GS Ngô Bảo Châu nói về viện hàn lâm VN

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về viện hàn lâm của Việt Nam, những đặc quyền đặc lợi ở viện toán cao cấp, những yếu tố làm người tài “ngại” trở về nước làm việc...

Chiều ngày 12/3, GS Ngô Bảo Châu đang công tác tại ĐH Chicago (Mỹ) về Việt Nam tham dự buổi họp báo về sự kiện “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ 4 tại Đông Nam Á. Bên lề cuộc họp, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với PV về hai viện hàn lâm của Việt Nam. Đó là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa đi vào hoạt động cuối tháng 2/2013.

GS Ngô Bảo Châu cho biết, trên thế giới, có nhiều mô hình viện hàn lâm khác nhau. Ở các nước như Pháp, Mỹ là những tổ chức cao quý, họ không tham gia vào quản lý khoa học.

Nước ta đổi tên hai cơ quan nghiên cứu khoa học thành viện hàn lâm, theo GS Châu hiểu, giống với mô hình Trung Quốc. Hai viện Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên bên họ cũng được gọi là viện hàn lâm. Tức là những viện nghiên cứu được gọi là viện hàn lâm. Ở Liên Xô cũ, mô hình của họ cũng có quyền lực lớn trong nghiên cứu khoa học.

GS Ngô Bảo Châu nói về viện hàn lâm VN - 1

GS. Ngô Bảo Châu trong một buổi giao lưu

“Việc đổi tên từ chỗ nọ sang chỗ kia không quan trọng lắm. Có thể đơn thuần là do nước ta nhiều viện, nên hai viện có quy mô lớn nhất muốn đặt tên khác để nói rõ vai trò. Tôi nghĩ, đổi tên không thay đổi được nhiều hiện thực nội dung”, vị GS người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Fields nói.

Trả lời câu hỏi của PV về việc thu nhập có phải là yếu tố khiến khoa học nước ta không thu hút được người tài?

GS Châu nói: “Khi chúng tôi hỏi ý kiến các anh chị người Việt đang làm PhD (tiến sỹ) ở Mỹ xem yếu tố quan trọng nhất để quay về Việt Nam. Họ trả lời, thu nhập là yếu tố đứng thứ 3, sau môi trường làm việc và khả năng thăng tiến”.

Vị GS khoa Toán, ĐH Chicago (Mỹ) cho rằng, các ý kiến này phản ánh đúng tâm tư của các bạn trẻ làm việc ở nước ngoài. Ngay cả các bạn trẻ chưa có trách nhiệm về mặt tài chính, thu nhập không phải là yếu tố nặng nề. Đương nhiên họ không hề muốn cuộc sống nghèo khổ, xã hội cũng không có ai lựa chọn như vậy.

“Tôi không thích dùng từ cống hiến, mà nên gọi là lao động chân chính. Đó là được quyền tự do công việc, quyền tập hợp bạn bè làm công việc nào đó. Thực tế, một số bạn bè tôi về nước làm việc nhận thấy họ có nhiều khó khăn về điều kiện làm việc. Thời gian làm nghiên cứu ít, mà mất nhiều thời gian vào công việc khác. Nhưng cuộc sống, công việc ở đây bắt buộc họ như vậy”, GS Châu nói.

Trước câu hỏi của PV, làm sao để viện hàn lâm Việt Nam có những công trình khoa học đóng góp cho đất nước, vị GS từng giành được Huy chương Fields tỏ ra lúng túng. Theo GS, không thể một mình ai đó có thể đưa ra giải pháp về vấn đề này.

Có thể những biện pháp đúng với Mỹ, Pháp, ngay cả các nước Đông Nam Á... nhưng chưa chắc đúng với Việt Nam. Ngoài những lập luận mang tính chất hàn lâm còn phải có thực tế từ tiềm lực của nước ta. Chẳng hạn như tiềm lực của chúng ta chỉ đến vậy, thì không thể mơ mộng đi đến đâu. Chính vì thế cần có sự trao đổi, tranh luận, đối chiếu thực tế, so sánh các nước khác mới có thể trả lời được.

Nhân đây, GS Châu cũng chia sẻ đề đặc quyền, đặc lợi của Viện nghiên cứu về toán cao cấp, nơi ông làm Giám đốc khoa học. GS cho biết, hằng năm, đến ngày 15/3 là hạn cuối cùng để các nhà khoa học làm hồ sơ đến làm việc tại viện. Sau đó, các nhà khoa học sẽ chứng minh trước Hội đồng khoa học về phương pháp, tính khả thi,... của đề tài đề xuất. GS Ngô Bảo Châu là người cuối cùng quyết định đề tài nào được thực hiện, đề tài nào loại bỏ.

Nếu đề tài nào được duyệt, nhà khoa học sẽ được cấp kinh phí, mời GS nước ngoài mà họ đề nghị đến làm việc... đó là đặc quyền của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng (Ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN