Vi phạm GT: Đề xuất nộp phạt tại chỗ

Nên có hình thức xử phạt hợp lý hơn để vừa đảm bảo tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm mà vẫn không gây quá nhiều phiền hà cho người dân.

Hiện nay, nhiều chủ phương tiện giao thông bức xúc về việc mất quá nhiều thời gian và công sức để đi nộp phạt và lấy lại bằng lái. Một số ý kiến cho rằng, nên có hình thức xử phạt hợp lý hơn, để vẫn đảm bảo tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm, nhưng không gây quá nhiều phiền hà cho người dân, đặc biệt là mất quá nhiều thời gian cho một thủ tục thiết nghĩ quá đơn giản.

Từ thực tiễn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, thượng tá Đào Vịnh Thắng, phó trưởng phòng CSGT (PC67, CA TP.Hà Nội) kiến nghị cho phép CSGT xử phạt và xé biên lai tại chỗ, giảm thủ tục, phiền hà cho người dân. Theo thượng tá Thắng, việc xử lý xe vi phạm hiện rất phức tạp. Nhiều trường hợp tổng số tiền phạt và tiền lưu kho bãi còn cao hơn trị giá của xe nên người dân không đến lấy xe nữa. Xử lý một xe vi phạm rất phiền toái, kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Xe không có giấy tờ phải tra cứu số khung, số máy rồi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó thành lập hội đồng xử lý tang vật. Cả TP đang tồn đọng hàng vạn xe như vậy, trong khi đó kho bãi thì phải đi thuê. Như vậy rất lãng phí cho xã hội. “Khi bị phạt, người dân thường phải đi đến các cơ quan hành chính tới 4 lần mới nộp được tiền phạt”, ông phó phòng nhấn mạnh.

Vi phạm GT: Đề xuất nộp phạt tại chỗ - 1

Đề xuất xử phạt tại chỗ được nhiều người dân đồng tình, ủng hộ

Hiện tại, quy trình xử phạt với những trường hợp lái xe vi phạm mà không được nộp phạt tại chỗ là lập biên bản và có xác nhận của người vi phạm; Chờ 5 - 7 ngày sau đi lên trụ sở Cảnh sát giao thông sở tại giải quyết để lấy biên bản xử phạt; Tới kho bạc nộp tiền và lấy biên lai nộp tiền; Về trụ sở Cảnh sát giao thông sở tại để đổi biên lai nộp tiền lấy giấy hẹn; 30 ngày sau thì mang giấy hẹn lên lấy bằng. Chính vì sự phức tạp, nhiêu khê trong xử phạt người vi phạm Luật Giao thông đã gián tiếp dẫn tới rất nhiều hiện tượng hối lộ hay chống đối người thi hành công vụ, bỏ chạy khi vi phạm... Vô hình chung, việc xử phạt không những không làm nâng cao ý thức tham gia giao thông mà gia tăng sự coi thường luật pháp, tạo điều kiện cho tham nhũng trong thi hành công vụ.

Theo nhận định của các chiến sỹ CSGT, việc xử phạt tại chỗ sẽ thuận tiện hơn. Theo đó, nên tăng thẩm quyền mức phạt cho cán bộ chiến sĩ, nếu hiện tại là chỉ được tiến hành xử phạt tại chỗ 200 nghìn đồng thì nên tăng lên 500 nghìn đồng. Ví dụ như người ta ở tận Cao Bằng, Lạng Sơn... xuống Hà Nội, nếu bị vi phạm giao thông mà mức xử phạt quá 500 nghìn đồng thì người ta phải chờ các đội mang hồ sơ về phòng CSGT ký, lúc đó mới nộp phạt được. Nếu cho người ta nộp phạt ngay thì người ta vui vẻ chấp nhận, nhưng bắt người ta chờ mấy ngày để lấy biên lai nộp phạt và lấy lại giấy tờ thì người ta rất bức xúc. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến người ta chống đối lại lực lượng thực thi nhiệm vụ. Hiện nay, thẩm quyền xử phạt của các đội trưởng CSGT cũng chỉ là 500 nghìn đồng, nên tăng thẩm quyền đó cao hơn nữa vì nhiều đội ở xa trung tâm, khi mang hồ sơ về Phòng CSGT ký, rất mất thời gian chờ đợi, người dân cũng sẽ bức xúc hơn.

Trong khi đó, theo kỹ sư Tô Đức Công (ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) lại cho rằng, việc xử phạt tại chỗ rất thuận tiện cho người vi phạm luật lệ giao thông, bất kỳ lái xe nào khi vi phạm luật giao thông đều muốn xin được xử phạt tại chỗ, đỡ mất thời gian đi lại.

“Nhiều trường hợp người vi phạm giao thông là người tỉnh khác, chi phí đi lại để nộp phạt còn tốn kém hơn tiền phạt, dễ dẫn đến tâm lý hối lộ cho xong”, ông Đỗ Văn Cương, Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hường - Tuân (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN