Viện hàn lâm VN: Thay tên có đổi chất?

Người Việt thường coi viện hàn lâm là cơ quan học thuật cao cấp, uyên bác, siêu việt, dẫn đầu..., nhưng thực ra không hẳn như vậy.

Việt Nam vừa chính thức có hai viện hàn lâm khoa học: Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội (KH&XH) Việt Nam.

Cái tên “hàn lâm”, và chức danh cao quý "viện sỹ viện hàn lâm" khiến nhiều người quan tâm. Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, giáo sư, viện sỹ... đã đưa ra những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Xin chuyển đến độc giả một số ý kiến trong loạt bài về "Viện hàn lâm Việt Nam".

Viện hàn lâm có thể là... nơi sửa sắc đẹp

Ông Vũ Cao Đàm nguyên Viện trưởng Viện Chính sách khoa học cho rằng, lâu nay, nhắc đến viện hàn lâm, người ta thường hiểu đó là một thứ đẳng cấp, tháp ngà, cao sang trong khoa học, một loại cơ quan khoa học cao nhất, dẫn đầu nghiên cứu cơ bản.

Viện hàn lâm VN: Thay tên có đổi chất? - 1

Đẳng cấp không chỉ ở cái tên (Ảnh minh họa)

“Đây là quan niệm do ảnh hưởng của Liên Xô cũ và các nước XHCN trước đây. Hai viện hàn lâm của nước ta vừa thành lập cũng có thể thấy là mô hình tương tự như Liên Xô cũ”, ông Vũ Cao Đàm nhận định.

PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES) cũng có quan điểm tương đồng như ông Vũ Cao Đàm. Theo ông Dinh, chữ “hàn lâm” mang tính chất học thuật cao, uyên bác, siêu việt. Chữ “viện” trong chữ kinh viện, chỉ nơi tôn nghiêm.

Trước đây, viện hàn lâm đa số được thành lập ở các nước châu Âu, gắn với hoàng gia, nhà vua. Ví dụ Viện Hàn lâm khoa học Pháp do vua Louis XIV thành lập; hoặc có các Viện Hàn lâm Hoàng gia Anh, Tây Ban Nha... tập hợp các nhà siêu việt về các vấn đề khoa học, nghệ thuật, họa sỹ trứ danh... Viện hàn lâm của các nước XHCN trước đây cũng theo mô hình danh giá như vậy.

Việc trở thành Viện Hàn lâm KH&CN cùng với các nội dung quy định trong Nghị định đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược, đúng với vị thế, chức năng, nhiệm vụ của một viện nghiên cứu KH&CN quốc gia hàng đầu đất nước. (Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, GS Châu Văn Minh)

Tuy nhiên, sau này, xã hội phát triển, trong nền kinh tế thị trường, chữ “hàn lâm” được bình thường hóa. Viện hàn lâm cũng có thể là nơi như hội, trung tâm sắc đẹp... Ví dụ ở Mỹ, "viện hàn lâm" (academy) có thể là từ chỉ nơi tu sửa sắc đẹp. Muốn là thành viên của viện hàn lâm cũng rất dễ, chỉ cần vài chục đô la. Ở Mỹ, chữ “hàn lâm” không có nhiều giá trị, không được tôn sùng như ở các nước châu Âu trước đây.

“Xu thế các nước công nghiệp, viện hàn lâm không “ghê gớm”, phân cấp mà độc lập, ngang nhau. Viện hàn lâm mạnh mẽ hay không là do nơi đó làm ra nhiều công trình khoa học, nhiều phát minh... chứ không theo trật tự là viện hàn lâm của quốc gia hay viện nghiên cứu của một trường đại học”, ông Dinh cho hay.

Quan trọng ở công trình khoa học

Theo ông Đặng Ngọc Dinh, đổi tên thành viện hàn lâm, có ý tốt là mong muốn nền khoa học nước nhà phát triển, hướng tới chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng không nằm ở cái tên, cho dù có đổi tên thì chất lượng không vì thế mà thay đổi, nếu như không có bước đột phá.

