Vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC: Đã có bước tiến mới và nằm trong kế hoạch

Trả lời câu hỏi liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án Công ty AIC, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết đây là vấn đề quyết tâm rất cao, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chiều 16-8, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: Thắng VIệt

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: Thắng VIệt

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về tiến độ điều tra các vụ án lớn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo phấn đấu điều tra, hoàn thành kết thúc các vụ án lớn trong năm 2023. Theo đó, đủ điều kiện truy tố, xét xử đối với 8 vụ án trọng điểm.

Về chùm án liên quan đến Công ty Việt Á, ông Nguyễn Văn Yên cho hay xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, những vi phạm xảy ra trong chùm án đã được các cơ quan điều tra của trung ương, địa phương, quân đội tích cực điều tra làm rõ.

Ban Chỉ đạo đưa ra 8 yêu cầu và đã được các cơ quan điều tra trung ương và địa phương làm rõ. Hiện đã khởi tố 33 vụ án/111 bị can với 6 tội danh.

"Các vụ án đã đến giai đoạn có thể kết thúc điều tra. Đến cuối năm sẽ xét xử chùm án Việt Á. Hiện nhiều vụ án liên quan đến Việt Á đã được đưa ra xét xử"- Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu rõ.

Ông Yên cũng cho rằng vụ án liên quan đến Việt Á diễn ra trong bối cảnh phòng, chống dịch đặc biệt, các sai phạm xảy ra vì mục tiêu phòng, chống dịch liên quan đến nhiều con người từ trung ương cho đến địa phương, doanh nghiệp ngoài khối nhà nước. 

Do đó, Ban Chỉ đạo có chủ trương phân loại xử lý đối tượng khoa học biện chứng nhân văn, nhân ái, nhân tình nhưng nghiêm khắc. Chỉ nghiêm trị người có chức vụ quyền hạn lợi dụng để chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định, đem lại lợi ích bất hợp pháp cho Việt Á. Đây là những người chủ mưu cầm đầu đã chiếm số tiền lớn và cần phải nghiêm trị. Nhóm này là tham nhũng tiêu cực và hiện nhóm này đã được làm rõ.

Theo ông Nguyễn Văn Yên, các nhóm 2, 3, 4 là được phân hoá, có nhóm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là nhóm thứ yếu, phụ thuộc, và thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi và không vụ lợi. Họ là những người tuyến đầu chống dịch, vi phạm trong đấu thầu khi cần kit xét nghiệm ngay để phục vụ cho người dân, chỉ làm vì việc chung. Hậu quả thiệt hại trong đấu thầu là có do làm tắt. Ban Chỉ đạo quyết định tha miễn và thiệt hại của nhóm này xác định do nhóm những kẻ chủ mưu, cầm đầu. Những đối tượng này đã được phân loại xử lý. Được xem xét tha hoặc miễn trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm dân sự. 

"Đây là cái cần tuyên truyền rõ để các y, bác sĩ không may đã bị xử lý và đang bị xử lý có thể an tâm thấy rằng Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và thống nhất với chủ trương này. Như vừa qua xét xử vụ án tại CDC Quảng Ninh đã vận dụng cơ chế này để xử lý" - ông Nguyễn Văn Yên cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và vụ án Công ty AIC, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương thông tin đây là vấn đề quyết tâm rất cao, quyết liệt của Ban Chỉ đạo và hiện đã có bước tiến mới.

"Quy định pháp luật Nhà nước Việt Nam cho phép người bỏ trốn vẫn đủ điều kiện đem ra xét xử và tuyên án. Khi truy nã chưa có bản án thì còn khó khăn trong hợp tác quốc tế. Còn khi đã là tội phạm thì không nước nào dung thứ cho tội phạm tham nhũng, tiêu cực cả. Tất cả đều nằm trong kế hoạch. Với sự cố gắng quyết tâm, tôi tin sẽ có kết quả" - ông Nguyễn Văn Yên nói. 

Ông Nguyễn Văn Yên cũng thông tin liên quan đến vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam, Ban Chỉ đạo đã giao cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chủ trì tiến hành nghiên cứu ban hành tiêu chí phân loại để xử lý.

"Vụ đăng kiểm sẽ ban hành tiêu chí phân loại trong tháng tới. Đây là điểm mới và lớn trong chính sách hình sự là chủ trương phân loại là hết sức cần thiết. Đối tượng nào cần xử lý thì xử lý nghiêm. Cần tiếp tục phát huy ưu điểm giá trị của chủ trương này để mở rộng ra các vụ án khác" - ông Nguyễn Văn Yên nêu rõ.

Hiện, Ban Chỉ đạo cũng giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì nghiên cứu lại chính sách hình sự được quy định trong Bộ Luật hình sự, và các quy định được Đảng, Nhà nước quy định trong các văn bản để đề xuất với chính sách hình sự phù hợp với tình hình hiện nay trong các năm tiếp theo và tiến tới sửa luật về chính sách hình sự.

Tổng Bí thư: "Trốn ra nước ngoài thì xử vắng mặt, không thể nào chạy thoát được"

Tại phiên họp 24 của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, nêu rõ thời gian vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực càng ngày càng có kinh nghiệm, càng ngày càng có hiệu quả, càng ngày càng được dư luận hoan nghênh ủng hộ đồng tình đánh giá cao. Đã làm đồng bộ, kiên quyết có sự phối hợp nhịp nhàng hiệu quả cao, các vụ việc đều phát hiện sớm chỉ đạo xử lý kịp thời nghiêm minh, kiên quyết nhưng có lý có tình.

"Kiên quyết đến mức trốn chạy cũng không được, trốn ra nước ngoài thì chúng ta xử vắng mặt, không thể nào chạy thoát được. Đúng như tinh thần tôi nói rõ đến đâu làm đến đấy, thực tiễn sẽ cho ta thêm kinh nghiệm bổ sung, rồi mai kia thành một lý luận về đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Việt Nam" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Tư pháp thông tin về quốc tịch của cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị cáo buộc là người "đạo diễn" vụ án thông thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Trân ([Tên nguồn])
Vụ Công ty AIC hối lộ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN