Vạch mặt nhóm phiến quân Nigeria bắt cóc 276 nữ sinh

Ngay cả các chiến binh thánh chiến Hồi giáo cũng sốc với tội ác của Boko Haram.

Từ lâu, giới học giả và các tổ chức Hồi giáo trên khắp thế giới đã chối bỏ nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram ở Nigeria vì sự tàn bạo phi nghĩa và những hành động tấn công dân thường đẫm máu của chúng.

Tuy nhiên, các chiến binh Hồi giáo trên thế giới đã tỏ ra thật sự sốc trước thông tin nhóm phiến quân này bắt cóc hơn 200 nữ sinh từ một ngôi trường trung học để ép làm nô lệ tình dục và dọa sẽ bán họ cho bọn buôn người.

Trên một trang web của các chiến binh thánh chiến Hồi giáo, một thành viên viết: “Có thông tin cho biết họ tấn công cả các nữ sinh trung học nhân danh Hồi giáo. Boko Haram đã giết quá nhiều người dân vô tội thay vì kẻ thù có vũ trang. Cầu mong Đức Allah soi đường cho chúng.”

Vạch mặt nhóm phiến quân Nigeria bắt cóc 276 nữ sinh - 1

Một vụ tấn công bằng bom xe do Boko Haram thực hiện

Sự tức giận của các chiến binh thánh chiến trước tội ác của Boko Haram thể hiện sự chia rẽ ngày càng lớn về tư tưởng trong các mạng lưới phiến quân Hồi giáo trên thế giới.

Boko Haram là tập hợp một nhóm chiến binh xung quanh một lãnh tụ kiểu cứu thế, người tự xưng là có thể nói chuyện với Thượng đế và yêu cầu các tín đồ nộp hết tài sản cho nhóm. Các học giả Hồi giáo cho rằng nhóm này hoạt động giống như một giáo phái hơn là một phong trào Hồi giáo chính thống.

Ở Nigeria, cộng đồng người theo Thiên Chúa giáo sống tập trung ở miền nam, trong khi miền bắc là địa bàn của các tín đồ Hồi giáo.

Được thành lập vào đầu những năm 2000, Boko Haram trở thành một phong trào Hồi giáo cực đoan lôi kéo sự tham gia của nhiều sinh viên được ăn học đàng hoàng. Mãi sau này Boko Haram mới bị chính trị hóa và bị thủ lĩnh Mahamed Yusuf thâu tóm.

Vạch mặt nhóm phiến quân Nigeria bắt cóc 276 nữ sinh - 2

Boko Haram được huấn luyện và trang bị rất chuyên nghiệp

Từ “Boko Haram” dịch theo tiếng địa phương mang nghĩa “Giáo dục phương Tây là tội lỗi”, và nhóm phiến quân này đặt mục tiêu chống lại nền giáo dục kiểu phương Tây ở Nigeria, đặc biệt là với phụ nữ theo đạo Hồi.

Boko Haram đã lợi dụng nỗi bất mãn của người dân ở miền bắc Nigeria về tình trạng đói nghèo và thiếu cơ hội công bằng, cộng với tình trạng lạm quyền của lực lượng an ninh chính phủ để trở nên lớn mạnh và thu hút thêm nhiều lực lượng.

Theo giáo sư Paul Lubeck thuộc Đại học California, Mỹ chuyên nghiên cứu về Boko Haram, trong thời kỳ đầu đấu tranh chống lại chính phủ Nigeria, nhóm này thường tránh gây thương vong cho dân thường.

Tuy nhiên điều đó đột ngột thay đổi vào tháng 7/2009, khi khoảng 70 chiến binh Boko Haram trang bị súng và lựu đạn tấn công một đền thờ và đồn cảnh sát ở thị trấn Bauchi. Theo một bức điện ngoại giao Mỹ bị trang WikiLeaks tiết lộ, khoảng 55 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công đó.

Vạch mặt nhóm phiến quân Nigeria bắt cóc 276 nữ sinh - 3

Thủ lĩnh Boko Haram đứng trước xe bọc thép dọa sẽ bán các nữ sinh làm nô lệ

Ngày hôm sau, lực lượng an ninh Nigeria mở một cuộc tấn công trả đũa đẫm máu, sát hại hơn 700 người, trong đó có nhiều dân thường vô tội bị kẹt giữa hai làn đạn. Các sĩ quan cảnh sát lôi thủ lĩnh Yusuf lên trước truyền hình và sau đó xử tử ông này ngay trước đám đông ở bên ngoài đồn cảnh sát, hành động khiến Boko Haram ngày càng trở nên điên cuồng và bạo lực hơn.

Ba tuần sau, tổ chức khủng bố al-Qaeda công khai tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ và cảm thông đối với Boko Haram. Các nhóm khủng bố al-Qaeda đã tiếp nhận những tay súng còn sống sót của Boko Haram trốn ra nước ngoài. Chính phủ Algeria cho biết một số thành viên Boko Haram đã được huấn luyện trong các trại khủng bố của al-Qaeda ở nước này.

Ngoài ra, Boko Haram còn công bố đoạn video cho thấy một số thành viên của chúng được huấn luyện ở Somalia cùng với các chiến binh của nhóm al-Shabab, một tổ chức khủng bố thân al-Qaeda.

Vạch mặt nhóm phiến quân Nigeria bắt cóc 276 nữ sinh - 4

Người dân Nigeria biểu tình đòi chính phủ tiến hành chiến dịch giải cứu nạn nhân bị bắt cóc

Đến cuối năm 2010, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh mới là Abubakar Shekau, Boko Haram bắt đầu thực hiện những cuộc tấn công đẫm máu hơn.

Các chiến binh của nhóm này bắt đầu các chiến dịch ám sát bằng chiến thuật nổ súng vào nạn nhân và tẩu thoát nhanh bằng xe máy. Chúng cũng sử dụng cả xe bán tải gắn súng máy hạng nặng được mua từ Libya sau khi chế độ Moammar Gadhafi sụp đổ.

Vụ tấn công quy mô lớn đầu tiên của Boko Haram nhằm vào lợi ích của phương Tây ở Nigeria diễn ra vào tháng 8/2011, khi nhóm này khủng bố bằng xe bom vào trụ sở Liên Hợp Quốc ở thủ đô Abuja khiến hơn 20 người thiệt mạng.

Đến mùa xuân 2013, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 3 bang miền bắc, điều thêm quân đội đến đây để trấn áp nhóm phiến quân Boko Haram.

Vạch mặt nhóm phiến quân Nigeria bắt cóc 276 nữ sinh - 5

Quân đội Nigeria chuẩn bị cho chiến dịch giải cứu các nữ sinh bị bắt cóc

Mặc dù Boko Haram nhận được sự ủng hộ của al-Qaeda, giáo sư Lubeck cho rằng nhóm phiến quân này không hề liên quan có hệ thống hay chiến lược tới mạng lưới khủng bố toàn cầu.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đã gọi tên thủ lĩnh Shekau là một tên khủng bố đặc biệt và đã treo giải thưởng 7 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc tiêu diệt tên này.

Sau khi Boko Haram bắt có hơn 270 nữ sinh làm nô lệ tình dục, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi nhóm này là “một trong những tổ chức khủng bố tồi tệ nhất thế giới” và cam kết sẽ đưa lực lượng tới hỗ trợ Nigeria giải cứu các nạn nhân.

Hôm nay, các lực lượng quân đội, cảnh sát và tình báo Mỹ đã đặt chân đến Nigeria, chuẩn bị cho chiến dịch truy tìm và giải cứu các nữ sinh bị bắt cóc. Ngoài ra, cả Anh và Canada cũng tuyên bố hỗ trợ về nhân lực, vật lực giúp quân đội Nigeria thực hiện chiến dịch lớn để đưa các nữ sinh này về nhà an toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN