Tục “không tái giá” ở làng Trinh Tiết giờ ra sao?

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Sự tích thôn Trinh Tiết gắn liền với sự thuỷ chung, son sắt, sống có nghĩa có tình đến nay vẫn được người dân gìn giữ.

Cụ Hảo, 75 tuổi, người làng Trinh Tiết cho biết, cụ đã lên lão được 25 năm

Cụ Hảo, 75 tuổi, người làng Trinh Tiết cho biết, cụ đã lên lão được 25 năm

Truyền thống không tái giá (kết hôn lại) khi vợ/chồng chẳng may qua đời ở ngôi làng mang tên Trinh Tiết (xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tuy dần mai một, nhưng vẫn là câu chuyện giáo dục lớp trẻ trong việc giữ gìn hạnh phúc, đề cao sự son sắt, thủy chung vẫn luôn được nhắc đến như một nếp sống, một “thương hiệu” của làng.

Những câu chuyện như trong cổ tích

Nằm ở huyện ngoại thành của Hà Nội, cách trung tâm thành phố đô hội chừng 50km, nhưng làng Trinh Tiết (huyện Mỹ Đức) vẫn gần như giữ nguyên nếp quê đặc trưng với những mái nhà ngói, con đường lát gạch đỏ, những con người chân chất hiếu khách... Đặc biệt, ở làng quê nép mình bên dòng sông Đáy, hướng về dãy núi Hương Sơn này, có rất nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người, tình chồng vợ son sắt thủy chung...

Vui vẻ chỉ tay vào cổng làng, ông Bùi Văn Thái, Trưởng thôn Trinh Tiết tự hào kể, sự son sắt, thủy chung đã trở thành “thương hiệu”, làm nên cái tên cho làng. Làng có nhiều người phụ nữ goá bụa từ khi còn rất trẻ, nhưng đều ở vậy thờ chồng nuôi con như các bà: Bùi Thị Tít, Lê Thị Vấn, Bùi Thị Dung, Lê Thị Phấn, Lê Thị Huy… Đàn ông ở vậy nuôi con cũng không hiếm như các ông: Nguyễn Văn Tân, Đào Minh Lơ, Nguyễn Văn Thạnh...

Cụ từ Nguyễn Văn Vượng (72 tuổi là người trông nom đình Trung của làng Trinh Tiết) cho hay, tấm gương về sự tiết hạnh để từ đó có cái tên Trinh Tiết của làng, bắt nguồn từ câu chuyện cổ.

Tương truyền làng Trinh Tiết ban đầu có tên là làng Bối Lang, sau đổi là làng Sêu. Làng Sêu nổi tiếng có nhiều con gái đẹp và đảm, trong đó đẹp và giỏi nhất là bà Thanh. Bà Thanh sinh được Triệu Quốc Bảo (Bảo Công) thì chồng mất. Vốn đẹp và đảm nức tiếng gần xa, bà Thanh được rất nhiều chàng trai giàu có đến ngỏ lời cầu hôn, nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết thờ chồng, tần tảo nuôi con một mình, nhất quyết không tái giá. Sau này, Triệu Quốc Bảo trở thành danh tướng, có công đánh giặc ngoại xâm nên được thờ là Thành hoàng của làng Sêu, còn câu chuyện bà Thanh được nhà vua biết đến, xúc động mà đổi tên làng thành Trinh Tiết.

“Chả ai bắt ép, cũng chả có quy ước nào của làng bắt người chồng/người vợ không tái giá, nhưng dường như cứ theo gương người đi trước, họ tình nguyện sống như vậy. Giờ thời hiện đại, câu chuyện không tái giá, sắt son tình nghĩa vợ chồng cũng mai một dần, nhưng người dân ở đây vẫn trọng sự thủy chung, chế độ một vợ một chồng, họ vẫn luôn dạy con cái “không ăn cơm trước kẻng”, sống sau trước một lòng. Thành ra, những chuyện có con ngoài giá thú, sinh con trước hôn nhân... vẫn là hiếm hoi ở làng”, ông Thái nói.

Chỉ tay vào ngôi nhà mái ngói đơn sơ góc làng, ông Thái cho biết đó là nhà của cụ Lê Thị Vấn năm nay đã hơn 70 tuổi. Cụ Vấn lấy chồng xong, sinh được cậu con trai, thì chồng đi bộ đội hy sinh. Khi ấy, cụ Vấn còn rất trẻ, và cụ cũng rất đẹp, đàn ông trong và ngoài làng đánh tiếng hỏi cưới rất nhiều, nhưng bà đều từ chối, quyết ở vậy nuôi con khôn lớn. “Con trai cụ Vấn giờ làm giáo viên, mới đưa mẹ ra ngoài thị trấn huyện”, ông Thái nói.

Chồng mất đã 13 năm nay, chị Lê Thị Huy (SN 1972) vẫn ở vậy nuôi hai con và chưa từng nghĩ chuyện tái giá. Chị Huy chia sẻ: “Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Chẳng ai ép tôi cả, nhưng tôi thấy ở vậy nuôi con trong sự đùm bọc của dân làng, là mẹ con tôi thấy yên ổn rồi”.

50 tuổi đã lên lão

Phụ nữ và người dân thôn Trinh Tiết luôn tự hào và nỗ lực gìn giữ truyền thống làng

Phụ nữ và người dân thôn Trinh Tiết luôn tự hào và nỗ lực gìn giữ truyền thống làng

Theo ông Bùi Văn Thái, làng Trinh Tiết có nghề truyền thống là trồng dâu nuôi tằm, nhưng bây giờ nghề này không đem lại thu nhập, nên toàn bộ khu vực trồng dâu nuôi tằm của làng Trinh Tiết đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Thôn Trinh Tiết hiện giờ có 952 hộ với 3.211 nhân khẩu, trong đó có 1.638 nhân khẩu nữ, còn lại nam 1.573 nhân khẩu, nhưng “cơ bản các cháu lớn lên học hành thoát ly đi làm ở ngoài, làng còn toàn người đã lên lão thôi”.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông Thái cười ồ giải thích, ở làng Trinh Tiết, cứ 50 tuổi là được lên “lão”. Cụ Đào Thị Hảo (75 tuổi) ngồi kế bên vui vẻ xác nhận, cụ đã lên lão 25 năm nay.

Bà Bùi Hà (60 tuổi) lý giải, do bố của Tướng quân Bảo Công mất khi mới 49 tuổi và cũng là ông Thành Hoàng Làng nên từ đó người dân nơi đây cứ thọ 50 tuổi là được công nhận là lên lão.

Tuy nhiên, phong là “lão” theo lệ làng, nhưng do lớp trẻ ra ngoài làm ăn, học tập nhiều, nên thế hệ lao động chính trong làng vẫn toàn “lão” cả. “Với lại, đàn bà trong làng phần vì truyền thống đảm đang, nhưng người sống thủ tiết thờ chồng, không tái giá, thì gánh vác mọi việc trong gia đình, kể cả những việc vốn thường thuộc về đàn ông như cày bừa, xây sửa nhà cửa... Vì vậy, ở làng này, thấy các “lão” bà vác cày ra đồng, hay trèo lên mái nhà lợp ngói, cũng không lạ”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, chính nhờ sự đảm đang, truyền thống chung thuỷ sắt son, mà con gái làng Trinh Tiết rất “đắt chồng”. “Thế mới có chuyện, ngày xưa mà các chàng trai muốn lấy gái làng Trinh Tiết, phải nộp rất nhiều gạch xây sân làng, đình làng, cổng làng... Nay nếp ấy bỏ rồi, nhưng phụ nữ làng Trinh Tiết vẫn luôn tự hào vì giữ gìn được những truyền thống, phẩm hạnh tốt đẹp của người phụ nữ Việt”, bà Hà tâm sự.

Quyết giữ gìn truyền thống

Ông Nguyễn Việt Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Trinh Tiết

Ông Nguyễn Việt Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Trinh Tiết

Ông Nguyễn Việt Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng cho hay, sự tích thôn Trinh Tiết gắn liền với sự thuỷ chung, son sắt, sống có nghĩa có tình. Đó là những phẩm chất đáng quý không chỉ ở thời xưa, mà thời nay cũng vẫn cần phát huy, gìn giữ. Vì vậy, trong các cuộc họp Chi bộ thôn, bảng vàng của thôn, cũng luôn lưu ý nội dung này để tuyên truyền, nhắc nhở toàn dân làng.

Chúng tôi đem những chuyện lạ này đến để trao đổi với ông Hoàng Xuân Công, cán bộ văn hóa xã Đại Hưng. Ông Công cho biết, làng Trinh Tiết có hơn 900 hộ dân. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, buôn bán, chạy chợ… Nhưng chủ yếu họ vẫn là sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa truyền thống. Vải vóc, lụa là của làng Trinh Tiết được dệt từ những bàn tay các thiếu nữ làng này tinh xảo đến từng đường tơ. Ngày xưa, khi những người chồng đi kháng chiến thì họ vừa chăm sóc con cái và đảm trách việc đồng áng. Hình ảnh người con gái đi cày cũng chẳng có gì lạ ở làng này.

Ông Hoàng Xuân Công chia sẻ, trong cuộc sống hiện đại, giới trẻ có biểu hiện sống vội, sống gấp nhưng những cô gái làng Trinh Tiết vẫn luôn ý giữ được nét đẹp của người phụ nữ truyền thống. Nếu có chuyện “ăn cơm trước kẻng” thì cũng phải có sự dạm hỏi cưới trước. Hiện nay, làng Trinh Tiết không có việc “chửa hoang” hoặc sinh con “ngoài giá thú”.

Tiễn chúng tôi ra về trên con đường được lát gạch từ đóng góp của những cô gái trinh, ông Công nói với PV, những phẩm chất tốt đẹp của người con gái làng Trinh Tiết khiến bất kỳ ai đến cũng khen ngợi. Khi đã lấy chồng, họ sẽ nguyện thủy chung đời đời, kiếp kiếp. Chẳng may chồng mất, họ vẫn thủ tiết thờ chồng, nuôi con. “Chính vì vậy mà con gái làng chúng tôi có giá lắm!”, vị cán bộ xã cười nói.

Kỳ lạ ngôi làng ở ven sông, cứ đào xuống đất là gặp ”quan tài” cây khổng lồ

Người dân đào ao, cải tạo sông… liên tục gặp phải những thân cây khổng lồ có chứa hài cốt bên trong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo  Văn Huế ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN