Vì sao Bộ Công an chưa tăng cường cảnh sát vào TPHCM bắt cướp?

Năm 2013, Bộ Công an từng điều 600 cảnh sát cơ động vào TP HCM để bắt cướp, trấn áp tội phạm. Tuy nhiên, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K20), Bộ Công an cho biết, hiện không có lực lượng của K20 tăng cường tại TP HCM.

Vì sao Bộ Công an chưa tăng cường cảnh sát vào TPHCM bắt cướp? - 1

Vụ 2 hiệp sỹ bị băng cướp sát hại khiến dư luận phẫn nộ

Liên quan đến vụ trộm dùng hung khí đâm 5 hiệp sĩ thương vong xảy ra tại TP HCM, trao đổi với Tiền Phong, Trung tướng Phạm Quốc Cương-Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cho biết, hiện Bộ Tư lệnh không điều quân tăng cường cho TP HCM. Tuy nhiên theo Trung tướng Cương, lực lượng của Bộ Lư lệnh vẫn đóng xung quanh TP HCM, khi Công an TP HCM có yêu cầu hoặc xảy ra sự cố K20 sẽ hỗ trợ.

Theo Trung tướng Phạm Quốc Cương: Công an TP HCM có đủ sức hoàn thành nhiệm vụ thì hãy để các đồng chí ấy làm, khi nào có nhu cầu Bộ Tư lệnh sẽ tăng cường.

Trước đó, năm 2013, Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành-Giám đốc Công an TPHCM đưa ra đề xuất, Bộ Công an tăng cường lực lượng CSCĐ cho TP HCM tại buổi làm việc giữa Ban Giám đốc Công an TPHCM và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân về sơ kết một tháng cao điểm phòng chống tội phạm trên địa bàn.

Theo đề nghị của TPHCM, Bộ Tư lệnh CSCĐ quyết định tăng cường 600 cán bộ, chiến sỹ cho TPHCM để phục vụ công tác phòng chống tội phạm vào dịp cuối năm 2013 trên những tuyến đường trọng điểm.

Thời điểm đó, Đại tá Nguyễn Thanh Bảnh-Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh CSCĐ cho biết, trong số 600 CSCĐ tăng cường cho TP HCM có 300 CSCĐ của Trung đoàn Tây Nam bộ, 250 CSCĐ của Trung đoàn Đông Nam bộ, 50 CSCĐ còn lại thuộc tiểu đoàn đặc nhiệm đóng tại TP HCM.

Lực lượng tham gia tuần tra kiểm soát trên tuyến và địa bàn có 19 tổ (mỗi tổ 10 CSCĐ) và 1 trung đội chốt. Các tổ sẽ tuần tra liên tục (4 giờ/tổ) từ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Riêng một số tuyến và địa bàn nổi cộm, phức tạp về tình hình an ninh trật tự được bố trí lực lượng tuần tra 24/24 giờ.

Phương tiện tuần tra của mỗi tổ gồm 1 xe cơ giới và 2 xe mô tô, trang bị súng AK, súng bắn đạn cao su, dùi cui, roi điện, áo giáp, còng số 8 và đèn pin... Lực lượng tuần tra có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát nhằm trấn áp các loại tội phạm như cướp giật, cướp có tổ chức, có vũ khí, gây nguy hiểm cho người dân. Ngày đầu ra quân, lực lượng K20 tập trung nhắc nhở những trường hợp vi phạm như chạy xe lạng lách đánh võng và chưa chuyển giao cho địa phương xử lý trường hợp nào.

 Sau một tháng ra quân (từ 15/12/2012 đến 15/1/2013), TP HCM giảm 97 vụ phạm pháp hình sự so với tháng trước đó, án cướp giật giảm 99 vụ, án trộm tài sản giảm 33 vụ…Tỷ lệ điều tra, khám phá nhanh các vụ phạm pháp hình sự cũng tăng lên rất cao so với thời gian trước đó. Đối với các loại án ma túy, TP HCM khám phá bốn chuyên án, 91 vụ án ma túy, bắt 171 đối tượng, tịch thu 4 kg heroin, 2,5 kg ma túy tổng hợp dạng hàng ‘đá’, thu giữ 7 tỷ đồng và 150.000 USD là tiền tang vật.

TP HCM cũng tăng cường mạnh hơn công tác kiểm tra hành chính các nhà trọ, phòng trọ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng, khách sạn, những nơi tụ điểm nhạy cảm, phức tạp, thường hay phát sinh, xảy ra phạm pháp hình sự.

Tối 13/5, phát hiện nhóm trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP.HCM), 5 "hiệp sĩ" truy bắt chúng. Nhóm tội phạm tấn công khiến anh Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, quê Bình Định) và anh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) tử vong. Các "hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng (SN 1971, ngụ quận Tân Bình), Nguyễn Đức Huy (SN 1996, ngụ quận Tân Phú) và Đinh Phú Quý (SN 1996, ngụ huyện Củ Chi, cùng tại TP HCM) bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Hiện thời 3 "hiệp sĩ" này đã qua cơn nguy kịch.

Infographics: Những phát ngôn đanh thép về tội phạm cướp giật ở TP.HCM

Trước cuộc chiến chống nạn trộm cướp hoành hành, nhiều lãnh đạo TP.HCM đã có những phát ngôn đanh thép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH ĐỨC (Tiền Phong)
Hai hiệp sĩ bị trộm đâm chết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN