Từ vụ xe cứu hỏa bị tông: “Xe ưu tiên cũng phải tránh phương tiện khác”

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, cần quy định rõ xe ưu tiên khi đi vào cao tốc vẫn phải chú ý quan sát, tránh các phương tiện khác để đảm bảo an toàn.

Từ vụ xe cứu hỏa bị tông: “Xe ưu tiên cũng phải tránh phương tiện khác” - 1

Hiện trường xảy ra vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ.

Vừa qua, chiếc xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát PCCC số 12 Hà Nội chạy ngược chiều rẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thường Tín, Hà Nội) để đi cứu nạn thì bất ngờ bị xe một chiếc xe khách tông trúng. Tai nạn làm 1 chiến sĩ PCCC tử vong, nhiều người khác bị thương.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, nhiều ý kiến cho rằng, cần điều chỉnh, bổ sung quy định về quy trình hoạt động của các loại xe ưu tiên.

Cần thiết duy trì quy định xe ưu tiên

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ 2008, xe ưu tiên (bao gồm xe cứu hỏa) là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang), nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Quy định hiện hành quy định, khi đi làm nhiệm vụ xe ưu tiên phải bật đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ là khi chạy ngược chiều xe ưu tiên phải chạy làn đường nào hoặc khi làm nhiệm vụ ưu tiên phải tuân thủ điều kiện nào để bảo an toàn giao thông chung.

Luật hiện hành có thể hiểu, xe ưu tiên đi thế nào cũng được, không cần tuân thủ bất cứ quy tắc giao thông nào, còn người tham gia giao thông thì có trách nhiệm nhường đường cho xe ưu tiên.

Nếu để quy định mà xe ưu tiên đi thế nào cũng được sẽ rất nguy hiểm. Tài xế điều khiển loại phương tiện này dễ có tâm lý chủ quan khi điều khiển xe hoặc lợi dụng xe ưu tiên để phóng nhanh, vượt ẩu.

Thực tiễn, rất nhiều tai nạn xảy ra khi xe ưu tiên thực hiện quyền ưu tiên.

TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải) cho rằng, vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã cho thấy sự thiếu chặt chẽ trong quy định về hoạt động của xe ưu tiên khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp.

Việc chưa có quy định chặt chẽ về quy trình hoạt động của xe ưu tiên có thể làm tài xế điều khiển xe ưu tiên có tâm lý chủ quan, cho rằng các phương tiện khác khi gặp xe ưu tiên đều phải tránh, như vậy sẽ rất nguy hiểm.

“Thực tế, quy định một số phương tiện được thực hiện quyền ưu tiên vẫn rất cần thiết. Ví dụ một ngôi nhà đang cháy, hàng trăm người có thể bị chết thì xe cứu hỏa có thể đi ngược chiều, nhưng khi di chuyển để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, xe cứu hỏa phải tuân thủ các điều kiện an toàn giao thông”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

“Xe ưu tiên cũng phải tránh phương tiện khác”

TS Nguyễn Xuân Thủy và luật sư Tuấn Anh cho rằng, xe cứu hỏa, xe công an, quân sự, cấp cứu người bị nạn… vẫn cần được thực hiện quyền ưu tiên trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, cần những quy định riêng và cụ thể cho xe ưu tiên khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp để đảm bảo an toàn giao thông chung.

"Cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung thêm khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, xe ưu tiên bắt buộc phải thông báo cho lực lượng cơ quan chức năng địa phương hoặc đơn vị quản lý tuyến đường, CSGT để họ thông báo các phương tiện di chuyển trên tuyến xe ưu tiên đi qua phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho xe ưu tiên…

Trường hợp xe ưu tiên di chuyển ngược chiều trên cao tốc thì bắt buộc phải thông báo cho đơn vị quản lý cao tốc hoặc CSGT phụ trách tuyến cao tốc để phân luồng, thông báo tới các phương tiện giảm tốc độ, chú ý quan sát và bắt buộc xe ưu tiên phải di chuyển vào tuyến đường khẩn cấp… Khi phát hiện có xe ưu tiên, các phương tiện khác phải nhường phần đường khẩn cấp cho xe ưu tiên.

Ngoài ra, xe ưu tiên là loại phương tiện hoạt động đặc biệt nên cần người điều khiển có trình độ cao, yêu cầu sức khỏe và tinh thần tốt”, luật sư Tuấn Anh nêu kiến nghị.

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, cần thiết phải bổ sung thêm quy định như khi xe ưu tiên đi vào cao tốc phải có người đứng vẫy cờ, có cảnh sát dẫn đường hoặc phát có tín hiệu đặc biệt mới được phép đi vào. 

“Khi đi vào cao tốc, xe ưu tiên vẫn phải chú ý quan sát, tránh các phương tiện khác, đảm bảo an toàn cho phương tiện khác. Ngoài ra, lái xe ưu tiên cũng cần có kỹ năng đặc biệt”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Xuất hiện clip ghi lại khoảnh khắc trên xe cứu hoả trước lúc gặp nạn

“Không bất cứ xe nào tấp vô lề nhường chỗ cả. Cứ thế mà bình thản đi. Như bị điếc vậy”, một Facebooker chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Xe cứu hỏa đấu đầu xe khách trên cao tốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN