Bí ẩn tộc người vào rừng trốn Cô-vít: Bản năng sinh tồn

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Nằm trong nhóm dân tộc Chứt ở Quảng Bình, tộc người Mày cũng từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bao đời sống nơi thâm sơn cùng cốc, như người Rục, Mã Liềng, A Rem… người Mày tin vào sự che chở của thần rừng, thần núi… Khi có biến cố trong cuộc sống họ lại chạy vào rừng như một bản năng sinh tồn.

Một chiếc lán tạm của người Mày trong rừng sâu

Một chiếc lán tạm của người Mày trong rừng sâu

Tranh cãi chuyện vào rừng trốn Cô - vít

Câu chuyện một số hộ dân người Mày rời bản chạy vào rừng trốn đại dịch khiến báo chí tốn không ít giấy mực bởi hai luồng thông tin trái ngược nhau. Xã Trọng Hóa nói có, còn huyện Minh Hóa bảo không và làm hẳn một báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Người Mày vào rừng làm rẫy.

Biên bản do đoàn kiểm tra của xã Trọng Hóa lập lúc 13 giờ ngày 7/4/2020 viết: “Sau khi tiếp nhận thông tin có một số hộ dân bản Lòm vào rừng trốn dịch COVID-19, đoàn công tác đã tổ chức rà soát tận từng nhà, nắm lại thông tin thực tế và thống nhất các nội dung: Tại thời điểm xác minh, bản Lòm có 82 hộ, 426 khẩu, trong đó 15 hộ với 51 khẩu hiện đang đi phát rẫy tại các khu vực đất sản xuất cách bản từ 15-30 phút đi bộ. 20 khẩu thuộc 9 hộ tại xóm Ka Chăm đang ở trên đầu nguồn khe Pờ Re vì sợ COVID-19… Nguyên nhân bà con vào rừng trốn là do khi xem các bản tin trên tivi thấy có chiều cảnh về dịch ở các nước châu Âu, Mỹ nên sợ. Một số bà con vào mùa rẫy đi vào các khu vực đất sản xuất cách xa bản, tạo nên tâm lý lo lắng nên đã tự phát đi vào rừng”.

Trong lúc đó, bản báo cáo của UBND huyện Minh Hóa gửi UBND tỉnh Quảng Bình sau biên bản của xã Trọng Hóa 2 ngày lại cho rằng: Các hộ nói trên vào rừng làm rẫy. Do trong thời gian nghỉ học vì COVID-19 nên các hộ cho con cái đi cùng. Không có chuyện vì sợ dịch mà một số hộ dân người Mày chạy vào rừng trốn.

Vì sao lại có hai văn bản trái ngược nhau giữa xã và huyện về sự kiện người Mày vào rừng? Một cán bộ xã Trọng Hóa tiết lộ: Một số cán bộ ở huyện sợ bị phê bình vì công tác tuyên truyền kém, để dân hoang mang trước dịch bệnh nên cố tình nói ngược với thực tế. Cách đây hơn chục năm, huyện Minh Hóa cũng đã có lần phản ứng gay gắt khi báo chí đưa tin đồng bào Rục, ở xã Thượng Hóa bị đói vì bị nước lũ vây gần 1 tháng.

Việc bỏ bản chạy vào rừng khi có biến cố trong cuộc sống là thói quen của không ít đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình. Như người Rục, người A Rem đã năm lần bảy lượt trở lại hang đá sinh sống khi làng bản bị đói hay có dịch bệnh. Mới đây nhất, trong trận bão lớn cuối tháng 9/2017, một số người A Rem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch đã bỏ chạy vào hang đá. Nhận được thông tin, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã trực tiếp lên thăm và động viên bà con trở về bản.

Một trẻ em người Mày theo cha mẹ vào rừng, đang chơi dưới lòng suối Bản năng sinh tồn

Một trẻ em người Mày theo cha mẹ vào rừng, đang chơi dưới lòng suối Bản năng sinh tồn

Người Mày vốn có cuộc sống chôn nhau cắt rốn ở Tà Vờng, Tà Dong, đó là nơi đầu nguồn của giọt nước Hong Uông Trì Huồi, một trong những dòng suối đầu tiên khởi phát để tạo ra dòng Linh Giang lịch sử. Người Mày là tộc người địa phương chỉ có mặt tại Quảng Bình. Tục ở cổ xưa của người Mày, vốn chọn những quả đồi cao, đầu nguồn khe suối giáp Lào để lập bản, dựng nhà. Nơi đó, họ đủ sức quan sát tứ bề để phòng thủ và tấn công giặc dã và thú dữ.

Một thời vùng Tà Vờng, Tà Dong bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng của người Mày, chính quyền Quảng Bình đã giao bộ đội Biên phòng tìm nơi ở mới cho họ. Mặc dù đã định cư tại nơi ở mới hơn chục năm nay, nhưng sâu trong tâm khảm của người Mày, vùng Tà Vờng, Tà Dong vẫn là chốn linh thiêng; núi rừng sâu thẳm, nơi có thần Cu Lôông ngự trị có thể che chở họ trước những biến cố của cuộc sống.

Đến với tộc người Mày, hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của họ thì việc cắt nghĩa việc “chạy vào rừng” cũng không mấy khó khăn. Người Mày vốn tin vào thần Cu Lôông, vào rừng sẽ được gần hơn với vị thần mà họ tôn thờ, cảm giác an toàn vì được che chở. Một nguyên nhân khác thúc đẩy người Mày rời bản vì ám ảnh cảnh chết chóc do dịch bệnh ở các nước Âu, Mỹ…

Một cán bộ xã Trọng Hóa lí giải: Người Mày vốn rất sợ ma, chỉ cần một người trong bản qua đời đã làm họ rúm ró vì sợ. Nay thấy trên ti vi chiếu cảnh người chết tràn ngập ở các nước, họ sợ cảnh tang thương này sẽ đến bản nên kéo nhau vào rừng với một đức tin nhờ thần linh che chở.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho rằng việc người Mày chạy vào rừng trốn dịch COVID-19 là rất bình thường, là bản năng sinh tồn của họ. Ngay cả người Kinh ở các đô thị văn minh còn đưa con về quê, dịch chuyển lên chốn thâm sơn, rồng rắn xếp hàng mua hàng hóa, xăng dầu tích trữ, trong lúc Chính phủ khẳng định sẽ không để khan hiếm hàng hóa thiết yếu trong dịch bệnh. “Thực tế cho thấy, bao nhiêu người cố rời thành phố trước lệnh phong tỏa là gì?” - ông Lâm đặt câu hỏi và tự trả lời: “Đó cũng là bản năng sinh tồn của con người trỗi dậy mà thôi”.

Người đàn ông Mày đang nhổ lông một con chim vừa bắt được   

Người đàn ông Mày đang nhổ lông một con chim vừa bắt được   

Ông Lâm lí giải: “Người Kinh mình nghe nói vào rừng sinh sống là sợ hãi, nhưng với người Mày thì núi rừng là quê hương bản quán, là không gian sinh tồn của họ. Người Mày tay không nhưng với kỹ năng sinh tồn trời phú họ có thể sống sót trong rừng sâu, núi thẳm cả tháng nhờ vào những sản vật của núi rừng. Đó là sức đề kháng trước mọi biến cố của các tộc người bản địa mà người ngoài khó có thể hiểu hoặc học theo”.

Theo ông Lâm, việc để dân vào rừng sinh sống trở lại bản năng nguyên thủy, nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền là không tốt, đặc biệt trẻ nhỏ. Ông đã chỉ đạo các cấp chính quyền cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân hiểu rõ về dịch bệnh nhằm biết cách phòng, tránh. Đặc biệt, phải nói cho dân rõ, Việt Nam đang phòng chống dịch rất tốt, thế giới đang phải học hỏi, trong đó Quảng Bình chưa có ca nhiễm nào…

Đến với tộc người Mày, hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của họ thì việc cắt nghĩa việc “chạy vào rừng” cũng không mấy khó khăn. Người Mày vốn tin vào thần Cu Lôông, vào rừng sẽ được gần hơn với vị thần mà họ tôn thờ, cảm giác an toàn vì được che chở.

Nguồn: [Link nguồn]

Bí ẩn tộc người vào rừng trốn Cô-vít: Đệ nhất sợ ma

Mặc dù là “người anh cả”, mang thiên mệnh chiến binh, bảo vệ bờ cõi cho những tộc người anh em khác, giặc dã, thú...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN