Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở TPHCM: Có đồng phạm?
Căn cứ vào lời khai đầy nghi vấn của thủ phạm bắt cóc, cơ quan điều tra nhận định, rất có thể có đồng phạm trong vụ bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương trong đêm 17/3.
Ngày 19/3, đại tá Lê Phước Trường – Trưởng công an quận 5, TP.HCM xác nhận, đang tạm giữ hình sự Huỳnh Thị Ngọc Thủy (SN 1977, ngụ quận 3, tạm trú huyện Nhà Bè) để điều tra về hành vi chiếm đoạt trẻ em.
Theo điều tra bước đầu, Thủy sống chung như vợ chồng với Nguyễn Văn Nghĩa Em (SN 1958, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM). Đến năm 2013, Thủy phát hiện mình có thai, nhưng sau đó bị hư.
Để giấu giếm gia đình và níu kéo hạnh phúc với người “chồng hờ”, Thủy lên kế hoạch bắt cóc trẻ sơ sinh khác để thay vào. Đến đêm 17/3, lợi dụng sản phụ N.T.P.T (SN 1984, quê tỉnh Trà Vinh) bị thiểu năng trí tuệ không có khả năng tự về, Thủy giả vờ xin bế cháu bé rồi tẩu thoát khỏi bệnh viện.
Cháu bé được thủ phạm trả lại cho sản phụ N.T.P.T tại Bệnh viện Hùng Vương
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an quận 5 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc điều tra, truy bắt thủ phạm. Sau khi nhận diện sơ bộ về kẻ bắt cóc, Công an quận 5 phát đi thông báo cho tất cả công an 23 quận huyện và phòng điều tra nghiệp vụ Công an TP.HCM vào cuộc.
So sánh đây là vụ án giống với kịch bản vụ bắt cóc xảy ra tại Bệnh viện quận 7 vào tháng 1/2014 vừa qua. Cơ quan công an mời họa sĩ đến vẻ chân dung “mẹ mìn” nhằm triển khai truy bắt, sớm giải cứu cháu bé trả lại cho gia đình bị hại. Khi họa sĩ vừa kịp phác họa chân dung thủ phạm thì Thủy và Em mang cháu bé đến Khoa Hậu sản Bệnh viện Hùng Vương trả lại cho gia đình sản phụ T.
Đối mặt với cơ quan điều tra, Thủy khai nhận, sau khi bắt cóc cháu bé rời khỏi bệnh viện, Thủy đưa cháu về nhà và nói dối là con của mình. Đến ngày 19/3, thấy báo chí đưa tin về vụ bắt cóc chấn động, đặc biệt mô tổ khả chi tiết về đặc điểm nhận dạng thủ phạm, Thủy hoảng sợ cùng Em đưa cháu bé đến bệnh viện trả lại rồi đến công an trình diện.
Sản phụ N.T.P.T thẫn thờ trong ngày đứa con bị bắt cóc
Theo đại tá Trường, đối chiếu những lời khai của nghi can Thủy, khả năng vụ án có đồng phạm (!?). Ngoài ra, lời khai của Thủy còn nhiều nghi vấn cần phải xác minh xem là Thủy thực hiện toan tính vì mục đích cá nhân hay vì băng nhóm tội phạm có tổ chức. Cũng không loại trừ khả năng, Thủy là mắt xích quan trong trong đường dây buôn bán trẻ sơ sinh gây chấn động Sài Gòn mà Công an TP.HCM mới khám phá.
Đại tá Trường xác nhận, ngoài tạm giữ hình sự nghi can Thủy để phục vụ quá trình điều tra, Công an quận 5 còn đưa vào tầm ngắm một số đối tượng tình nghi liên quan đến đường dây buôn bán trẻ em ở Tp. HCM.
An ninh bệnh viện có vấn đề? Nói về các vụ bắt cóc trẻ sơ sinh, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế nhận xét các vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn trong các cơ sở y tế và xã hội. Theo lãnh đạo Cục Khám chữa bệnh, việc quản lý trẻ sơ sinh hiện nay chưa được quan tâm đặc biệt. Quy trình nhập – xuất viện cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ông nói: “Điều này dẫn đến không phải người nhà, không có giấy tờ vẫn có thể đưa trẻ ra khỏi bệnh viện”. Ông Khuê cũng nhấn mạnh, nguyên nhân các vụ bắt cóc trẻ em có lỗ hổng trong khâu bảo vệ, an ninh trật tự. Nguyên nhân đã được chỉ rõ tuy nhiên biện pháp khắc phục đều mới đang ở mức độ manh mún, mạnh ai người nấy làm mà chưa có lộ trình, phương hướng cụ thể, đồng bộ nhằm giải quyết triệt để tình trạng trên. Lãnh đạo Cục cũng cho rằng, thực trạng an ninh trật tự tại các cơ sở y tế đã ở mức báo động. “Nếu không có lộ trình, hành lang thể chế để có được sự phối hợp kịp thời, nhuần nhuyễn giữa các ban ngành chức năng, việc mất trật tự an ninh tại các cơ sở y tế sẽ còn diễn biến phức tạp thêm, tới mức mất kiểm soát”. Sau những sự việc này, Bộ Y tế sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các quy định, xử lý nghiêm, thích đáng các vi phạm của nhân viên y tế. Chuyên nghiệp hóa lực lượng bảo vệ bệnh viện, tăng cường giáo dục, hướng dẫn quy tắc ứng xử, phục vụ người bệnh, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. |