Vào rừng săn mối cùng người K’Ho

Sự kiện: Thời sự

Mối cánh là món ăn ngon, lạ và hiếm của người K’Ho bản địa ở núi rừng Tây Nguyên nên họ luôn biết cách săn mối và bảo tồn để chúng có thể sinh sôi mà không bị tận diệt

Khi ánh nắng cuối ngày của mùa đông ở núi rừng Tây Nguyên tắt dần là lúc từng đàn mối “lột xác” rời tổ bay ra ngoài. Lúc này, người dân K’Ho bản địa lại rủ nhau băng rừng đi tìm con mối. Đối với họ, mối chính là món đặc sản hiếm hoi, nhiều bổ dưỡng.

Kỹ nghệ săn mối

Vượt hơn 70 km từ TP Đà Lạt, chúng tôi tìm gặp anh K’Vẻs (45 tuổi, người dân tộc K’Ho, ngụ xã Tân Lâm, huyện Di Linh) - một trong những thợ “săn” mối sành sỏi nơi đây. K’Vẻs và vợ đang chờ sẵn trước cửa nhà. Thấy chúng tôi, người đàn ông K’Ho có thân hình vạm vỡ này vẫy tay hối thúc: “Nhanh lên. Đi trễ là con mối bay hết”.

Vào rừng săn mối cùng người K’Ho - 1

Vào rừng săn mối cùng người K’Ho - 2

Những ổ mối luôn là nguồn cung cấp thực phẩm đặc biệt của người K’Ho. Ảnh dưới: Món mối rang béo ngậy

Băng vào rừng thông cách nhà hơn chục cây số, anh K’Vẻs ra hiệu cho nhóm săn mối tấp xe vào bìa rừng rồi bắt đầu leo núi tìm mối. “Con mối, người K’Ho gọi là k’nạp, chúng có nhiều loại gồm bơtau k’nạp (mối chúa), mối thợ, mối lính, k’nạp brùng và k’nạp byae... Riêng k’nạp brùng không ăn được, thường dùng để làm mồi câu cá… Mối thường rời tổ vào buổi chiều khi thời tiết nắng ráo, còn những ngày mưa sẽ không rời tổ vì nướt mưa sẽ nặng cánh không bay được”- anh K’ Vẻs cho biết.

Theo người dân bản địa, năm ngoái mối bắt đầu ra khỏi tổ vào tháng 10, tuy nhiên năm nay do mưa nhiều, mãi đến đầu tháng 11 mới bắt đầu rời tổ. Đang chăm chú ghi chép thông tin từ nhóm săn mối thì anh K’Vẻs hô lên “bơ tul k’nạp, bơ tul k’nạp!” (tổ mối, tổ mối) khiến cả nhóm hò reo hưng phấn. Lại gần tổ mối, chúng tôi tận mắt thấy nhiều mối thợ, mối lính... ùa ra ngoài vì bị động.

Với kinh nghiệm săn mối lâu năm, anh K’Vẻs khẳng định tổ mối này chưa bị ai bắt. Để dụ cho mối bay ra phải có kỹ năng điêu luyện. Người K’Ho nơi đây thường dùng cái rút (dụng cụ đan bằng nan tre chuyên dùng bắt mối) đặt vào từng lỗ mối hoặc đơn giản hơn là dùng mùng giăng kín.

Sau khi giăng mùng xong, K’Vẻs lấy hai cái giề đựng mối đặt ở góc mùng. “Khi mối bay ra, mùng sẽ chắn lại. Lúc này hàng ngàn con mối sẽ bò tới hai bên gốc mùng rồi tự rớt xuống giề đặt sẵn trước đó!” - anh K’ Đô, một thành viên trong nhóm, chỉ dẫn.

Khi dụng cụ bắt mối đã sẵn sàng, lúc này anh K’Vẻs và một vài người trong nhóm bắt đầu dụ mối ra. Thấy có tiếng động, từng đàn mối lính, mối thợ di chuyển qua lại, giương càng ra oai để bảo vệ hang ổ và mối chúa. Lúc này, anh K’Vẻs và hai người bạn sử dụng các điếu thuốc sâu kèn to sụ quấn bằng lá nha pồt jrào (một loại lá rừng gần giống thuốc rê) phun khói vào hang. Chỉ 5-10 phút sau, mối ồ ạt bay ra ngoài lọt vào bẫy.

Theo dõi từng động tác một của người K’Ho khi bắt mối, chúng tôi ngạc nhiên bởi không một ai đụng đến mối chúa.

Anh K’Vẻs cho biết trước đây, nhiều nhà hàng tìm mua những con mối chúa để chế biến món ăn theo nhu cầu của các “đại gia”. Họ cho rằng mối chúa là phương thuốc đặc trị chứng bất lực ở đàn ông(!?). Một số người đã tận diệt các ổ mới bằng cách phá tổ bắt mối chúa. Còn nhóm săn mối của anh K’ Vẻs thì khác, họ rất thân thiện với đàn mối bởi bắt hết mối chúa đồng nghĩa sẽ không còn đàn mối cho những đợt săn sau.

Đặc sản của núi rừng

Mải mê theo dõi cách bắt mối của người K’Ho, chúng tôi không hay trời đã quá khuya. Anh K’Vẻs ra hiệu cho cả nhóm thu gom hết dụng cụ bắt mối chuẩn bị rời “chiến trường”. Thành quả của chuyến săn là hơn 5 kg mối béo ú. Nhìn những con mối lúc nhúc di chuyển trong giề, chúng tôi háo hức nghĩ đến các món ăn mà người K’Ho nơi đây có thể chế biến.

Anh K’Vẻs vừa gạt những giọt mồ hôi còn thấm trên trán, kể: “Trung bình mỗi lần đi săn thì bắt được khoảng 2-3 kg. Riêng những tay săn mối chuyên nghiệp thì một ngày bắt được 5 kg là cao. Giá mỗi kg khoảng 100.000-150.000 đồng nhưng người đồng bào K’Ho chúng tôi không bắt mối để bán mà chủ yếu chế biến thành các món ăn làm quà biếu khách quý”.

Từ những con mối bắt được, người K’Ho có thể chế biến thành nhiều món ăn như: chiên, rang, xào, hấp... Ngoài ra, một số người K’Ho còn sử dụng mối cho vào các món canh thông thường. Họ cho rằng canh có mối là rất béo, bổ dưỡng và thơm ngon hơn.

Sau khi bắt những con mối về, họ bỏ mối vào túi đựng rồi lắc nhẹ cho rụng hết cánh. Đối với cộng đồng người K’Ho, mối được họ chế biến thành món mối rang muối bởi nó có thể để lâu, không hư.

Để khám phá món ăn từ mối, anh K’Vẻs bốc 2 nắm mối cho vào xoong, thêm tí nước để hấp. Ít phút sau, anh K’Vẻs rải đều muối vào rồi múc ra dĩa mời chúng tôi thưởng thức. Lần đầu tiên ăn món mối, cảm giác rất tuyệt, nó hấp dẫn bởi vị béo ngậy, bùi bùi... khá giống món dế. Nhưng ở mối càng ăn càng khoái, như có một chất gây thèm ăn.

Để 5-6 tháng không hư

Qua tìm hiểu, được biết xưa kia người K’Ho còn dự trữ mối cho những ngày khan hiếm thực phẩm bằng cách đem phơi 1-2 nắng cho khô, rồi bỏ vào dinh dor (ống nứa) và gác trên giàn bếp. Dù để đến 5-6 tháng sau lấy ra chế biến, mối vẫn giữ nguyên mùi vị rất đặc biệt, không lẫn vào đâu được. Mỗi lần nấu nướng, chỉ cần lấy một ít mối là đã có được nồi canh bí, canh bầu hoặc canh rau bép... thơm ngon. Số mối còn lại trong ống tre chỉ cần đậy kỹ treo lên bếp để dành lần sau. Đối với người K’Ho, đây là món ăn rất hiếm nên phải tiết kiệm bởi mối chỉ xuất hiện mỗi năm một lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Thi (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN