"Hiệp sĩ đường phố": Chúng tôi không chùn bước!

“Cũng như những anh em khác làm nghề này, chúng tôi muốn mang lại bình yên cho mọi người và không chùn bước”- "hiệp sĩ" Đỗ Công Tường chia sẻ.

"Hiệp sĩ đường phố": Chúng tôi không chùn bước! - 1

Hiệp sĩ đường phố Đỗ Công Tường chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi

Anh Tường – một trong những "hiệp sĩ" có mặt tại quê nhà của anh Nguyễn Văn Thôi (Mỹ Lợi, Phù Mỹ, Bình Định) từ rất sớm để tiễn đưa người anh em, người đồng nghiệp không may mắn nằm xuống trước mũi dao của kẻ thủ ác đêm 13/5 về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đôi mắt anh Tường hằn sâu sau những đêm mất ngủ, cùng quãng đường di chuyển vài trăm km từ TP.Hồ Chí Minh về Bình Định.

Anh tâm sự: những người trong nhóm "hiệp sĩ" đều là những anh em tha phương, mỗi người mỗi ngã, vô tình gặp nhau giữa Sài Gòn phồn hoa, đô hội. Ai cũng có công việc, có nghề nghiệp riêng. Người bán phở, rửa xe, người chạy xe ôm, bán nón lề đường... nhưng kết nối với nhau bởi một niềm "đam mê"...bắt cướp.

Tuy nhiên, theo anh Tường, một việc làm tưởng như chính nghĩa để đem lại bình yên cho xã hội nhưng cũng lắm gian nan, nguy hiểm và cả những dèm pha.

"Chúng tôi làm việc này một cách tự nguyện, trên tinh thần của mỗi người, chứ không hề nhận trợ cấp gì từ nhà nước. Tranh thủ sau những giờ làm việc vất vả, chúng tôi theo dõi những kẻ khả nghi. Khi có đủ chứng cứ hay bắt quả tang, chúng tôi liền bắt giữ để cho cơ quan chức năng. Vậy mà, có rất nhiều người vẫn chưa hiểu về công việc của chúng tôi", anh nói.

Giọng anh chầm chậm: Đất Sài Gòn phồn hoa, tội phạm liên quan đến trộm cướp rất nhiều. Ai đã tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm do cướp giật gây ra và những người có thân nhân bị nạn thì mới hiểu. Chúng tôi đã từng chứng kiến một người phụ nữ mang bầu, đang nghe điện thoại thì bị một tên cướp từ phía sau phóng tới giật khiến họ ngã ra đường, sẩy thai. Cũng có những người đàn ông cao to vẫn bị bọn cướp giật mạnh sợi dây chuyền đang đeo, thậm chí sau đó còn bị bọn cướp đạp ngã ra đường dẫn đến tai nạn. Ai đã từng chứng kiến hết những lần như vậy mới có thể hiểu được cái việc chúng tôi làm là như thế nào. Chúng tôi chẳng nhận về gì cho mình, chỉ là sau những giờ làm việc, cố gắng góp một phần nhỏ sức trẻ của mình cho cái thành phố chúng tôi đang sống được bình yên hơn mà thôi.

Điều anh trăn trở: Có những người không hiểu việc chúng tôi làm, họ nói nặng, nói nhẹ. Thậm chí nói chính xác hơn là nhiều người còn chửi.

Anh kể: Nhiều trong số anh em chúng tôi đã có gia đình, sau những giờ làm việc để kiếm đồng tiền ít ỏi, không ít người hỏi chúng tôi sao không tranh thủ về với gia đình. để quây quần bên con cái, hay những người còn trẻ sao không dành thời gian đưa người yêu mình đi chơi, đi dạo phố. Sao phải lang thang khắp các nẻo đường, ngỏ hẻm đến 11, 12 giờ khuya làm gì?

"Nhưng đó là đam mê. Ai có trái tim, có tinh thần trách nhiệm, ai cũng khát khao đóng góp một phần nào đấy cho đất nước mình, hay nhỏ hơn là nơi mình sống. Hãy thử một lần nhìn nhận lại rồi "đừng chửi tụi em nữa", anh tâm sự.

"Hiệp sĩ đường phố": Chúng tôi không chùn bước! - 2

Hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàn Nam ra đi vì sự bình yên của mỗi nóc nhà, khu phố

Thấm thoát 8 năm anh Tường theo nghiệp "hiệp sĩ" với đủ thăng trầm, trải nghiệm và đầy hiểm nguy.... Theo anh, ngã xe, tai nạn là chuyện như cơm bữa. Nhưng chúng tôi đã thề với lòng, cả những người còn sống hay những anh em nằm xuống, là sẽ giữ vững tinh thần.

"Việc anh Thôi và anh Nam đã hy sinh vì chính nghĩa như vậy, đó là một sự đau thương, mất mát khiến chúng tôi rất là buồn, nhưng chúng tôi sẽ không để những sự hy sinh ấy trở nên vô nghĩa. Chúng tôi sẽ không chùn bước", anh Tường nói 

"Sau sự việc lần này, mong những cơ quan chức năng tạo điều kiện để mở những khóa dạy anh em chúng tôi cũng như những anh em hiệp sĩ đường phố ở nơi khác có kĩ năng cũng như nhiều thế võ để đối phó với hiểm nguy mỗi khi đụng độ bọn cướp. Đồng thời hỗ trợ những công cụ để anh em khi làm việc, để đẩy lùi tội phạm, giữ trật tự cho xã hội mình", Tường nói về những mong muốn của mình.

”Hiệp sĩ” Bình Dương hoạt động theo quy chế của tỉnh

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Bình Dương đã tổ chức khá hiệu quả mô hình "hiệp sĩ" thông qua các CLB phòng chống tội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Đạt (Báo Giao thông)
Hai hiệp sĩ bị trộm đâm chết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN