TT Obama cần thêm thời gian cho “giấc mơ Mỹ”
Năm 2008, Tổng thống đắc cử Barack Obama lên nắm quyền điều hành nước Mỹ với tràn trề hy vọng và nhiệt huyết có thể thay đổi cục diện theo chiều hướng tốt hơn. Tuy nhiên, việc nền kinh tế Mỹ “trật đường ray” tăng trưởng đã phá ngang nhiều tham vọng của ông.
Trong khi nỗ lực của đương kim Tổng thống Mỹ về cải tổ và đấu tranh vì công bằng xã hội còn dang dở, ông thực sự cần thêm một nhiệm kỳ bốn năm nữa.
Có nhiều lý do để những người ủng hộ ông Obama tin tưởng vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sẽ tái đắc cử, trong đó có một lý lẽ rất giản dị, nhưng lại bao hàm nhiều ẩn ý sâu xa, đó là vì nước Mỹ vẫn cần Barack Obama.
Hãy nhớ lại khi ông Obama đắc cử, “gia tài” nước Mỹ mà ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm là một đất nước ngập trong khó khăn mà hầu hết người dân Mỹ không tưởng tượng nổi. Khi ông bước vào Nhà Trắng, kinh tế Mỹ đã mất bốn triệu việc làm trong vòng bốn năm và chỉ riêng trong tháng 1/2009, 800.000 việc làm đã “bốc hơi”; ngành công nghiệp ô tô vỡ vụn; Mỹ sa lầy trong cuộc chiến tại Irắc...
Kể từ đó đến nay, kinh tế Mỹ đã tạo ra 5,5 triệu việc làm mới và số việc làm mới tăng liên tục trong hơn 25 tháng qua. Bên cạnh đó, chính quyền Obama còn phải ra tay khắc phục và cứu giúp ngành tài chính-ngân hàng đang bị “mắc kẹt” trong hoạt động cho vay dưới chuẩn, dẫn tới số lượng nhà bị tịch biên để trừ nợ tăng lên mức cao kỷ lục, khiến cả chủ nợ và con nợ lâm vào cảnh cùng cực.
Ông Obama “thừa hưởng” từ người tiền nhiệm là một đất nước ngập trong khó khăn (Ảnh: AP)
Chính quyền Obama sau khi lên đảm nhiệm vị trí “cầm cương” nền kinh tế đã nhanh chóng hoạch định chính sách giải cứu ngành công nghiệp ô tô với hy vọng tìm lại vị trí là quốc gia sản xuất ô tô số một thế giới mà họ đã mất. Lao động trong ngành xe hơi được quay trở lại công việc với công suất cao. Trên thực tế, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ đã chứng tỏ sự hồi sinh, trái ngược với quan điểm của đối thủ Romney rằng nên để chúng phá sản.
Để thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ, chính quyền Obama đã tung ra lần lượt ba gói kích thích kinh tế. Phe bảo thủ cho rằng gói kích thích kinh tế không phát huy tác dụng, thậm chí là được thiết kế tồi. Tuy nhiên, phải nói một cách công bằng rằng họ đã sai.
Ông Daniel Wilson thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh San Francisco suy luận hiệu quả của gói kích thích kinh tế thông qua một phân tích về dữ kiện công ăn việc làm cấp nhà nước và đi đến kết luận rằng việc chi tiêu mang tính kích thích kinh tế này đã tạo ra hoặc cứu vãn 3,4 triệu việc làm. Khoảng 1/3 số tiền này dành cho các khoản cắt giảm thuế hoặc tín dụng và hầu hết việc chi tiêu đều diễn ra dưới hình thức chuyển giao trực tiếp cho các cá nhân hoặc cho các bang và các chính quyền địa phương.
Trong lĩnh vực thương mại, qua những thờ ơ ban đầu, ông Obama đã hâm nóng hoạt động buôn bán với nước ngoài, sau khi đạt thỏa thuận với Đảng Cộng hòa nhằm thông qua các hiệp định thương mại song phương, đồng thời thúc đẩy Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. Vòng đàm phán về thuế quan đối với mặt hàng lốp xe đã phần nào thể hiện được cách xử lý khéo léo của chính quyền đương nhiệm với Trung Quốc.
Từ những ngày đầu tiên trong quá trình vận động tranh cử nhiệm kỳ sắp đi qua, ông Obama đã nói rõ ông muốn làm nhiều hơn sự khôi phục tăng trưởng. Ông mơ ước tái tạo nền kinh tế Mỹ, trong đó ưu tiên cho năng lượng sạch, tăng cường đầu tư công cho giáo dục và cơ sở hạ tầng sẽ đem lại sức sống cho sản xuất, thúc đẩy thu nhập của tầng lớp trung lưu và ứng phó với thách thức cạnh tranh từ Trung Quốc.
Thế nhưng, chỉ khôi phục tăng trưởng thôi cũng không hề đơn giản, vì phục hồi từ các cuộc khủng hoảng tài chính thường là rất yếu và chậm chạp, đòi hỏi nhiều thời gian hơn một nhiệm kỳ tổng thống.
Theo cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Barack Obama và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney về cơ bản vẫn ngang ngửa nhau tại bốn bang then chốt (gồm Ohio, Colorado, Florida và Virginia) được cho là sẽ quyết định người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong ngày 6/11. |