Trong khoa học, những vấn đề như tên gọi không phải là quan trọng, vấn đề là công trình nghiên cứu khoa học. Việt Nam hiện nay đang rất ít công trình khoa học. So sánh với các nước trong khu vực, như ở Malaysia, Thái Lan... một trường đại học có hàng nghìn công trình khoa học quốc tế, nhưng ở nước ta chỉ có vài công trình. Sức hút của các viện cũng không cao, nhà khoa học muốn đi lên bằng “chức tước”, sinh viên du học xong ở lại nước ngoài...

Viện hàn lâm VN: Thay tên có đổi chất? - 2

PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh

Ông Dinh ví chữ “hàn lâm” vừa được thêm vào hai viện khoa học nước ta như một chiếc “áo gấm” khoác thêm lên “cơ thể” cũ đang được chẩn đoán là một số căn bệnh.

“Chúng tôi có cảm giác nền khoa học chưa vươn mình lên, hay nói cách khác “cơ thể” chưa được bồi bổ mạnh lên. Cần thay đổi cơ chế tài chính, cách thức tuyển chọn công trình khoa học cho phù hợp với chiếc áo mới”, ông Dinh nói.

GS Phạm Tất Dong, nguyên trưởng Ban Khoa giáo Trung ương cho rằng, việc thành lập viện lúc này cần đặt ra. Tuy nhiên, phải tính toán nhân lực cho đúng, đầu tư mạnh hơn nhiều nữa cho khoa học. 

“Khó khăn nhất của khoa học Việt Nam là cho đến nay, phát triển khoa học và công nghệ chỉ được tuyên bố là quốc sách hàng đầu, nhưng đấy mới là tư tưởng, chưa thể hiện ở chế tài. Mình định phát triển mạnh lĩnh vực nào thì phải đầu tư mạnh vào lĩnh vực đó. Viện hàn lâm phải thể hiện mình ở chỗ này.

Ông Vũ Cao Đàm nhận định, hai viện khoa học của Việt Nam là Viện KH&CN và Viện KH&XH đang theo mô hình gần giống với Liên Xô cũ. Đó là mô hình “viện trong viện”. Ví dụ “viện to” KH&CN có các “viện con” như viện Vật Lý, Viện Vũ trụ... Do vậy, nếu thêm hai chữ “hàn lâm” vào “viện to” để phân biệt với các viện bên dưới hoàn toàn chấp nhận được.

Tuy nhiên, cũng nên đề phòng khả năng viện hàn lâm nước ta rập  khuôn mô hình hàn lâm kiểu Liên Xô cũ. Đó là coi viện hàn lâm là thứ đẳng cấp khoa học, cao siêu, dẫn đầu... Theo ông Đàm, làm khoa học nên tách rời “quyền lực hành chính”.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam: Viện KH&CN Việt Nam đã lớn mạnh về mọi mặt và thực sự đã trở thành trụ cột nền khoa học tự nhiên và công nghệ cao của nước nhà, tên gọi của Viện vừa được bổ sung thêm hai chữ "hàn lâm", như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dự kiến từ năm 1975.

Theo PGS TS Vũ Cao Đàm, từ lâu ở nước ta, giới khoa học hầu như đã rất quen thuộc với việc chuyển ngữ sang tiếng Việt các khái niệm “academy” là “viện hàn lâm”.

Có thể phân ra được 9 loại “academy” có chức năng rất khác nhau, gồm:

1. Hiệp hội hoặc câu lạc bộ.

2. Học viện.

3. Viện khoa học, trong đó gồm một số các “viện con”.

4. Trường dạy nghề.

5. Hội đồng khoa học.

6. Quỹ tài trợ cho nghiên cứu khoa học.

7. Tên gọi cho các mỹ viện.

8. Một loại nhà nghỉ cao cấp.

9. “Cơ quan khoa học cao nhất” của một quốc gia.

                                        ____________________

Đón đọc bài Viện hàn lâm VN: Sao không có viện sỹ? vào 16h00 ngày 19/3/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN