Vì sao Trung Quốc trắng trợn vu vạ Việt Nam tại LHQ?

Với việc đưa vấn đề giàn khoan 981 ra Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đang mạo hiểm tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho chính mình.

Ngày 10/6, Trung Quốc đã quốc tế hóa vấn đề tranh chấp với Việt Nam trên Biển Đông bằng cách đệ trình một tuyên cáo lập trường nhằm trắng trợn vu cáo Việt Nam lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc liên quan đến hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.

Trước đó, hôm Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra một tuyên bố có tựa đề “Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường Trung Quốc.” Trong bản tuyên bố đầy những lời dối trá, ngụy biện này, Trung Quốc cho rằng Việt Nam đang có những hành động “khiêu khích” tại khu vực hoạt động của giàn khoan và đưa ra “đề cương toàn diện nhất về tuyên bố chủ quyền (phi lý, phi pháp – PV) của Trung Quốc ở Hoàng Sa”.

Đến ngày thứ Hai, bản tuyên bố này được đăng trên website của sứ bộ thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Hãng thông tấn AP cho hay đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Wang Min đã gửi bản tuyên cáo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và yêu cầu ông cho lưu hành trong 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Vì sao Trung Quốc trắng trợn vu vạ Việt Nam tại LHQ? - 1

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Wang Min

Nhìn bề ngoài, việc đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra Liên Hợp Quốc của Trung Quốc là một quyết định khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Trước đây, Trung Quốc vẫn khăng khăng chỉ trích các quốc gia khác có tranh chấp chủ quyền của họ và phản đối bất cứ sự liên quan nào của bên thứ ba, chẳng hạn như Mỹ, để thực hiện cái mà Trung Quốc gọi là “quốc tế hóa” vấn đề.

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ nêu lên vấn đề này tại các diễn đàn khu vực, chẳng hạn như Đối thoại Shangri-La hay các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN. Trong khi đó, Trung Quốc khăng khăng từ chối tham gia vụ kiện của Philippines tại Tòa Thường trực Quốc tế của Liên Hợp Quốc về “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.

Thay vào đó, Trung Quốc một mực cho rằng tranh chấp Biển Đông chỉ có thể giải quyết bằng các cuộc đàm phán song phương, nơi họ có thể tận dụng ưu thế “lớn bắt nạt bé” để uy hiếp các quốc gia láng giềng nhỏ hơn nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông đầy thâm độc của mình.

Theo chuyên gia phân tích Zachary Keck của tờ The Diplomat, cái lý của Trung Quốc trong việc quốc tế hóa vấn đề xung quanh hoạt động của giàn khoan 981 dường như là để khẳng định rằng trong vụ việc này không hề tồn tại tranh chấp. Theo “lý sự cùn” kiểu Trung Quốc, họ hiện đang kiểm soát quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam, thế nên họ không thừa nhận tranh chấp lãnh thổ xung quanh khu vực này.

Vì sao Trung Quốc trắng trợn vu vạ Việt Nam tại LHQ? - 2

Bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1136 cho thấy lãnh thổ cực nam của họ là đảo Hải Nam

Với luận điệu đó, Trung Quốc đang tìm cách vu vạ rằng Việt Nam đang xâm phạm chủ quyền của họ bằng cách “ngăn cản hoạt động của giàn khoan 981”, và gây sức ép buộc Liên Hợp Quốc phải can thiệp để giải quyết vấn đề này theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong thực tế, quyết định đưa vấn đề này lên Liên Hợp Quốc dường như phản ánh một điều rằng Bắc Kinh ngày càng lo ngại trước việc các quốc gia láng giềng sử dụng luật pháp quốc tế để đối phó và vô hiệu hóa sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Ngoài vụ kiện của Philippines lên Tòa Thường trực Quốc tế, Việt Nam cũng đang xem xét giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp pháp lý sau khi Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng trước. Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, Úc và nhiều nước khác đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh pháp lý của Việt Nam.

Lo ngại trước nguy cơ bị đánh bại tại tòa án quốc tế, Trung Quốc đã quyết định đi trước một bước bằng cách đưa vấn đề này ra trước một tổ chức quốc tế và vạch ra tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông. Dường như Trung Quốc đang muốn làm nản chí Việt Nam trong việc đưa vụ việc ra xử lý theo luật pháp quốc tế.

Chiến lược thâm hiểm này của Trung Quốc được bộc lộ rõ ràng thông qua bản đề cương về cơ sở tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông được nêu trong tuyên cáo, cũng như nỗ lực của họ trong việc ghép nối một cách vụng về những tuyên bố đơn phương này với các công ước quốc tế, chẳng hạn như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Vì sao Trung Quốc trắng trợn vu vạ Việt Nam tại LHQ? - 3

Trung Quốc ngày càng có những hành động ngang ngược hơn trên Biển Đông

Bằng chiến lược “tiên phát chế nhân” này, Bắc Kinh chắc hẳn đang hy vọng rằng đó sẽ là  một biện pháp răn đe để khiến các nước láng giềng nhụt chí trong việc đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế.

Thế nhưng, các chuyên gia phân tích quốc tế nhận định rằng đây là một trò cá cược đầy nguy hiểm của Bắc Kinh, bởi họ đang quốc tế hóa vấn đề tranh chấp và mượn luật pháp quốc tế làm cơ sở cho tuyên bố chủ quyền và giải quyết tranh chấp trên biển.

Bằng cách tạo ra một tiền lệ về luật pháp quốc tế này, Trung Quốc sẽ không thể nào biện hộ được về “đường lưỡi bò” đầy phi lý, phi pháp của mình trên Biển Đông, bởi nó hoàn toàn không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế. Như vậy Trung Quốc đang tạo ra một tiền lệ mà họ không hề muốn trong các trường hợp tương tự.

Sự mâu thuẫn, nhập nhằng của Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông được thể hiện một cách rõ ràng trong bài phát biểu của đại sứ Wang Min tại Liên Hợp Quốc ngày hôm qua nhân dịp kỷ niệm 20 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) có hiệu lực.

Trong bài phát biểu này, ông Wang một mặt ca ngợi UNCLOS và nói rằng Trung Quốc tuân thủ đầy đủ công ước này, thế nhưng mặt khác lại tuyên bố rằng “các nước có quyền lựa chọn cách thức độc lập để giải quyết hòa bình bất cứ tranh chấp nào”.

Ông này giải thích rõ hơn: “Chính phủ Trung Quốc tin rằng cách hiệu quả nhất để giải quyết hòa bình các tranh chấp biển đảo là đàm phán và tham vấn trực tiếp giữa các bên liên quan trên cơ sở tôn trọng sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế.”

Bài phát biểu này của ông Wang vẫn nhấn mạnh một điều rằng Trung Quốc đặt cái mà họ coi là “sự kiện lịch sử” (vốn có rất ít giá trị pháp lý theo luật pháp quốc tế) lên trên luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp biển đảo. Điều đó cũng thể hiện rõ ràng rằng Trung Quốc vẫn không hề thay đổi lập trường của mình trong các vấn đề tranh chấp, và bài phát biểu này dường như muốn nhấn mạnh điều đó với các quốc gia khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo The Diplomat) ([Tên nguồn])
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN