TQ phát hiện mỏ khí đốt cực lớn ở Biển Đông
Mỏ khí đốt cực lớn được giàn khoan Hải Dương 981 phát hiện tại vùng biển cực sâu trên Biển Đông.
Ngày 15/9, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố họ đã phát hiện mỏ khí đốt nước sâu cực lớn đầu tiên ở Biển Đông nhờ kết quả thăm dò của giàn khoan Hải Dương 981 từng hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng Năm.
Theo Tân Hoa Xã, mỏ khí mới mang tên Lingshui 17-2 ở cách đảo Hải Nam 150 km về phía nam và không nằm trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Mỏ khí nằm ở độ sâu khoảng 1.500 mét này được xếp vào loại “mỏ khí đốt cực sâu”.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc từng hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam
Ngay sau khi phát hiện mỏ khí đốt trên, CNOOC đã mạnh miệng tuyên bố rằng Trung Quốc “có đủ khả năng về công nghệ để khoan dầu ở bất cứ nơi nào trên toàn bộ Biển Đông”.
CNOOC tỏ ra đặc biệt hài lòng với trữ lượng ước tính của mỏ khí Lingshui 17-2. Một quan chức CNOOC tên là Xie Yuhong tuyên bố rằng mỏ khí này có thể sản xuất 1,6 triệu mét khối khí mỗi ngày, tương đương với 9.400 thùng dầu thô.
Xie cũng khoe rằng mỏ khí này “có thể rất lớn” với trữ lượng “ít nhất là 30 tỉ mét khối”, tuy nhiên trữ lượng ước tính mà ông này đưa ra vẫn đang được CNOOC kiểm nghiệm để xác nhận.
Xie nhấn mạnh rằng Lingshui 17-2 là mỏ khí lớn nhất trong một loạt mỏ khí mà CNOOC đã thăm dò trên Biển Đông, trong đó có mỏ khí ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mà giàn khoan Hải Dương 981 đã thăm dò trái phép hồi tháng Năm.
Tuy nhiên, chủ tịch CNOOC Wang Yilin lại nhấn mạnh rằng Lingshui 17-2 mới chỉ là bước khởi đầu, và Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng khai thác dầu khí ra toàn bộ Biển Đông trong tương lai.
Tham vọng này được thể hiện rõ trong chương trình đóng mới 3 giàn khoan có kích thước tương tự như Hải Dương 981 của CNOOC. Theo tờ Wall Street Journal của Mỹ, giàn khoan tiếp theo mang tên Hải Dương 982 dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2016 và sẽ tiếp tục được kéo ra Biển Đông.
Hồi tuần trước, CNOOC cũng đã ra thông báo mời thầu khai thác dầu khí đối với số lượng lô dầu khí lớn kỷ lục trên Biển Đông và Hoa Đông, tuy nhiên cho đến nay chưa có công ty nước ngoài nào tỏ ra mặn mà với những lời mời chào của Trung Quốc vì chi phí thăm dò và khai thác quá cao.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khoan dầu hiện nay thể hiện sự hội tụ 2 lợi ích chiến lược của Trung Quốc: đó là để giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, và để bảo vệ cái mà họ gọi là “chủ quyền” (phi pháp – PV) đối với vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” mà họ đơn phương tự vạch ra trên Biển Đông.