Viện hàn lâm VN: Đừng theo Liên Xô cũ
"Ở Liên Xô trước đây, ông Stalin gọi vị chủ tịch viện hàn lâm lên nói rằng, hãy làm cho tôi bom nguyên tử, đường sắt... Chúng ta không thể ngồi chờ giao việc như vậy".
Đó là ý kiến của PGS. Phạm Huy Tiến, nguyên chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam (cũ) sau khi khampha.vn đăng hai bài viết về chủ đề viện hàn lâm của Việt Nam. Xin giới thiệu đến quý độc giả.
Cần tránh háo danh
Trên thế giới có nhiều mô hình viện hàn lâm (academy) khác nhau. Có nơi, viện hàn lâm như một hội khoa học, hoặc chỉ là một tổ chức để vinh danh những người hay công trình danh tiếng. Tựu trung lại, viện hàn lâm không phải cơ quan nghiên cứu, chỉ là hội. Đến thời Liên Xô cũ, Stalin (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) đưa lên thành cơ quan nghiên cứu khoa học tầm quốc gia.
Trở lại câu chuyện về hai viện hàn lâm vừa được công bố gần đây là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Ở nước ta, nói đến viện hàn lâm, người ta thường nghĩ tới mô hình của Liên Xô, đó là nghiên cứu cơ bản. Hai chữ “hàn lâm” cũng đi liền với đẳng cấp, dẫn đầu.
Khoa học không nên có đẳng cấp (Ảnh minh họa)
Cách tư duy khoa học của chúng ta còn theo lối hành chính, quyền lực, phân biệt trên dưới. Theo tôi, trong khoa học không nên có đẳng cấp, “nó” phải là thế giới phẳng.
Trong viện hàn lâm, chức danh viện sỹ được coi là danh giá, sang trọng, siêu việt. Trong khi đó, khoa học không nên có đẳng cấp. Hơn nữa, hiện nay, chức danh giáo sư còn có tình trạng chạy đua, viện sỹ nếu không cẩn thận lại giống như giáo sư, ngồi tính điểm xét giáo sư, viện sỹ... dễ sinh tiêu cực cho những người “háo danh”. Không có viện sỹ, cũng chẳng phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng. Tôi đồng tình viện hàn lâm của Việt Nam không có chế độ viện sỹ.
Hai viện hàn lâm của Việt Nam, hiểu theo nghĩa “hàn lâm” như lâu nay, có thể nhận thấy Nhà nước đã đề cao vai trò và vị thế của các viện. Đây có thể là động lực thúc đẩy các viện này phát triển hơn, có những công trình khoa học, đóng góp với đất nước xứng đáng với chữ “hàn lâm”. Các nhà khoa học cũng có cơ hội phát huy và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Tuy nhiên, nên tránh mô hình cũ của Liên Xô, bị động trong nghiên cứu. Các nhà khoa học cần lăn lộn vào cuộc sống, xây dựng thành những đề án trình nhà nước. Không ngồi chờ vào nhà nước giao việc. Ví dụ ở Liên Xô trước đây, Stalin gọi vị chủ tịch lên nói rằng, hãy làm cho tôi bom nguyên tử, đường sắt... chúng ta không thể ngồi chờ giao việc như vậy.
Bên cạnh đó, cũng không nên coi viện hàn lâm là cơ quan dẫn đầu, đẳng cấp, quyền lực... như Liên Xô cũ.
Làm gì cho đất nước?
Làm sao để các viện này xứng đáng với tên gọi “hàn lâm”? Theo tôi, về phía nhà nước hãy giao trọng trách lớn hơn và đồng nghĩa với việc đầu tư lớn hơn cho các viện. Các viện hàn lâm có trách nhiệm xây dựng những dự án khoa học lớn, đóng góp cho đất nước để xứng đáng với kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân.
Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn là viện hàn lâm của Việt Nam chỉ có 3 hoặc 4 phó chủ tịch. Nếu để làm khoa học, con số này quá ít, nếu làm hành chính lại là nhiều. Ví dụ, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, có tới 16 phó chủ tịch phụ trách các lĩnh vực khác nhau, tập hợp lại thành đoàn chủ tịch. Một đề tài sẽ được đưa ra đoàn chủ tịch và thoải mái thảo luận, phản biện. Từ đó chủ tịch viện sẽ đưa ra quyết định với đề tài.
PGS. Phạm Huy Tiến (ngồi giữa)
Không có đoàn chủ tịch như hiện nay là trên giao, dưới làm hoặc dưới đề xuất, trên đồng ý. Đó là cách làm hành chính, thiếu dân chủ trong khoa học.
Riêng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có điểm khác biệt, đặt chung “hàn lâm khoa học” và “hàn lâm công nghệ”. Các nước như Trung Quốc, Nga... có “hàn lâm công nghệ” nhưng đứng bên ngoài hàn lâm khoa học cơ bản. Nếu đặt trọng tâm vào khoa học cơ bản, dễ bị chạy theo “bài báo quốc tế” tức là háo danh, thành tích. Do vậy, cần xác định “nội hàm” của hàn lâm công nghệ như cái mốc để định hướng phát triển. Nếu không, công nghệ nước nhà dễ rơi vào sự phát triển “túc tắc” như hiện nay.
Ngoài ra, các viện hàn lâm cũng cần có sự chuẩn bị về nhân lực. Trong đó quan trọng nhất là tìm người “lãnh đạo khoa học”. Đó là người có uy tín, đạo đức để tập hợp các nhà khoa học, chỉ huy làm những đề tài, dự án lớn. Khác với nhà quản lý khoa học là người làm theo kế hoạch, lãnh đạo khoa học là người biết nhìn xa. Quản lý "xô" các nhà khoa học đi làm; lãnh đạo kêu gọi, tập hợp các nhà khoa học; quản lý có cấp trên, cấp dưới; lãnh đạo khoa học chỉ có đồng nghiệp.
Thêm hai chữ “hàn lâm”, đó sẽ là thử thách lớn với các nhà lãnh đạo viện. Khoảng 10 năm nữa, các vị chủ tịch viện phải trả lời trước Chính phủ và dân xem viện đã làm được gì? Lúc đó không thể trả lời bằng viết được bao nhiêu bài báo quốc tế, bao nhiêu đề tài... mà phải là những việc làm, công trình khoa học đóng góp vào sự phát triển của đất nước.