Ứng viên tổng thống Mỹ Romney bị chê
Mạnh miệng phê phán chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama là “yếu đuối” nhưng những gì ông Mitt Romney trình bày lại bị chê “mơ hồ một cách nguy hiểm”.
Tiếp nối thành công từ cuộc tranh luận đầu tiên, ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Mitt Romney đã công bố chính sách ngoại giao trong bài diễn văn đọc tại Học viện Quân sự Virginia ngày 8/10 (giờ địa phương).
Trong bài phát biểu của mình, ông Romney công kích mạnh mẽ chính sách đối ngoại của ông Obama là “yếu đuối, thụ động”; đồng thời cam đoan nếu đắc cử, ông sẽ sử dụng sức mạnh Mỹ để định hướng các sự kiện trên thế giới thay vì chỉ chạy theo đối phó.
Tập trung vào vấn đề Trung Đông, cựu thống đốc bang Massachusetts cáo buộc chính quyền Obama chậm xác định khủng bố đứng sau vụ tấn công làm chết đại sứ Mỹ Christopher Stevens và 3 quan chức ngoại giao ở Benghazi (Libya). Ông Romney cũng cáo buộc chiến lược thụ động thay vì hợp tác với các đồng minh trong khu vực khiến nguy cơ xảy ra xung đột tại Libya cao hơn so với lúc ông Obama lên cầm quyền đầu năm 2009. Ứng viên Đảng Cộng hòa cũng cam kết sẽ gia tăng viện trợ quân sự để xóa bỏ khoảng cách giữa Mỹ - Israel do Tổng thống Obama gây ra cũng như siết chặt các đòn trừng phạt nhằm buộc Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Ông Mitt Romney giới thiệu chính sách đối ngoại tại Học viện Quân sự Virginia. Ảnh: ABC
Với Syria, quan điểm của ông Romney là tìm kiếm các phần tử đáng tin cậy trong phe đối lập để cung cấp vũ khí và hỗ trợ họ lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Chưa hết, cựu thống đốc 65 tuổi còn thách thức tổng thống Nga bằng tuyên bố “sẽ không lưỡng lự trước Vladimir Putin trong vấn đề phòng thủ tên lửa”.
Theo các nhà phân tích, ông Romney đang muốn lợi dụng làn sóng bạo lực chống Mỹ để làm lu mờ những điểm mạnh trong thời kỳ Obama, như cái chết của Osama Bin Laden và sự thay đổi quyền lực tại Libya. Rủi thay, bài phát biểu hùng hồn của ông Romney không nhận được nhiều tán thưởng.
Cựu ngoại trưởng dưới thời tổng thống Dân chủ Bill Clinton, bà Madeleine Albright, chê bài phát biểu của ông Romney “toàn những điều nhàm chán”. Theo bà, chính sách đối ngoại của ứng viên Đảng Cộng hòa “mơ hồ một cách nguy hiểm” khi đề cập từ Syria, Libya, Iran đến Tổng thống Putin mà không đưa ra giải pháp cụ thể. “Ban đầu, ông ta đòi can thiệp vào Syria, giờ chỉ nói “chống lại”. Nếu Romney định vũ trang cho quân nổi dậy Syria thì ông ta có tính can thiệp để kết thúc chế độ Assad như chế độ Muammar Gaddafi ở Libya? Tóm lại, tôi không hiểu ông ta định làm gì ở Syria” - bà Albright nhận xét.
Cũng theo cựu ngoại trưởng Mỹ, nước Nga xứng đáng được tôn trọng hơn là e ngại. “Nga hỗ trợ cho công tác tiếp tế tại Afghanistan. Do đó, chúng ta không thể nhìn nhận họ như hồi chiến tranh lạnh”. Không chỉ cho ông Romney điểm C khiêm tốn, bà còn bồi thêm: “Có thể ông ấy chẳng biết gì về vai trò của nước Mỹ trong thế kỷ XXI”.
Ê kíp vận động cho Tổng thống Obama cũng không ngồi yên. Nữ phát ngôn viên Jen Psaki tuyên bố thẳng thừng với cánh phóng viên: “Chúng tôi không định nghe những lời dạy bảo của người luôn gây ra thảm họa ngoại giao. Ông ấy chỉ thích vỗ ngực đe dọa người khác”.
Cuộc rượt đuổi Romney - Obama Khảo sát trên số cử tri đăng ký bỏ phiếu, ông Romney đã cân bằng tỉ lệ ủng hộ 46% - 46% với ông Obama. Tỉ lệ này hồi tháng 9 là Romney 42% - Obama 51%. Thăm dò trong số cử tri có thể đi bỏ phiếu, ông Romney thậm chí còn vượt lên (49%) so với ông Obama (45%). Đây là cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành từ ngày 4 đến 7/10 và công bố ngày 8/10. Tổng cộng, có 1.511 người được hỏi. |