Tử thi, nỗi kinh hoàng mới ở Philippines

Hàng ngàn tử thi đang thối rữa chưa được chôn cất trên khắp đường phố Tacloban có nguy cơ gây ra một thảm họa mới.

Ngày 13/11, Thị trưởng Alfred Romualdez của thành phố Tacloban, nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất sau siêu bão Haiyan đã phải kêu gọi người dân còn sống sót trong thành phố nhanh chóng rời khỏi thành phố và tìm nơi trú ẩn ở thành phố khác sau khi nỗ lực chôn tập thể các tử thi đang thối rữa tại thành phố này thất bại.

Ông Romualdez cho biết: “Chúng tôi đã đào sẵn một khu huyệt tập thể cho các nạn nhân thiệt mạng. Chúng tôi đã dùng xe tải chất đầy tử thi tới đó, nhưng đoàn xe này đã phải quay về khi có nhiều tiếng súng nổ ra trên đường.”

Tử thi, nỗi kinh hoàng mới ở Philippines - 1

Những tử thi nằm chờ gần 1 tuần nay chưa được chôn cất ở Tacloban

Có nhiều thông tin cho rằng các phiến quân Philippines đã gây ra vụ nổ súng chặn đoàn xe này, cũng có nguồn tin nói rằng những kẻ cướp bóc sử dụng vũ khí đã khiến công tác khắc phục hậu quả gặp khó khăn, song chính quyền Tacloban vẫn không thể có đủ nguồn lực để xác minh các thông tin này.

Gần 200 thi thể vô thừa nhận đã được xếp nằm cạnh nhau bên ngoài tòa thị chính bị hư hỏng nặng của thành phố suốt gần một tuần kể từ khi cơn bão mạnh nhất thế giới gây ra thảm họa hủy diệt ở thành phố này khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Viên thị trưởng này cho biết: “Còn rất nhiều thi thể nằm rải rác khắp nơi trong thành phố. Có khu dân cư gọi chúng tôi đến để thu nhặt 10 thi thể, nhưng khi chúng tôi đến đó mới phát hiện ra có tới 40 xác chết.”

Mặc dù cả thế giới đang dốc sức người, sức của dồn tới Philippines để chung tay giúp đỡ nhân dân nước này vượt qua thảm họa, tuy nhiên công tác cứu trợ tại miền trung Philippines vẫn tiến triển rất chậm chạp và hàng cứu trợ vẫn đến được với những nạn nhân đói khát ở đây rất nhỏ giọt.

Những người ốm và bị thương nằm tuyệt vọng chờ được cứu chữa bên trong những tòa nhà đổ nát, trong khi những người vẫn còn đủ sức khỏe cố tìm đường rời khỏi thành phố đang ngày càng giống địa ngục này.

Ông Efren Nagrama, Giám đốc Cơ quan Hàng không Dân sự khu vực Tacloban cho biết: “Tình hình hiện nay rất thảm khốc. Hàng trăm người tìm đến sân bay mỗi ngày. Nhiều người đã phải lết bộ nhiều ngày mà không được ăn gì để tìm đường đến đây, và rồi phải chờ đợi nhiều giờ, nhiều ngày nữa để được di tản.”

Ông nói: “Người dân ở đây đang dần bị đẩy tới điểm cực hạn của sự chịu đựng. Họ nhìn thấy máy bay cứu trợ bay ngang qua đầu nhưng không thể có được lương thực, cũng không tìm được cách di tản. Tình hình thực sự hỗn loạn.”

Thị trưởng Romualdez nói rằng người dân Tacloban cần sự cứu giúp quy mô lớn hơn nữa từ các tổ chức cứu trợ quốc tế và chính phủ Philippines. Ông phân trần: “Chúng tôi không thể dùng xe tải để đi chở xác vào buổi sáng và cũng chiếc xe tải đó để đi phân phát hàng cứu trợ vào buổi chiều được.”

Ông Romualdez kêu gọi: “Hãy giúp chúng tôi đưa các thi thể ra khỏi đường phố. Những thi thể này đang tạo ra bầu không khí sợ hãi và tuyệt vọng.”

Tử thi, nỗi kinh hoàng mới ở Philippines - 2

Các nhân viên cứu trợ xịt chất diệt khuẩn lên các tử thi trên đường phố

Các quan chức thành phố Tacloban ước tính họ đã thu thập được khoảng 2000 xác chết, đồng thời khẳng định còn rất nhiều tử thi nữa chưa được gom về. Liên Hợp Quốc cho rằng có khoảng 10.000 người thiệt mạng ở thành phố Tacloban, tuy nhiên Tổng thống Philippines Benigno Aquino lại khẳng định con số đó là “quá cao”.

Hiện chính quyền thành phố đã cho đào tiếp 2 khu chôn cất ở một ngôi làng cạnh đó, một khu dành cho những người xác định được danh tính, và một khu dành cho các nạn nhân vô danh.

Chính phủ Philippines cho rằng việc thu gom xác chết chậm chạp là do tình trạng thiếu túi đựng xác, tuy nhiên họ khẳng định rằng công tác này sẽ được thúc đẩy khi lực lượng hỗ trợ và cụm tàu sân bay USS Georgie Washington đến được vịnh Leyte vào ngày thứ Tư.

Trong khi chiến dịch thu gom xác đang được tiến hành, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại rằng môi trường ô nhiễm từ các tử thi này có thể gây ra dịch bệnh cho những người sống sót vốn đang phải vật lộn đấu tranh để sinh tồn.

WHO cho rằng những người bị thương rất dễ bị nhiễm trùng trong môi trường ô nhiễm, trong khi tình trạng thiếu nước sạch có thể gây nên dịch tả và tiếp tục cướp đi sinh mạng của những người sống sót.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN