Mai để lại thì tùy tình hình thực tế ở địa phương, ý chỉ, nguyện vọng của cử tri, HĐND cùng cấp sẽ quyết định đầu tư vào hạng mục nào là thích hợp.

Cũng nói thêm rằng, đối với đơn vị dịch vụ mai táng, vào năm 2019 đã đứng ra chi 8 triệu đồng để lo mộ phần cho ông Nguyễn Mai, họ có thể nộp đơn yêu cầu đến UBND Phường Đức Long (TP Phan Thiết) để yêu cầu đơn vị đang giữ di sản thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại theo quy định tại khoản 3 Điều 623 Bộ luật Dân sự.

Khi kết thúc thời hiệu xác nhận thừa kế, thì đơn vị đang quản lý tài sản phải thực hiện việc thanh toán này, sau đó mới xác lập sở hữu toàn dân với phần tài sản còn lại.

Ph.Dũng ghi

Nguồn: [Link nguồn]

Ông lão đạp xích lô đột tử, để lại gia sản lớn không người nhận

Sau 7 năm ông lão đạp xích lô ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) đột tử, địa phương vẫn chưa biết giải quyết sao với khối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Khánh Hòa) ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN