Vì sao người dân từ chối bán sâm Ngọc Linh giá 30.000 USD?

Sự kiện: Sâm Ngọc Linh

Theo ông Hồ Kim Lĩnh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đến thời điểm này, tại vùng rừng núi Ngọc Linh không có bất kỳ cây sâm nào có đến 7 nhánh, mỗi năm cho hơn 1.000 hạt giống, như cây sâm ông đang sở hữu.

Vì sao người dân từ chối bán sâm Ngọc Linh giá 30.000 USD? - 1

Ông Hồ Kim Lĩnh bên gốc sâm Ngọc Linh tổ có tuổi đời hàng trăm năm trong khu vườn của mình. (Ảnh nhân vật cung cấp). Ảnh: CT

“Báu vật” của rừng núi Ngọc Linh

Ngày 12/7, trò chuyện với PV Báo GĐ&XH, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam hồ hởi kể về việc một người dân ở xã Trà Linh tên Hồ Văn Lĩnh đang lưu giữ cây sâm cổ quý hiếm. Được biết, tại vùng rừng núi Ngọc Linh không có thêm bất kỳ cây sâm nào có đến 7 nhánh như cây ông Lĩnh đang sở hữu. Nếu đào gốc sâm này đem cân phải nặng hơn 1,3 kg và có tuổi đời hàng trăm năm.

“Những ngày vừa qua có rất nhiều người tìm đến gặp anh Lĩnh hỏi mua cây sâm cổ này. Có người trả đến 30.000 USD (tương đương với hơn 600 triệu đồng) nhưng anh ấy không bán mà muốn giữ lại để bảo tồn và nhân giống. Nghe chuyện, tôi mừng lắm”, vị chủ tịch huyện tâm sự.

Cách đây không lâu, cha con ông Hồ Văn Hạnh (50 tuổi) cũng trú tại xã Trà Linh đào được củ sâm hơn 100 tuổi, nặng gần 1 kg. Sau đó, họ đã nhanh chóng bán với giá 250 triệu đồng khiến ông Bửu nhiều đêm mất ngủ. Ông lo sợ một ngày nào đó, nguồn gien tự nhiên của giống sâm quí hiếm này sẽ mai một.

Ông Bửu cũng đã làm việc với gia đình ông Lĩnh và 30 hộ dân ở thôn 3 xã Trà Linh về việc bảo vệ cây sâm Ngọc Linh tổ để nhân giống và đã được người dân đồng ý. Ngay trong khu vườn sâm của gia đình ông Hồ Kim Lĩnh ở thôn 3 Trà Linh rộng hơn 1,5 ha, ngoài cây sâm cổ, còn hàng chục nghìn gốc sâm Ngọc Linh có tuổi đời từ 1 đến 20 năm tuổi. Trị giá vườn sâm của ông Lĩnh khoảng hơn 3 triệu USD (tương đương với 65-70 tỷ đồng). Giá cả cao vậy tuy nhiên, ông Lĩnh chỉ có trồng thêm chứ không chịu bán.

Vì sao người dân từ chối bán sâm Ngọc Linh giá 30.000 USD? - 2

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Hỏi về nguồn gốc của cây sâm Ngọc Linh tổ, ông Hồ Kim Lĩnh kể cách đây hơn 20 năm trong một lần lên khu vực rừng thôn 3, xã Trà Linh ông đã may mắn phát hiện cây sâm Ngọc Linh quí hiếm có 5 nhánh. Không như những người khác trong làng khi phát hiện cây sâm tự nhiên là nhổ đem bán lấy tiền, ông đánh dấu bảo vệ để lấy hạt giống mỗi năm.

Một thời gian sau, thấy mọi người đổ về vùng núi Ngọc Linh để săn tìm sâm tự nhiên, sợ bị mất nên ông Lĩnh đã làm lễ cúng thần rừng và xin đưa cây sâm cổ về trồng trong vườn sâm của mình. Cây sâm Ngọc Linh 5 nhánh đến nay đã đẻ thêm 2 nhánh nữa, tổng cộng là 7 nhánh.

Biết cây sâm tổ Ngọc Linh 7 nhánh cực kỳ quí hiếm, có một không hai, hiện còn tồn tại như một báu vật của núi rừng Ngọc Linh của ông Lĩnh, nhiều người từ các nơi tìm đến hỏi mua. Có người trả giá hơn 30.000 USD, nhưng ông vẫn lắc đầu từ chối. “Thấy tiền trăm triệu ai không ham, nhưng từng đêm tôi nằm gác tay lên trán suy nghĩ, nếu đem cây sâm tổ bán đi được mấy tiền cũng tiêu hết nên quyết định giữ lại cho cháu con sau này làm giống. Nhờ đó mà tôi có cả vườn sâm rộng lớn, giúp gia đình có của ăn của để”, ông Lĩnh tâm sự.

Muốn khai thác 1 thì phải trồng 2…

Vì sao người dân từ chối bán sâm Ngọc Linh giá 30.000 USD? - 3

Cây sâm Ngọc Linh 7 nhánh hơn 30.000 USD mà ông Lĩnh từ chối bán.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện TW Quân đội 108 cho biết: “Việc người dân ở Quảng Nam đang sở hữu vườn Sâm Ngọc Linh có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có cây sâm 7 nhánh thì quả là quý hiếm. Với sự quý và hiếm như vậy thì cây sâm 7 nhánh nói trên được người mua trả giá 600 triệu đồng cũng là hợp lý”.

Theo vị chuyên gia Đông y, các loại sâm nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng giờ mọc trong tự nhiên hiện đã hết hoặc vô cùng hiếm. Việc một người dân đã may mắn tìm được cây sâm quý này về còn nhân giống thành hàng trăm cây con khác là điều rất đáng mừng.

Bác sĩ Toàn cũng cho biết, sâm Ngọc Linh có những tác dụng chính như đại bổ nguyên khí, dưỡng tâm an thần, tăng cường sinh lực. “Vì thế, ngày xưa trong Đông y thầy thuốc chỉ cần một lượng rất nhỏ (khoảng 1 lát mỏng) sâm vào thuốc Bắc để bồi bổ, hay dùng cho người ốm yếu thập tử nhất sinh rất có tác dụng. Do hàm lượng hoạt chất Famolin khá cao nên tác dụng nhanh. Còn hiện nay, có thể do thị trường khan hiếm nên có nhiều người tự trồng sâm theo hướng “tăng tốc” nên người ta dùng cả phân bón hay thuốc kích thích để tăng trưởng. Có trường hợp cho người ốm ngậm cả lạng sâm nhưng tác dụng rất mờ nhạt”, vị trưởng khoa Đông y phân tích.

“Đối với các loại dược liệu quý nếu được trồng ở các vùng đất có thời tiết thích hợp trong tự nhiên hoang dã thường có hàm lượng hoạt chất quan trọng rất cao. Do vậy, việc bảo vệ nguồn gen là đặc biệt quan trọng. Tôi ủng hộ cách bảo tồn sâm quý của người nông dân ở Quảng Nam”, bác sỹ Hoàng Khánh Toàn chia sẻ thêm.

Cùng trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Lương y Phùng Tuấn Giang - người đang lưu giữ số lượng lớn sâm Ngọc Linh quý hiếm đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục “Củ sâm nặng nhất Việt Nam” và “Củ sâm lâu năm nhất Việt Nam” chia sẻ: “Trường hợp người dân ở Nam Trà My, Quảng Nam đang lưu giữ loại sâm Ngọc Linh 7 nhánh là rất đặc biệt bởi những loại sâm quý hiếm và lâu năm như vậy không còn nhiều. Hiện nay, nhiều người dân vẫn đang khai thác sâm rừng một cách tận diệt chứ không quan tâm đến trồng lại và bảo tồn. Ở các nước khác, với những cây thuốc quý họ áp dụng nguyên tắc khai thác bền vững. Nghĩa là muốn khai thác 1 thì phải trồng 2. Để việc khai thác và bảo tồn được thực hiện tốt thì theo tôi cần phải có sự tham gia đồng bộ của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương”.

Một thôn có hơn 50 vườn sâm

“Chỉ tính tại thôn 3 Trà Linh hiện có hơn 50 vườn sâm Ngọc Linh có tuổi từ 1 đến 25 năm. Bình quân mỗi vườn có hàng chục nghìn gốc sâm các loại. Đây là cây sâm được nhân giống từ cây sâm tổ và một số được người dân nhổ từ trên núi đem về trồng và nhân giống tại vườn nhà. Nếu có chính sách đầu tư cho người dân phát triển trồng cây sâm Ngọc Linh, thì tương lai không xa người dân nơi đây sẽ giàu lên và sâm mới chính là cây chiến lược không chỉ cho Nam Trà My mà cho cả Quảng Nam và cả nước. Hiện chúng tôi đã thành lập dự án bảo tồn và phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh để từng bước triển khai”, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tuân (Báo Gia đình & Xã hội)
Sâm Ngọc Linh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN