Trung Quốc lộ rõ tham vọng ở biển Đông

Sự kiện: Thời sự

Những hành động quân sự và ngoại giao của Trung Quốc đang đẩy khu vực tiến gần xung đột hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. hôm 19-8 ra lệnh gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về vụ tàu chiến Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Philippines mà không thông báo trước. Đây là công hàm phản đối Bắc Kinh lần thứ 4 tính từ đầu năm tới nay và là công hàm thứ hai liên quan tới sự xuất hiện của các tàu chiến Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Philippines.

Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Salvador Panelo nhấn mạnh việc lặp đi lặp lại những hành động có thể bị xem là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) của Trung Quốc gây "khó chịu" và sự hiện diện của chiến hạm Trung Quốc ở vùng biển Philippines mà không có sự cho phép của chính quyền Manila không phải là hành động của tình hữu nghị.

Lực lượng vũ trang Philippines trước đó đã ghi nhận 13 lần tàu chiến Trung Quốc ra vào vùng biển nước này mà không báo trước kể từ tháng 6. Cụ thể, 4 tàu Trung Quốc đi vào vùng biển gần đảo Balabac ngày 17-6, trong đó có một chiếc được xác định là tàu sân bay Liêu Ninh. Nhóm tàu này sau đó bị phát hiện đi ngang qua eo biển Sibutu giữa tháng 2 và 7. Bên cạnh đó, 5 tàu hải quân khác của Trung Quốc cũng bị phát hiện ở eo biển Sibutu vào tháng 7 và 8.

Theo tờ Rappler (Philippines), Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Zhao Jianhua, hôm 22-7 từng lên tiếng cam kết tàu chiến Trung Quốc sẽ báo trước cho chính quyền Manila khi đi vào vùng biển Philippines. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã chỉ trích việc đại sứ Trung Quốc không giữ lời và kêu gọi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nêu vấn đề này tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào cuối tháng này ở Bắc Kinh.

Một tàu do thám Trung Quốc trong EEZ của Philippines gần đây Ảnh: Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tây Mindanao

Một tàu do thám Trung Quốc trong EEZ của Philippines gần đây Ảnh: Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tây Mindanao

Chỉ trích trên của Philippines được đưa ra giữa lúc Trung Quốc tiếp tục có những động thái làm leo thang căng thẳng ở khu vực, trong đó có việc tái diễn xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Đề cập đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam hôm 13-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 16-8 nhấn mạnh Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.

Nhận định về những hành động ngang ngược nói trên của Trung Quốc, trang The Interpreter của Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc) cho rằng chúng nêu bật thực tế Trung Quốc sẵn sàng sử dụng hành động cưỡng ép thay vì tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong khi đó, trang ASEAN Today của Singapore cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng các phương tiện ngoại giao và quân sự để phục vụ cho tham vọng của mình ở biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh đề xuất các dự án phát triển ở biển Đông chỉ được giới hạn ở các nước liên quan tại khu vực không có sự tham gia của các cường quốc bên ngoài. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn những nước này chỉ liên doanh với các công ty dầu khí Trung Quốc.

Bằng cách gây ra tranh chấp mới ở biển Đông, Trung Quốc tìm cách cản trở các công ty nước ngoài đầu tư vào khu vực trong lúc gây sức ép để buộc các nước ASEAN chấp nhận đề xuất của họ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn thao túng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế để gieo rắc sự mơ hồ và thúc đẩy lợi ích kinh tế của mình. Chưa hết, theo ASEAN Today, những hành động quân sự và ngoại giao của Trung Quốc còn đang đẩy khu vực tiến gần xung đột hơn. Trong số này, những vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm gần đây của Bắc Kinh ở biển Đông đánh dấu sự leo thang rõ ràng về hoạt động quân sự hóa của nước này tại đó. 

Cam kết của Mỹ

Mỹ và Malaysia vào tuần qua đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung. Tuyên bố của Hạm đội 7 Mỹ cho biết cuộc tập trận năm nay còn ghi nhận sự tham gia lần đầu tiên của Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia và Lực lượng Tuần duyên Mỹ. Theo tuyên bố, các cuộc tập trận chung nhằm nâng cao khả năng bảo đảm an ninh và ổn định hàng hải của cả hai nước. Cũng vào tuần qua, lực lượng các nước Mỹ, Úc, Canada và New Zealand tiến hành tập trận chung trên đảo Guam, thuộc lãnh thổ Mỹ.

Theo hãng tin AP, các cuộc tập trận trên nêu bật mức độ gắn kết của Mỹ đối với khu vực giữa lúc có nỗi lo về sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc. Phát biểu với giới truyền thông tại thủ đô Manila - Philippines hôm 16-8, tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, tuyên bố không có kế hoạch giảm bớt các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông. Trong khi đó, tướng Charles Brown Jr. - Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương - nhấn mạnh các chiến dịch này là nhằm răn đe bất kỳ nỗ lực vi phạm luật pháp quốc tế và bảo đảm biển Đông mở cửa cho tất cả tàu thuyền đi lại. Trước đó không lâu, Chuẩn đô đốc Karl Thomas, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay 5, khẳng định Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại biển Đông để bảo đảm an ninh và tự do hàng hải.

Hoàng Phương

Mưu đồ của Trung Quốc và đối sách của Việt Nam ở Biển Đông

“Chúng ta tiếp tục đấu tranh bằng mọi cách để giải quyết những tranh chấp bất đồng bằng thương lượng, hòa bình....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN