Vụ MH370: Bắt đầu cuộc đua dưới lòng đại dương

Thiết bị dò hộp đen của hải quân Mỹ liệu có giải được bí ẩn mang tên MH370?

Ngày 4/4, hai tàu hải quân của Úc và Anh bắt đầu cuộc chạy đua tìm kiếm dưới lòng đại dương để dò tìm hộp đen của chiếc máy bay mất tích MH370 trong bối cảnh lực lượng trên không và trên mặt biển không phát hiện bất cứ mảnh vỡ nào có liên quan sau gần 4 tuần miệt mài tìm kiếm.

Ông Angus Houston, chỉ huy Trung tâm Điều phối Lực lượng Chung (JACC) cho biết tàu Ocean Shield của hải quân Úc và tàu HMS Echo của Anh được trang bị thiết bị dò tín hiệu hộp đen của Mỹ đã bắt đầu cày xới trên một khu vực rộng khoảng 240 km.

Tàu Echo của hải quân Anh được trang bị một loạt cảm biến siêu nhạy và các thiết bị thủy âm bên mạn chuyên dùng để khảo sát đáy biển.

Vụ MH370: Bắt đầu cuộc đua dưới lòng đại dương - 1

Tàu chiến HMS Echo của Anh tham gia dò tìm hộp đen MH370

Hộp đen của máy bay MH370 có một thiết bị liên tục phát tín hiệu “ping” để các thiết bị dò tìm có thể xác định được vị trí của nó. Tuy nhiên pin bên trong hộp đen chỉ đủ để thiết bị này phát tín hiệu trong khoảng 30 ngày, và sau đó tín hiệu sẽ yếu dần rồi tắt hẳn sau 15 ngày nữa.

Theo quy định, tất cả các máy bay dân dụng đều phải có hộp đen và bộ phát tín hiệu “ping” này để đề phòng trường hợp máy bay gặp nạn. Cứ một giây hộp đen sẽ phát ra một tín hiệu ping dưới dạng âm thanh. Âm thanh này ở dưới ngưỡng nghe của con người, tuy nhiên thiết bị định vị hộp đen của Mỹ có thể dò được tín hiệu đó từ khoảng cách 2 hải lý.

Tuy nhiên, thiết bị định vị hộp đen này được kéo theo phía sau tàu mẹ với vận tốc chậm “đến mức đau đớn”, chỉ ở khoảng 5 km/h, do vậy sẽ phải mất nhiều ngày mới có thể quét hết khu vực rộng khoảng 240 km.

Vụ MH370: Bắt đầu cuộc đua dưới lòng đại dương - 2

Tàu dò tìm chỉ có thể di chuyển với vận tốc 5 km/h

Chỉ còn vài ngày nữa là hộp đen của MH370 hết pin, và lực lượng tìm kiếm trong lòng đại dương đang thực sự bắt đầu một cuộc đua với thời gian để lần tìm manh mối của thiết bị chứa đựng những thông tin tối quan trọng có thể làm sáng tỏ bí ẩn của chiếc máy bay này.

Hiện có tổng cộng 10 máy bay quân sự, 4 máy bay dân sự và 9 tàu đang tham gia tìm kiếm MH370 trong một khu vực có diện tích khoảng 217.000 km vuông trên vùng biển nam Ấn Độ Dương, tuy nhiên họ vẫn chưa phát hiện được mảnh vỡ nào của chiếc máy bay.

Trước đó hãng Boeing cũng đã gửi cho lực lượng tìm kiếm danh sách những vật thể trong máy bay có thể nổi trên mặt nước, chẳng hạn như ghế ngồi, nắp khoang chứa càng hạ cánh, một phần đuôi máy bay, các thiết bị điều khiển bằng nhựa...

Ông Houston cho hay tàu HMAS Perth của hải quân Úc cũng vừa được giao nhiệm vụ tới tham gia tìm kiếm MH370 và sẽ đến khu vực tìm kiếm trong 4 ngày tới. Ngoài ra, tàu khu trục Lekiu của Malaysia cũng đã rời căn cứ Stirling ở Perth để tham gia tìm kiếm chiếc Boeing 777.

Vụ MH370: Bắt đầu cuộc đua dưới lòng đại dương - 3

Tàu Ocean Shield của Úc bắt đầu thả thiết bị dò tìm hộp đen xuống biển

Hôm nay, Úc cũng đã chấp nhận đề nghị của phía Malaysia tham gia với tư cách là thành viên chính thức trong cuộc điều tra nguyên nhân khiến MH370 mất tích một cách bí ẩn. Các thành viên chính thức khác trong cuộc điều tra này gồm có Malaysia, Mỹ, Anh và Trung Quốc.

Hiện Úc và Malaysia đang phác thảo một thỏa thuận toàn diện liên quan đến vai trò của Úc trong chiến dịch tìm kiếm và điều tra, chẳng hạn như việc xử lý các nạn nhân, việc trục vớt xác máy bay và việc lấy dữ liệu từ hộp đen của máy bay.

Theo Công ước Chicago, Malaysia là nước chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra nguyên nhân MH370 gặp nạn.

Hiện Úc đã cử 4 điều tra viên cấp cao tới Kuala Lumpur để phối hợp điều tra và đảm bảo rằng các thông tin liên quan đều đã được xem xét, đồng thời nước này sẽ tiếp tục vạch ra các chiến lược tìm kiếm trong thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo CNN, GlobalPost) ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia MH370 mất tích bí ẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN