Về tâm dịch Bắc Giang đấu với "thần chết" cứu bệnh nhân Covid-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Họ là những y bác sĩ đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, đã không một chút do dự khi quyết định lên đường đến tâm dịch Bắc Giang.

Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bắc Giang

Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bắc Giang

Nhờ sự tận tâm của họ, hàng trăm bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng đã thoát khỏi “cửa tử”.

Xuống tóc, cạo trọc đầu với quyết tâm chống dịch

Ngày 5/6, Phạm Thị Huế (điều dưỡng viên Khoa Hồi sức tích cực, chống độc - thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu tham gia chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân F0 tại Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Huế là nhân viên y tế trẻ nhất trong đoàn cán bộ, y, bác sĩ từ nhiều bệnh viện của Quảng Ninh lên đường đến chi viện cho Bắc Giang.

“Dù hiện đang sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh nhưng Lục Ngạn, Bắc Giang là nơi “chôn rau, cắt rốn” thế nên ngay từ ngày đầu nghe tin dịch dã ập đến với Bắc Giang, em đã rất nôn nóng và mong muốn góp sức nhỏ cùng quê hương chống dịch”, nữ điều dưỡng 23 tuổi chia sẻ.

Chính vì vậy, cô gái trẻ không ngại ngần xung phong lên đường ngay khi có thông tin lập đoàn chi viện thứ 2 về Bắc Giang. Để sẵn sàng cho trận chiến Covid-19, cô gái trẻ không ngần ngại “xuống tóc”, cắt mái tóc ngang vai thành tóc tém để thuận tiện cho công việc chất chứa đầy căng thẳng ở nơi nguy cơ lây nhiễm rất cao, đó là chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.

“Mình từng mặc đồ bảo hộ kín mít làm việc từ 6h - 14h nhưng với những ngày hè nóng nực ở Bắc Giang thì đó là thách thức. Sau nhiều đắn đo, mình quyết định cắt tóc ngắn để thuận tiện cho công việc”, Huế chia sẻ.

Có mặt trước đoàn của Huế 2 ngày là đoàn nhân viên y tế Đà Nẵng. BS. Phan Văn Chung, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện C Đà Nẵng chia sẻ: “Trước khi lên đường, mấy anh em quyết định cạo trọc đầu cho đỡ nóng và vướng víu khi phải mặc bộ đồ bảo hộ, đồng thời cũng an toàn hơn, tránh bị lây nhiễm Covid-19 khi làm việc lâu dài cùng bệnh nhân nặng...”.

“Chúng tôi thấu hiểu được sự phức tạp của đợt dịch lần này, đặc biệt là ở Bắc Giang nên đều mong được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch. Chỉ sau đúng 1 ngày nhận lệnh là đoàn lập tức lên đường vào tâm dịch. Với kiến thức, cũng như kinh nghiệm chống dịch tại Đà Nẵng, chúng tôi cố gắng góp phần công sức để Bắc Giang chiến thắng dịch”, BS. Chung nói.

Những ngày này ở Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc trong tâm dịch Bắc Giang, không khó bắt gặp những mái đầu trọc lốc.

Với họ, ngoại hình có xấu đi đôi chút cũng không hề gì, bởi mục tiêu duy nhất là hoàn thành tốt phận sự gánh trên vai, chiến đấu với thần chết, giành giật lại sự sống cho các bệnh nhân Covid-19.

Từ nhiều vùng miền khác nhau, tất cả đều hội tụ về điểm nóng này với mong muốn chung tay đẩy lùi dịch bệnh và chuyến đi này với họ có thể sẽ còn dài và chưa rõ ngày trở về bên gia đình, người thân.

Bệnh nhân phục hồi là niềm hạnh phúc lớn

Bệnh nhân nặng được điều trị tại Bắc Giang

Bệnh nhân nặng được điều trị tại Bắc Giang

Cũng như Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện Phổi Bắc Giang cơ sở đầu tiên được lựa chọn, thành lập đơn nguyên Hồi sức tích cực để điều trị cho hơn 50 bệnh nhân Covid-19 nặng và rất nặng. Với các y, bác sĩ nơi đây, mỗi ca bệnh chính là một trận chiến, giành giật sự sống mong manh cho những bệnh nhân “thập tử, nhất sinh”.

BSCKII. Trần Thanh Linh là một trong những y, bác sĩ thuộc Đội Phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy được điều động chi viện cho Bắc Giang khi xuất hiện những ca bệnh nặng đầu tiên tại nơi đây. Anh vốn được nhiều người yêu mến gọi “Bác sĩ 91” vì kỳ tích cứu sống bệnh nhân người Anh - BN 91 ngay trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên.

Chia sẻ về ca bệnh đầu tiên rất nặng mà đội tiếp nhận, BS. Linh cho hay: “Đó là nam bệnh nhân (SN 1987), quê Lục Nam, Bắc Giang, chuyển từ tuyến huyện lên trong tình trạng khó thở và được chỉ định thở Oxy 5l/p, điều trị bằng kháng sinh, bù điện giải, hạ sốt nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Những ngày sau đó, dù các y, bác sĩ nỗ lực hết sức nhưng tình hình sức khỏe thêm nguy kịch, bệnh nhân được cho thở máy, đặt ống nội khí quản, lọc máu và nhiều loại thuốc hỗ trợ khác… Thật may mắn, ở giai đoạn căng thẳng nhất, bệnh nhân đã ngoạn mục ngược dòng phục hồi. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, có thể ăn uống và đặc biệt đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2”.

Theo BS. Linh, hầu hết bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang đều tổn thương phổi. Mặc dù có rất nhiều bệnh nhân trẻ khỏe trước đó nhưng bệnh diễn tiến nặng vẫn rất nhanh.

Hiện nay, ekip 13 thành viên của Bệnh viện Chợ Rẫy luôn túc trực ngày đêm cùng các đồng nghiệp tại địa phương tích cực theo dõi và điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

“Tiên lượng trong thời gian tới sẽ còn nhiều bệnh nhân nặng đến nguy kịch bởi số ca mắc mới vẫn chưa dừng lại nhưng chúng tôi luôn cố gắng với mục tiêu tất cả bệnh nhân đều được chăm sóc tích cực tối ưu nhất và giảm thiểu tối đa số bệnh nhân tử vong”, BS. Trần Thanh Linh xúc động chia sẻ.

Chinh chiến ở nhiều chiến tuyến trong suốt chiều dài các đợt dịch, nhưng với cuộc chiến ở Bắc Giang, BS. 91 tâm sự: “Chúng tôi xác định ngày đi sẽ lâu hơn, nhiều cam go hơn với biến thể virus làm tốc độ lây lan nhanh và bệnh diễn tiến nặng hơn nhưng tôi cùng các đồng nghiệp có niềm tin mãnh liệt sẽ chiến thắng được đợt dịch lần này”.

Nguồn: [Link nguồn]

Sáng 9/6, thêm 64 ca mắc COVID-19

Bộ Y tế cho biết, sáng 9/6, Việt Nam ghi nhận 64 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca tại Việt Nam lên 9.222 ca.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Uyên Vũ ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN