Vì sao thời tiết TP HCM và Nam Bộ sáng se lạnh, trưa nóng bức?

Sự kiện: Tin ngắn

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đưa ra những khuyến cáo quan trọng về hiện tượng thời tiết bất thường trong thời gian gần đây.

* Phóng viên: Những ngày gần đây, vào lúc khuya và sáng sớm, người dân TP HCM cảm nhận không khí se lạnh nhưng đến trưa và chiều thì lại nóng bức, khó chịu. Ông có thể giải thích hiện tượng bất thường này? 

- Ông Lê Đình Quyết: Cuối năm thời tiết đầu giờ sáng thường se lạnh, nhiệt độ không khí thấp nhất khoảng 23-24 độ C, có ngày xuống 20-21 độ C. Đầu buổi sáng thường có sương mù nhưng đến trưa, đầu giờ chiều thì nhiệt độ tăng dần, có ngày đạt ngưỡng nắng nóng (nhiệt độ không khí cao nhất trên 35 độ C). 

Hình thế thời tiết vào cuối năm tùy theo từng ngày, thông thường khu vực Nam Bộ và TP HCM chịu tác động của áp cao lạnh lục địa từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam. Nếu cường độ áp cao này mạnh sẽ tác động làm cho thời tiết Nam Bộ nhiệt giảm, sáng sớm nhiệt xuống khá thấp. Nếu kết hợp trên cao là hệ thống áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây, sẽ có những thời điểm ẩm từ biển được đẩy theo rìa Tây Nam của áp cao cận này vào gây mưa trái mùa ở TP HCM và Nam Bộ. 

Sau đó, nếu áp cao này vẫn khống chế trên khu vực thì trên cao sẽ là trường phân kỳ, dòng không khí đi từ trên giáng xuống, làm hạn chế các quá trình bốc hơi, hạn chế dòng đi lên. Do đó, ít hình thành mây, bầu trời quang nên ban đêm, sáng sớm mặt đất mất nhiệt nhanh, đến buổi trưa thường nắng mạnh. Nhiệt độ lúc sáng sớm và đầu giờ chiều có khi chênh nhau 11-13 độ C.

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Đồ họa: Lê Duy)

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Đồ họa: Lê Duy)

* Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

- Cơ thể luôn thích nghi với môi trường bên ngoài nhưng phải có quá trình, nếu điều kiện thời tiết có sự thay đổi nhanh thì cơ thể không kịp thích nghi. 

Buổi sáng, cơ thể quen với điều kiện thời tiết nhiệt độ không khí thấp, trời se lạnh. Nhưng đến trưa, nhiệt độ tăng cao, biên độ nhiệt độ dao động lên tới hàng chục độ C, cường độ nắng mạnh, bức xạ mặt trời mạnh, tia UV cao, độ ẩm không khí giảm nhanh. Các yếu tố này làm cho cơ thể nhanh bị mất nước, dẫn đến mệt mỏi, nếu làm việc lâu ngoài trời dễ bị say nắng.

* Người dân cần lưu ý gì với hiện tượng này?

- Hiện tượng thời tiết sáng se lạnh, trưa trời nắng mạnh sẽ còn diễn ra từ nay tới Tết Âm lịch, thậm chí qua Tết. Người dân cần chú ý sáng sớm khi ra đường mặc áo giữ ấm, nhất là cho trẻ em. Buổi chiều nếu làm việc ngoài trời cần trang bị đồ chống nắng, uống nhiều nước; cần chú ý cảnh giác nguy cơ cháy, nổ, chập điện.

* Thời điểm nào Nam Bộ kết thúc mùa mưa năm nay, thưa ông?

- Các tỉnh, thành Nam Bộ hiện nay đã phổ biến kết thúc mùa mưa, bước vào mùa khô 2023-2024. Một số tỉnh kết thức từ khoảng ngày 15-11. Tới 30-11, toàn bộ các tỉnh, thành Nam Bộ sẽ bước vào mùa khô. 

Một vài ngày cuối tháng 11 và trong tháng 12 vẫn xuất hiện những cơn mưa, song không liên tục, kéo dài. Đó là những trận mưa trong mùa khô, chứ không phải mùa mưa kéo dài.

Nguồn: [Link nguồn]

Thời tiết TP HCM: Trời se se lạnh, người dân mặc thêm áo ấm ra đường

Sáng 18-11 TP HCM se se lạnh, nhiều người đi trên đường phố phải mặc thêm áo, đặc biệt là trẻ em được phụ huynh che chắn cẩn thận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo LÊ VĨNH - LÊ DUY ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN